Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện
Giảng giải: Vạn Phật Thánh Thành, Tuyên Hóa Thượng Nhân.I. Phần Duyên Khởi:Duyên Khởi Của Pháp Hội Giảng Kinh
Tất cả mọi nơi đều là đạo tràng, Pháp Hội, cho nên bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu, chúng ta cũng đều có thể giảng Kinh thuyết Pháp, tu tập, hành trì được cả. Mọi lúc đều có thể tu hành, mọi chốn đều là nơi để dụng công. Tu hành thì không nên phân biệt nơi chốn, chẳng nên phân biệt xa gần; đến nơi nào cũng thấy như nhaụ Ngoài ra, cũng không nên phân biệt về sự tốt xấu của Pháp Hộị Nếu ở bất cứ nơi nào chúng ta cũng có thể giảng Kinh thuyết Pháp, nghiên cứu giáo lý Phật Ðà, thì chúng ta sẽ có thể "kết thành một đoàn, luyện thành một khối." Cho nên, tập được thói quen đến đâu cũng nghiên cứu Phật Pháp là điều quan trọng nhất vậy.
Chủ yếu của việc nghiên cứu Phật Pháp là gì? Ðó là cắt đứt vọng tưởng, thâu nhiếp thân tâm. Nếu chúng ta không mơ tưởng về quá khứ, hiện tại hoặc vị lai, mà chỉ một lòng một dạ nghiên cứu Phật Pháp, thì chúng ta sẽ không còn phiền não, khổ đau. Tại sao chúng ta có phiền não ? Bởi vì chúng ta không có được cái nhìn thấu suốt, không nỡ buông bỏ, cứ cho rằng việc này quan trọng, việc kia cần thiết, do vậy mà sanh lòng chấp trước. Một khi đã có tâm chấp trước thì phiền não sẽ theo đó mà nảy sinh. Cho nên, chúng ta nghiên cứu Phật Pháp thì cần phải dẹp bỏ tâm chấp trước.
Hôm nay là ngày đầu tiên chúng tôi giảng Kinh ở đây. Sau này, khi quý vị vào chỗ ngồi thì người hàng sau nên ngồi xen kẽ đối với người hàng trước, để người trước người sau đều có thể thấy rõ, khỏi cản trở tầm nhìn của nhau. Ðó là cách ngồi; còn đứng thì như thế nào ? Cứ hai người đứng một hàng, hàng này cách hàng kia một khoảng vừa đủ để có thể cúi lạy được.
Vừa rồi chúng ta có niệm Lục Tự Ðại Minh Chú (Án Ma Ni Bát Di Hồng). Bồ Tát Ðịa Tạng rất thích mọi người niệm chú Lục Tự Ðại Minh này. Nếu quý vị trì niệm Lục Tự Ðại Minh Chú thì quý vị cầu xin bất cứ điều gì, Bồ Tát Ðịa Tạng cũng sẽ giúp cho qúy vị được toại nguyện. Sự cảm ứng linh thiêng của Ngài Ðịa Tạng không thể nào nói hết được, điều này trong Kinh cũng có đề cập đến. Vì thế, trong các buổi giảng Kinh, chúng ta đều nên luôn luôn niệm Lục Tự Ðại Minh Chú. Ðây là một Thần Chú tối nhiệm mầu; công năng của Thần Chú này thật không thể nghĩ bàn!
Nhân duyên của Pháp Hội giảng Kinh Ðịa Tạng lần này cũng khá đặc biệt. Mùa hạ năm nay tôi mướn căn nhà này để mở khóa tu học, và dự trù sau khi khóa học viên mãn thì trả nhà. Ðến khi trả nhà rồi, thì có vài học viên muốn ở lại tu học tiếp nên phải tự đi tìm thuê phòng tạm trú; nhưng tìm phòng để thuê là một việc rất vất vả, không dễ gì kiếm được ngaỵ Cho nên tôi cũng rất "mạo hiểm" quyết định mướn lại căn nhà này. Sau đó, tôi mời mấy học viên đó về ở, đồng thời thỉnh bức tượng Ðịa Tạng Vương Bồ Tát về đây "sống chung" với mọi người. Như thế, đại chúng ngày ngày đều có cơ hội lễ bái Bồ Tát hầu gieo trồng thiện căn, vun bồi cội phước.
Tuy nhiên, đối với người Mỹ thì Bồ Tát vẫn còn quá xa lạ! Trước kia họ không biết đến bất cứ một vị Bồ Tát nào cả, bây giờ lại ở chung một nhà với Bồ Tát, thì có người lấy làm vui mừng, song cũng có người ngần ngại: "Ồ! Tượng Bồ Tát này trông giống người thật quá!"; và sanh ra sợ sệt. Do đó, bây giờ tôi sẽ "giới thiệu" vị Bồ Tát này với quý vị. Phàm muốn kết bạn với ai, tất trước hết chúng ta phải tìm hiểu xem người ấy là người như thế nào; nay vì quý vị muốn "làm quen" với Bồ Tát Ðịa Tạng nên tôi sẽ giảng Kinh Ðịa Tạng cho quý vị nghe.
Kinh Ðịa Tạng được xem là một bộ "Hiếu Kinh" của Phật Giáo. Bồ Tát Ðịa Tạng là một vị Bồ Tát thực hành hiếu đạo, và là vị Bồ Tát hiếu thảo với cha mẹ nhất. Vì cũng mong muốn mọi người đều học theo tinh thần hiếu đạo của Bồ Tát Ðịa Tạng, cho nên hôm nay tôi giảng bộ Kinh Ðịa Tạng này.
Bây giờ, chúng ta sẽ tìm hiểu bộ Kinh này dựa trên sáu yếu tố:
- Thứ nhất là Nhân Duyên Nảy Sanh Giáo Pháp (Giáo Khởi Nhân Duyên), tức là nhân duyên, nguyên do có bộ Kinh này.
- Thứ hai là Phân Loại Theo Tạng Thừa (Tạng Thừa Sở Nhiếp). "Tạng" là Tam Tạng. "Thừa" là Ðại Thừa và Tiểu Thừa; mà cũng là Ngũ Thừa - Nhân Thừa, Thiên Thừa, Thanh Văn Thừa, Duyên Giác Thừa và Bồ Tát Thừa. Như vậy, yếu tố thứ hai là xét xem Kinh này thuộc về tạng nào trong ba Tạng và thừa nào trong năm Thừa.
- Thứ ba là Nêu Rõ Tông Chỉ Kinh (Biện Định Tông Chỉ)
- Thứ tư là Giải Thích Đề Mục Kinh (Tiêu Thích Danh Đề)
- Thứ năm là Dịch Giả Truyền Dịch (Truyền Dịch Sử Giả), nói rõ ai là người lưu truyền, phiên dịch bộ Kinh.
- Và, thứ sáu là Giảng Giải Kinh Văn (Biệt Giảng Văn Nghĩa), giải thích ý nghĩa của kinh văn.
I) Nhân Duyên Nảy Sanh Giáo Pháp (Giáo Khởi Nhân Duyên)
"Giáo khởi nhân duyên" nghĩa là gì? "Giáo" là lời giáo hóa, dạy dỗ chúng sinh của các bậc Thánh Nhân. "Khởi" tức là trước kia vốn không có mà bây giờ lại có, lại nảy sanh rạ "Nhân" là nhân tố, còn "duyên" là duyên cớ. Thế thì, do nhân duyên gì mà khởi sanh giáo pháp này ?
Sau khi thành Phật, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết Pháp ròng rã suốt bốn mươi chín năm, giảng Kinh tại hơn ba trăm Pháp Hội, song thủy chung vẫn chưa siêu độ cho Ma-Da Phu Nhân, thân mẫu của Phật. Ðức Phật Thích Ca vốn được sanh ra từ cạnh sườn (phía trên bụng) bên trái của thân mẫu, và hạ sinh Ngài xong thì Ma-Da Phu Nhân qua đời. Sau khi chứng đắc Phật Quả, Ngài quán xét và biết là Thánh Mẫu đã được thác sanh lên cõi trời.
Bấy giờ, lúc đã thuyết xong Kinh Pháp Hoa và trước khi thuyết Kinh Niết Bàn, Phật Thích Ca nhớ đến mẫu thân nên liền lên cung trời Ðao Lợi ba tháng để thuyết Pháp cho Thánh Mẫu nghe. Phật thuyết Pháp gì ở Ðao Lợi Thiên? Phật đã thuyết Kinh Ðịa Tạng, một bộ kinh dạy về đạo hiếu. Vậy, do muốn cứu độ từ mẫu nên Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni đã lên cung trời Ðao Lợi thuyết giảng Kinh Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện. Ðức Phật vì mẹ mà tuyên thuyết giáo pháp Kinh Ðịa Tạng; thế thì bộ Kinh này phải chăng rất trọng yếu ?
II) Phân Loại Theo Tạng Thừa (Tạng Thừa Sở Nhiếp)
"Tạng" là Tam Tạng - Kinh Tạng, Luật Tạng, Luận Tạng. "Nhiếp" có nghĩa là thuộc về. Kinh Tạng thì thuộc về Ðịnh Học, Luật Tạng thuộc về Giới Học, và Luận Tạng thì thuộc về Huệ Học. Kinh-Luật-Luận cũng chính là Giới-Ðịnh-Huệ. Bộ Kinh này thuộc về Kinh Tạng và Luật Tạng vì trong đó có đề cập đến Giới Luật.
"Thừa" ở đây chính là Ngũ Thừa. Có người nói là chỉ có Tam Thừa - Thanh Văn Thừa, Duyên Giác Thừa và Bồ Tát Thừa - mà thôi; thế thì Ngũ Thừa là gồm những gì? Là ba Thừa ấy cộng thêm Nhân Thừa và Thiên Thừa nữa, thì thành năm Thừa. Mỗi chúng ta đều có nhiều điểm khác biệt nhau; giữa chư Thiên với nhau cũng có thiên sai vạn biệt; Thanh Văn, Duyên Giác cũng thế; và Bồ Tát cũng không phải chỉ có một mà là rất nhiều vị. Vậy, bộ Kinh Ðịa Tạng này thuộc về Nhân Thừa, Thiên Thừa và Bồ Tát Thừa.
III) Nêu Rõ Tông Chỉ Kinh (Biện Ðịnh Tông Chỉ)
Bộ Kinh này lấy gì làm tông chỉ? Tông chỉ của bộ Kinh này gồm có bốn điều và được bao hàm trong tám chữ "Hiếu Ðạo, Ðộ Sanh, Bạt Khổ, Báo Ân." Tám chữ này nói lên điều gì? Ðó là "tinh nghiên hiếu đạo" - đạo lý hiếu thảo với cha mẹ. Con người nếu biết giữ hiếu đạo thì trời đất sáng ngời rạng rỡ. Ðiều khiến cho trời đất cảm động cũng chính là lòng hiếu thảo, nên nói: ""Thiên địa trọng hiếu, hiếu đương tiên" (trời đất đều xem trọng đạo hiếu, hiếu là trước nhất).
1) Hiếu Ðạo. Chữ "hiếu" này vô cùng quan trọng. Chỉ cần có một chữ "hiếu" là toàn gia được yên vui, êm ấm. Có câu:
Hiếu thuận lại sanh con hiếu thuận
(Hiếu thuận hoàn sanh hiếu thuận tử.)
Nếu quý vị hiếu thuận với cha mẹ mình thì sau này con cái của quý vị cũng sẽ hiếu thuận với quý vị. Còn nếu quý vị không hiếu thảo với song thân, thì con cái của quý vị rồi cũng sẽ không hiếu thảo với quý vị!
Vì sao chúng ta phải học cách làm người? Làm người có ý nghĩa gì? Có người nói rằng: "Tôi làm người một cách hồ đồ như vầy thì cũng xong thôi!" Nói như thế là không phải! Bổn phận của kẻ làm người là phải hiếu thảo với cha mẹ, bởi cha mẹ chính là trời đất, là sư trưởng, và cũng là chư Phật. Có cha mẹ mới có mình; nếu không có cha mẹ thì mình không có được thân thể này, mà không có thân này để tu hành thì mình sẽ chẳng bao giờ thành Phật được cả! Cho nên, muốn thành Phật thì trước tiên là phải trọn hiếu với cha mẹ. Vậy, tông chỉ thứ nhất là "Hiếu Ðạọ"
2) Ðộ Sanh. Tông chỉ thứ hai của bộ kinh này là "Ðộ Sanh."
Thế nào gọi là "độ sanh"? Từ bờ bên này vượt sang bờ bên kia, gọi là "độ." Từ sanh tử đến Niết Bàn cũng gọi là "độ." Từ phiền não mà được Bồ Ðề cũng gọi là "độ." "Ðộ sanh" ở đây có nghĩa là cứu độ chúng sanh. "Cứu độ chúng sanh" thì không phải là chỉ cứu một hoặc hai người, cũng không phải là ba người hoặc năm người. "Ðộ chúng sanh" là độ thoát tất cả mười hai loại chúng sanh. Phải phát tâm giáo hóa hết thảy chúng sanh, khiến cho tất cả chúng sanh đều sớm được thành Phật; như thế mới gọi là "độ chúng sanh."
3) Bạt Khổ. Ðây là tông chỉ thứ ba. Bộ Kinh này có công năng "nhổ sạch khổ não," dứt trừ mọi nỗi khổ của chúng sanh.
4) Báo Ân. "Báo ân" ở đây chính là báo đáp công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ.
Vậy, tám chữ "Hiếu Ðạo, Bạt Khổ, Ðộ Sanh, Báo Ân" là tông chỉ của Kinh Ðịa Tạng. Nếu giảng cặn kẽ thì quá nhiều, cho nên tôi chỉ đề cập đến những điểm trọng yếu; sau khi hiểu rõ các ý chính, quý vị sẽ thông suốt được tất cả.
Nghe nhắc đến đạo hiếu, có nhiều người liền nghĩ: "Mình phải về để hầu hạ, báo hiếu cho cha mẹ!" Nhưng về đến nhà, gặp cha mẹ, thì họ lại chứng nào tật nấy, quên mất bổn phận hiếu thảo. Vì sao họ quên? Vì họ không hiểu hiếu đạo chân chánh là như thế nào. Tu học Phật Pháp tức là chân chánh hiếu thảo vậỵ Chớ nói rằng về nhà quanh quẩn bên cha mẹ mới là có hiếu, rồi về tới nhà thì lại quên mất bổn phận hiếu thảo! Qúy vị ở đây nghiên cứu Phật Pháp, học làm người tốt - điều này đối với thế giới rất có lợi. Mang lại lợi ích cho thế giới cũng chính là báo hiếu cha mẹ vậy.
"Hiếu" được phân làm bốn loại: Tiểu Hiếu, Ðại Hiếu, Viễn Hiếu và Cận Hiếu.
Thế nào gọi là "Tiểu Hiếu"? "Tiểu Hiếu" là hiếu đạo trong phạm vi gia đình, tức là chỉ hiếu thảo với cha mẹ ruột của mình, chứ không hiếu thảo với tất cả mọi người, chưa có được lòng hiếu thảo bao la, quảng đại.
"Hiếu Quảng Ðại" là gì? Ðó chính là Ðại Hiếu - hiếu thuận với khắp thiên hạ, xem tất cả các bậc cha mẹ trên đời như là cha mẹ của mình. Ðây gọi là hiếu thuận với tất cả mọi người. Thế nhưng, Ðại Hiếu vẫn chưa phải là hiếu thuận chân chánh.
Thế nào là "hiếu thuận chân chánh"? Chỉ khi nào quý vị thành Phật mới gọi là có lòng hiếu thảo chân chánh, mới là "Chân Hiếụ" Ðây là một loại hiếu thảo đích thực, rốt ráo, vượt hẳn bốn loại hiếu kia. Ðức Phật Thích Ca xưa kia, mặc dù vua cha không cho phép xuất gia, muốn cầm giữ Ngài ở mãi trong cung, nhưng Ngài đã trốn khỏi hoàng thành, lén đi xuất gia tu hành. Sau sáu năm ròng rã tu khổ hạnh trên ngọn Tuyết Sơn, Ngài đã ngộ Ðạo thành Phật dưới cội Bồ Ðề. Thành Phật rồi, Ngài đến cung trời Ðao Lợi, vì mẹ mà thuyết Pháp. Qúy vị xem, đó chẳng phải là chân chánh hiếu thảo sao?
Thế nào gọi là "Cận Hiếu"? Noi gương những người con chí hiếu thời cận đại, học cách hiếu thuận cha mẹ của họ - đó gọi là "Cận Hiếu". Có câu:
Viễn hiếu, hiếu muôn đời
Cận hiếu, hiếu đương thời.
(Viễn Hiếu, hiệu ư vạn cổ;
Cận Hiếu, hiệu ư đương thời)
Viễn Hiếu là gương hiếu thảo được muôn thế hệ truyền tụng và noi theo; còn Cận Hiếu là sự hiếu thuận đương thời. Cận Hiếu cũng có thể gọi là Tiểu Hiếu, mặc dù vẫn có vài điểm bất đồng. Viễn Hiếu là hiếu thuận muôn đời, điển hình là Nhị Thập Tứ Hiếu (hai mươi bốn gương hiếu tử) của Trung Hoa. Gương hiếu thảo của họ được muôn đời truyền tụng, lưu lại tiếng thơm cho hàng vạn thế hệ sau.
Trong Nhị Thập Tứ Hiếu của Trung Hoa có một Ðổng Vĩnh. Ðổng Vĩnh, còn gọi là Ðổng Ảm, là một người con chí hiếu. Gia đình Ðổng Vĩnh rất nghèo, cảnh nhà thiếu trước hụt sau; còn hàng xóm của anh ta là Vương Kỳ thì lại rất giàu có, sung túc. Mẹ của Ðổng Vĩnh nhờ con hiếu thảo nên hồng hào khỏe mạnh; tuy tuổi đã cao mà vẫn còn linh hoạt và lúc nào cũng tươi vui. Trong khi đó, mẹ của Vương Kỳ mặc dù tiền bạc dư dả, ăn toàn những món ngon vật lạ, cao lương mỹ vị, nhưng lại gầy gò ốm yếu, và trông có vẻ buồn phiền áo não, chẳng chút vui tươi thanh thản.
Một hôm, nhân lúc Ðổng Vĩnh và Vương Kỳ đều vắng nhà, bà mẹ của Vương Kỳ mới sang chơi và hỏi mẹ của Ðổng Vĩnh: "Bà chị tuổi tác cũng đã cao, cảnh nhà lại thanh bần, chẳng thuốc thang tẩm bổ, mà sao trông bà lúc nào cũng vui vẻ, khoẻ mạnh?"
Mẹ của Ðổng Vĩnh đáp: "Bởi vì con trai tôi rất hiếu thảo. Nó không dám làm việc gì xấu cả, lại rất thật thà đúng đắn, cần cù làm việc; cho nên tôi rất hài lòng, không có điều chi lo nghĩ hoặc buồn bực cả. Có lẽ nhờ tâm trí thư thái, trong lòng thanh thản, nên thân thể được khỏe mạnh đấy thôi."
Rồi bà hỏi lại mẹ của Vương Kỳ: "Nhà bà chị giàu có thế kia, ăn uống toàn là món ngon vật lạ, mà sao lại gầy ốm như vậy? Bà chị gầy như cây sậy ấy, có mắc bệnh gì không?"
Mẹ của Vương Kỳ thở dài ngao ngán: "Tôi ư? Giàu thì cũng có giàu đấy, ăn uống thì cũng toàn là những thức ngon lành, bổ báo; nhưng khổ nỗi lại gặp phải thằng con ngỗ nghịch, toàn làm những chuyện phi pháp, khiến tôi rất đau lòng. Hôm nay phạm pháp, ngày mai phạm luật; hôm nay không bị sai nha truy lùng, thì ngày mai cũng có lệnh của phủ đường đòi đến tra hỏi. Tôi từ sáng đến tối cứ vì thế mà thấp thỏm âu lo, thức ăn dù ngon cách mấy cũng nuốt không xuống, không thấy vui. Bởi suốt ngày cứ rầu rĩ phiền muộn, cho nên tôi càng ngày càng gầy mòn đấy thôi!"
"Hiếu" tuy có Viễn Hiếu, Cận Hiếu, Ðại Hiếu, Tiểu Hiếu, nhưng nếu nói đến sự hiếu thảo chân chánh thì chính là tu hành để sau này thành Phật vậy. Hôm nay quý vị ở lại nghiên cứu Phật Pháp, không bỏ về, đó chính là Chân Hiếu vậy. Chân chánh nghiên cứu, hành trì Phật Pháp mới là sự hiếu thảo đúng đắn, rốt ráo nhất.
IV) Giải Thích Đề Mục Kinh (Tiêu Thích Danh Ðề)
Yếu tố thứ tư là Tiêu Thích Danh Ðề. "Tiêu" nghĩa là gì? "Tiêu" có nghĩa là giải thích ý văn một cách rõ ràng. "Tiêu thích danh đề" tức là giải thích tên đề của Kinh.
Tên của bộ Kinh này là "Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh." Trong đó, "Ðịa Tạng Bồ Tát" là Nhân (người), "Bổn Nguyện" là Pháp. Pháp cũng là một thứ "nghiệp." "Bổn nguyện" chính là "bổn lai hạnh nghiệp" - hành vi và nghiệp sở tạo trong đời quá khứ. Như vậy, trong bảy loại lập đề, bộ Kinh này thuộc loại Nhân Pháp Lập Ðề.
Vì sao gọi là "Ðịa Tạng"? "Ðịa" có nghĩa là đất, và có công năng sinh trưởng vạn vật. "Tạng" là bảo tạng, tức là kho báu. Chữ "tạng" này cũng có nghĩa là tàng trữ, cất giấu. Tất cả kho báu vạn vật, tất cả mọi vật đều có thể chôn giấu dưới đất. Vị Bồ Tát này giống như đại địa vậy - có thể sinh trưởng tất cả vạn vật, lại có vô lượng vô biên kho báu chôn dưới đất mà ai ai cũng có thể khai quật được. Người nào tin Ngài thì sẽ có phần trong những kho báu đó. Trong các kho báu này, cái gì cũng có, ngay cả những thứ quý báu nổi tiếng như kim cương, vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, .... không thiếu một thức gì. Nếu qúy vị lấy được một khối kim cương nặng chừng ba trăm pounds, thì qúy vị sẽ trở thành "đại phú ông," là người giàu nhất thế giới! Vừa nghe tôi nói tới viên kim cương "ba trăm pounds" thì có nhiều người phì cười, cho rằng quá lớn! Thật ra, đó là viên nhỏ nhất trong kho đấy; còn viên lớn nhất thì e rằng qúy vị nhấc không nổi! Vì có đủ những mỹ đức kể trên, cho nên vị Bồ Tát này có danh hiệu là "Ðịa Tạng."
"Bồ Tát" là tiếng Phạn, có nghĩa là "hữu tình giác," tức là một người giác ngộ trong hàng ngũ chúng sanh. Lại cũng có nghĩa là "giác hữu tình," tức là người mà sau khi đã giác ngộ, liền đem những điều mình đã chứng đắc ra dạy lại, khiến cho các chúng sanh khác cũng được giác ngộ như mình. Ðây chính là "tự giác, giác tha" - sau khi tự mình giác ngộ rồi, thì nguyện cho tất cả chúng sanh cùng được giác ngộ. Lại cũng có thể gọi là "tự lợi, lợi tha" - chính mình có được đại trí huệ, bèn nguyện cho tất cả chúng sanh cũng được đại trí huệ. Có đại trí huệ rồi thì không còn sự điên đảo nữa.
"Bổn Nguyện" tức là những thệ nguyện mà Ðịa Tạng Vương Bồ Tát vốn đã lập từ xưa đến nay, chứ không phải bây giờ mới lập. "Từ xưa đến nay" tức là từ lúc nào? Là từ vô lượng kiếp về trước. Trong nhiều đời ở quá khứ, Ngài đã từng phát lời thệ nguyện này, nên gọi là "bổn nguyện."
Trong Thập Nhị Bộ Kinh có phần Bổn Sự, ghi chép những sự việc xảy ra trong đời quá khứ. Tương tự như thế, "bổn nguyện" hiện tại của Bồ Tát Ðịa Tạng chính là những thệ nguyện mà Ngài đã từng phát trong đời quá khứ, chứ không phải chỉ trong đời này. Trong đời này Ngài chỉ lập lại và tiếp tục thực hiện các thệ nguyện đó mà thôi. Ngài phát lời thệ nguyện như thế nào? Ngài nguyện rằng:
"Ðịa ngục chưa trống không, tôi quyết chưa thành Phật;
Chúng sinh độ hết rồi, tôi mới chứng Bồ Ðề."
Nếu tất cả các địa ngục chưa trống không, vẫn còn tội nhân, thì Ngài cương quyết chưa thành Phật. Chỉ khi nào địa ngục hoàn toàn trống không, chẳng còn một bóng tội nhân, Ngài mới thành Phật. Qúy vị nghĩ xem, thệ nguyện này rộng lớn như thế nào? Ðịa Tạng Vương Bồ Tát phát nguyện: "Tôi nguyện ở trong địa ngục để tiếp dẫn tất cả ngạ quỷ. Nếu những ngạ quỷ này một ngày chưa lìa khổ được vui, thì tôi một ngày chưa thành Phật. Ðợi cho tất cả những ngạ quỷ trong địa ngục đều được giải thoát, lìa khổ được vui rồi, thì tôi mới thành Phật."
Chúng ta thử nghĩ xem, chúng sanh tạo nghiệp thì vô cùng, phiền não cũng vô tận; thế thì địa ngục làm sao có lúc cùng tận được? Trừ phi phiền não và nghiệp chướng của chúng sanh đều tiêu trừ hết, thì may ra địa ngục mới có ngày trống rỗng. Song le, nghiệp chướng của chúng sanh không thể tiêu trừ, phiền não cũng chẳng thể đoạn diệt, thì địa ngục làm sao có thể trống không được?
Hạnh nguyện của Bồ Tát Ðịa Tạng, theo quan điểm của các triết gia và khoa học gia hiện nay, phải chăng là một tư tưởng ngu si nhất và cũng là một hành vi ngu si nhất? Vì sao họ cho rằng đây là một tư tưởng và hành vi ngu si nhất? Bởi vì sự việc này vốn không thể nào xảy ra được - địa ngục không bao giờ trống không cả! Thế thì Ngài Ðịa Tạng vĩnh viễn không có cơ hội thành Phật sao?
Không phải vậy! Ðó không phải là một tư tưởng và hành vi ngu si nhất, mà chính là một tư tưởng và hành vi mang đậm nét từ bi, đồng thời cũng là một tư tưởng và hành vi vô cùng hiếu thảo. Vì sao lại nói đó là một tư tưởng và hành vi chứa đầy lòng hiếu thảo? Bồ Tát Ðịa Tạng, sau khi quán sát và biết được mẹ mình bị đọa địa ngục, chịu nhiều thống khổ, bèn đến cầu xin Ðức Phật siêu độ cho mẫu thân.
Ðịa Tạng Vương Bồ Tát đích thực là ai? Ngài chính là Tôn Giả Ma Ha Mục Kiền Liên, nguyện ở trong địa ngục làm Bồ Tát. Vì sao Ngài muốn làm Bồ Tát ở địa ngục? Bởi vì Ngài thấu hiểu và cảm thông được mọi đau khổ mà thân mẫu Ngài đã chịu đựng, nên Ngài liên tưởng: "Nếu mẹ mình chịu khổ như vậy, thì tất cả những bà mẹ trên cõi đời này cũng đều chịu khổ như thế!" Cho nên Ngài dùng tâm hiếu đạo bình đẳng, không phân biệt, mà độ thoát tất cả chúng sanh trong địa ngục, khiến họ lìa khổ được vui.
Vừa rồi là nói về "bổn nguyện" của Ðịa Tạng Vương Bồ Tát; bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu chữ "địa (đất)." "Ðịa" có mười nghĩa, nhưng mười ý nghĩa này cũng chưa diễn đạt hết được công năng của "Ðịa," tuy vậy tôi sẽ giảng sơ lược:
1) Rộng Lớn (Quảng Ðại). Ý nghĩa thứ nhất là "quảng đại." Qúy vị thấy Ðất có quảng đại, rộng lớn không? Có lẽ trong quý vị có người đang nghĩ: "Thầy ơi, Thầy không cần giảng nữa, ý nghĩa rộng lớn của Ðất ai mà chẳng biết!" Thì chính vì ai ai cũng biết nên tôi càng cần phải giảng hơn nữa, để mọi người có thể biết được nhiều thêm một chút nữa!
2) Nơi Nương Tựa Của Chúng Sanh (Chúng Sanh Y). Ðất là nơi nương tựa của mọi chúng sanh; tất cả chúng sanh đều nhờ vào Ðất mà sinh trưởng. Qúy vị nghĩ xem, có chúng sanh nào mà chẳng sống nhờ trên Ðất hay không? Thật vậy, không một chúng sanh nào sống trong hư không cả! Ðó là ý nghĩa thứ hai của "Ðịa."
3) Đất Không Ưa Ghét (Ðịa Vô Hảo Ố). Ðất không ưa thích, cũng chẳng ghét bỏ ai. Ðất không hề phân biệt, lựa chọn: "Ê, tên chúng sanh này, ta cho ngươi ở chỗ đó. Còn tên chúng sanh kia, hãy cút đi, ta không thích ngươi!" Bất luận chúng sanh nào, dù tốt hay xấu, thiện hay ác, dù là cọp, beo hay hươu, nai... tất cả đều sống trên Ðất, đều nhờ Ðất mà sinh tồn. Ngoài ra, Ðất không sinh tâm tốt, cũng chẳng nảy tâm xấu. Có người nói: "Tôi hiểu điều đó - Ðất hoàn toàn không có tri giác!" Qúy vị cho rằng Ðất không có tri giác sao? Tri giác của Ðất không phải là điều mà tri giác chúng ta có thể hay biết được. Ðất cũng có tri giác của Ðất, và Ðất cũng là một trong những chúng sanh vậy.
4) Tiếp Thọ Mưa Lớn (Thọ Ðại Vũ). Ðất có thể tiếp thọ những cơn mưa lớn. Trời mưa lớn cách mấy, Ðất cũng đều tiếp nhận, hấp thụ được cả.
5) Sanh Cỏ Cây (Sanh Thảo Mộc). Ðất có thể sản sinh mọi thứ cỏ, cây.
6) Chủng Tử Nương Gởi (Chủng Sở Y Ký). "Chủng" là chủng tử, hạt giống. Tất cả hạt giống đều được vùi trong lòng đất, cho nên Ðất là nơi ký thác, nương nhờ của mọi chủng tử.
7) Sanh Châu Báu (Sanh Chúng Bảo). Ý nghĩa thứ bảy là gì? Ðiều này lẽ ra không nên nói, vì e rằng nghe xong thì ai nấy đều đổ xô đi tìm châu báu! Ý nghĩa thứ bảy của Ðất chính là "sanh chúng bảo"- trong lòng đất có chứa rất nhiều thứ quý báu.
8) Sản Sanh Thuốc (Sản Chư Dược). Tất cả mọi dược phẩm, mọi thứ thuốc, đều do Ðất sản sanh.
9) Gió Thổi Không Động (Phong Xuy Bất Ðộng). Gió không bao giờ lay động được Ðất; dù gió lốc mạnh cách mấy cũng chẳng thể nào thổi Ðất đi được. Thế động đất thì sao? Ðộng đất không phải là do gió thổi!
10) Không Sợ Sư Tử Gầm (Sư Tử Hống Bất Kinh). Ðây là ý nghĩa thứ mười của Ðất. Sư tử gầm lên một tiếng thì muôn loài đều run sợ, duy có Ðất là chẳng mảy may kinh động.
Trên đây là mười ý nghĩa của chữ "Ðịa" trong danh hiệu của Ðịa Tạng Vương Bồ Tát.
Như vậy, tên của bộ Kinh này thuộc loại Nhân Pháp Lập Ðề, với "Ðịa Tạng Bồ Tát" là Nhân (người) và "Bổn Nguyện" là Pháp. Chữ "bổn" này có nghĩa là căn bản (cội gốc), và cũng có nghĩa là bản lai (vốn sẵn). "Bản lai" và "căn bản" đều hàm ý "dĩ tiền" (thuở trước); do đó, "Bổn Nguyện" tức là những thệ nguyện mà Bồ Tát Ðịa Tạng đã lập từ thuở trước. Kể từ vô lượng kiếp về trước cho đến nay, đời đời kiếp kiếp Ngài đều phát nguyện chu toàn hiếu đạo - luôn luôn hiếu thuận với cha mẹ, và sẵn sàng xả thân để cứu độ họ. Ðây là hạnh nguyện của Bồ Tát Ðịa Tạng.
"Kinh." Chữ "Kinh" này đã được giảng nhiều lần rồi, nhưng trong mỗi Pháp Hội giảng Kinh đều cần phải nhắc lại. Tại sao? Vì người đã nghe giảng rồi thì đương nhiên hiểu rõ, còn những người chưa hề nghe giảng tất không sao hiểu được, cho nên tôi không ngần ngại mà giảng lại lần nữa.
Chữ "Kinh" có rất nhiều nghĩa. "Kinh" có nghĩa là "kính," tức là con đường - con đường tu hành. Ai ai cũng có thể đi theo con đường này cả. Qúy vị muốn thành Phật, tất phải đi qua con đường tu hành, cho nên con đường này chính là con đường thành Phật; vì thế mà nói "Kinh" nghĩa là "con đường" vậy.
"Kinh" còn có nghĩa là "dây mực" (thằng mặc). Dây mực là gì? Thuở trước, các thợ mộc của Trung Hoa thường dùng một dụng cụ gọi là dây mực để vẽ các đường thẳng. Ðó là một hộp mực, bên trong có để sẵn sợi dây; mỗi khi cần vẽ đường thẳng, họ kéo sợi dây căng ra, rồi đưa tay búng nhẹ một cái vào sợi dây, thì sẽ có một đường mực đen thẳng băng, ngay ngắn in trên mặt gỗ. "Kinh" ví như sợi dây mực, có thể giúp chúng ta phân biệt tà, chánh.
"Kinh" cũng có nghĩa là "tràng hoa" (kết man). Tức là dây hoa hoặc tràng hoa, do dùng dây xâu kết từng đóa hoa lại với nhau mà thành. Tương tự như thế, "Kinh" kết nối các nghĩa lý lại với nhau như một tràng hoa vậy.
Ngoài ra, "Kinh" còn bao hàm bốn ý nghĩa là Quán, Nhiếp, Thường và Pháp.
1) Quán. "Quán" tức là quán xuyên (xuyên suốt qua). "Quán xuyên" cái gì? Ðó là "quán xuyên sở thuyết nghĩa"Ồtrong kinh, các đạo lý và nghĩa lý tuyên thuyết như có một sợi dây xâu xuyên qua, không một chi tiết nào bị thất lạc hoặc bỏ sót.
2) Nhiếp. "Nhiếp" có nghĩa là thu hút, thâu về; như nam châm hút sắt cũng gọi là "nhiếp" vậy. "Nhiếp" ở đây là "nhiếp" cái gì? Ðó là "nhiếp trì sở hóa cơ" - Phật nói Pháp là để hóa độ chúng sanh tùy theo cơ duyên. Những kinh điển ghi chép lời Phật dạy có một sức thu hút đối với các chúng sanh đáng được hóa độ chẳng khác nào đá nam châm đối với sắt vậy.
Chẳng hạn hiện nay tôi giảng kinh, qúy vị đến đây nghe giảng, đó cũng là do bị "thu hút" mà đến. Tại sao qúy vị đến nghe giảng kinh? Ðó là do tác dụng của "lực" nhiếp trì - "lực" yếu thì "thu hút" được ít người, "lực" mạnh thì "thu hút" được nhiều người hơn. Có những người từ Seattle về tận đây (San Francisco) tham gia Pháp Hội, là cũng do tác dụng của "lực" nhiếp trì vậy. "Lực" nhiếp trì này tương tự như sức hút của đá nam châm - đá nam châm hút sắt bằng một hấp lực chúng ta không thể thấy được, nhưng vô hình trung nó đã gây tác dụng ảnh hưởng; đó là "nhiếp."
Phật dùng tâm từ bi đối đãi chúng sanh, còn chúng sanh thì đem lòng cung kính thờ Phật; đó gọi là Phật "nhiếp thọ" tất cả chúng sanh.
3) Thường. "Kinh" còn có nghĩa là "thường," ngụ ý "cổ kim bất biến" (xưa nay không đổi). "Kinh," một chữ không được bỏ, một từ không được thêm; chẳng thể tăng, chẳng thể giảm - do đó gọi là "thường," vĩnh viễn không bao giờ thay đổi. Qúy vị muốn sửa đổi Kinh ư? Coi chừng bị đọa địa ngục đấy! Vấn đề ở đây không phải là chuyên chế cường quyền, mà là vì đạo lý của Kinh giống như sắt vậy, không thể nào biến đổi.
4) Pháp. "Kinh" còn có nghĩa là "pháp." Thế nào gọi là "pháp"? "Tam thế đồng tuân viết pháp" - cả ba đời (quá khứ, hiện tại, vị lai) đều tuân hành và y theo giáo pháp này mà tu hành. Ðây là một loại hiến pháp có tính cách vĩnh cửu chứ không phải chỉ tạm thời.
"Kinh," tiếng Phạn là Tu-đa-la (Sutra), dịch sang Trung văn là "khế kinh."
Ngày xưa, người Trung Hoa thường dùng khế ước trong việc giao dịch. Vào thời ấy, khi mua bán sản nghiệp, người ta không cần phải đến cơ quan chính phủ để làm thủ tục sang tên, chuyển nhượng chủ quyền tài sản như hiện nay, mà chỉ cần sự thỏa thuận giữa kẻ mua người bán với nhau là đủ. Như mua bán ruộng đất chẳng hạn, sau khi viết giao ước trên tấm giấy, họ gấp tờ giao ước lại, dùng kéo cắt thành hai mẩu dài ngắn không đều nhau, rồi chia cho đôi bên, mỗi người giữ một mẩu - người bán nói: "Thế là xong, từ nay sở đất này thuộc về ông!"; người mua xác nhận: "Vâng, sở đất này bây giờ là của tôi." Thế đến khi cần thì lấy gì làm chứng cứ? Họ chỉ cần lấy hai mẩu giấy so le nọ của bên mua và bên bán ráp lại với nhau; nếu ăn khớp, vừa vặn, không sai lệch một mảy may, tức là "khế" (hợp) vậy.
Thế thì, "khế kinh" nghĩa là gì? "Khế kinh" là:
Trên, hợp giáo lý chư Phật,
Dưới, hơp căn cơ chúng sanh
(Thượng, khế chư Phật chi lý,
Hạ, khế chúng sinh chi cơ.)
Kinh thì tương hợp với giáo lý của chư Phật, mà giáo lý của chư Phật chính là tâm của chư Phật, cho nên cũng là khế hợp với tâm của chư Phật vậy. Ngoài ra, Kinh cũng khế hợp với cơ nghi của chúng sanh.
Thế nào gọi là "cơ nghi của chúng sanh"? Hãy lấy tất cả các loài thảo mộc trên mặt đất này làm tỷ dụ cho cơ năng của chúng sanh chúng ta. Khi trời mưa, vạn vật đều được tưới nhuần và tùy theo nhu cầu mà hấp thụ một lượng nước thích ứng - cây to thì hút nhiều nước, cây nhỏ thì hút ít nước hơn, như cỏ thì chỉ cần đủ để xanh tươi, hoa chỉ cần đủ để óng mượt. Mỗi loài đều được thấm nhuần rất bình đẳng; đó gọi là "khế cơ" - thích hợp với cơ năng của chúng sanh. Tương tự như thế, "Kinh" ví như nước mưa rưới đều khắp tất cả cỏ cây, vạn vật.
Vậy, "khế chúng sanh chi cơ" là thế nào? Tức là khéo hợp với căn cơ của chúng sanh, hễ chúng sanh cần bao nhiêu thì liền được bấy nhiêu. Như bây giờ tôi giảng bộ Kinh này, ai nghe cũng được mở mang kiến thức, trí huệ gia tăng - người thông minh thì được thêm một chút trí huệ, mà kẻ tối dạ cũng được thêm một chút trí huệ - nói chung, tùy theo căn cơ, ai ai cũng được một sự lợi ích tương ứng. Thế còn những người không có thiện căn thì sao? Họ sẽ không đón nhận thứ "mưa" Pháp này, vì thế mà không đạt được sự lợi ích. Cho nên, mỗi người đạt được sự lợi ích tùy theo khả năng thích ứng của cá nhân mình. Ðó gọi là "khế chúng sanh chi cơ."
Trên đây chỉ là tóm lược ý nghĩa của chữ "Kinh," nếu giảng rộng ra thì còn rất nhiều.
Ðịa Tạng Vương Bồ Tát đời đời kiếp kiếp đều rất hiếu thảo với cha mẹ, cho nên trong Phật Giáo, Kinh Ðịa Tạng được xem là một bộ kinh về đạo hiếu. "Hiếu" là gốc của con người. Con người nếu không hiếu thảo với cha mẹ, tức là trọn một đời chưa làm tròn được trách nhiệm của kẻ làm người. Vì sao? Cha mẹ sinh ra ta, nuôi nấng ta, nếu ta được khôn lớn mà không biết báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục, tức là ta chưa chu toàn nghĩa vụ làm người vậy.
Ðức Khổng Tử luôn đề xướng Hiếu Ðạo, do vậy trong Kinh Hiếu có đoạn:
Trọng Ni ở Hạnh Ðàn, có Tăng Tử theo hầu. Khổng Tử nói: "Này Tăng Sâm, các đấng Tiên Vương nhờ có chí đức và yếu đạo mà thiên hạ thuận hòa, dân chúng yên vui, trên dưới không oán ghét nhau. Ông có biết thế chăng?"
Tăng Tử đứng dậy thưa: "Sâm này không thông minh, làm sao biết được?"
Khổng Tử nói: "Hiếu là gốc của đức, cũng là chỗ sanh ra giáo. Ông hãy ngồi xuống, Ta sẽ nói cho ông nghe. Thân thể, tóc, da là cha mẹ ban cho, nên chẳng dám hủy hoại; ấy là khởi đầu của đạo hiếu. Lập thân hành đạo, lưu danh cho hậu thế, hiển vinh cho cha mẹ; đó là làm tròn đạo hiếu. Hiếu, bắt đầu ở việc phụng dưỡng cha mẹ, phụng sự quốc trưởng, và sau cùng là lập thân vậy."
Ðây là một mẩu đối thoại giữa Ðức Khổng Phu Tử và học trò là Tăng Tử, luận về đạo hiếu. Khổng Tử lúc bấy giờ đương ở Hạnh Ðàn, và Tăng Tử cũng ở đó để hầu hạ Khổng Tử. Tăng Tử là học trò của Khổng Tử, học trò thì phải hầu hạ thầy; bởi Khổng Tử đã từng giảng rằng: "Chúng ta không chỉ hiếu thảo với cha mẹ, mà còn phải hiếu thảo với các bậc sư trưởng nữa." Cho nên, Khổng Tử cần làm việc gì thì Tăng Tử đều đỡ đần hoặc làm thay cho thầy; như muốn uống trà thì Tăng Tử liền rót trà bưng tới...
"Tiên Vương" tức là "cổ thánh tiên vương" - những bậc vua hiền nhân, đức độ thời xưa của Trung Hoa. "Chí đức" có nghĩa là đức hạnh lớn nhất, đã lên đến cực điểm. "Yếu đạo" tức là đạo lý quan trọng, thiết yếu nhất. Như vậy, Ðức Khổng Tử muốn hỏi ông Tăng Tử (Tăng Sâm) rằng các vị vua thuộc hàng Thánh Nhân ngày xưa đều có đức hạnh cực lớn, lại hiểu được đạo lý quan trọng nhất; bá tánh nhờ áp dụng đạo lý đó mà trên thuận dưới hòa, không còn tranh chấp; nhưng chẳng rõ ông Tăng Tử đã biết đạo lý đó chưa.
Khi ấy, ông Tăng Tử liền đứng dậy và thưa với Khổng Tử rằng: "Tăng Sâm không được thông minh. Con là một kẻ ngu muội, kém cỏi, thì làm sao biết được? Con thực không biết điều đó."
Khổng Tử lại nói rằng thân thể, tóc, da này của chúng ta là do cha mẹ ban cho, đều nhờ cha mẹ mà có được, vì thế chúng ta không nên tùy tiện hủy hoại; và đó chính là bước khởi đầu của đạo hiếu.
Có một số người Mỹ hiểu lầm về đạo hiếu; hiểu lầm như thế nào? Họ nói là ở Trung Hoa có ông Khổng Phu Tử dạy học trò rằng: "Thân thể, tóc, da là cha mẹ ban cho, nên chẳng dám hủy hoại; ấy là khởi đầu của đạo hiếu." Rồi từ đó xuất hiện những kẻ hippy - tóc không cắt, mặt không rửa, râu không cạo...; họ ngụy biện rằng rửa mặt là làm hại da dẻ, cạo râu cắt tóc là làm tổn thương râu, tóc... và như thế là bất hiếu!!! Ðây là một tư tưởng vô cùng sai lầm, một sự ngộ nhận hết sức tai hại! "Chẳng dám hủy hoại" không có nghĩa là chúng ta đừng cắt tóc để khỏi tổn thương thân thể hoặc đừng tắm rửa để khỏi tổn hại đến da, mà ý nói là chớ nên hủy hoại thân thể của mình một cách phi lý! Cắt tóc chẳng qua là một tập tục của thời đại, mọi người cũng nên tùy theo thời đại mà cắt tóc đàng hoàng.
Hiện nay có một số người hippy muốn "thay đổi thời đại," đi hút thuốc phiện, ma túy..., và nói rằng những thứ ấy đều không làm tổn thương thân thể. Những độc phẩm này giết chết không biết bao nhiêu tế bào trong cơ thể, làm cho con người trở thành suy nhược, sức khỏe bị sút giảm. Ðó đúng là hủy hoại thân thể, song họ không chịu nhìn nhận, lại khăng khăng nói là mình hiếu thảo! Họ chẳng đoái hoài tới cha mẹ, xem như cha mẹ mình đang ở tận trên chín tầng mây, hoặc xa tít cả mười vạn tám ngàn dặm! Thậm chí nếu có hỏi họ: "Cha bạn là ai? Mẹ bạn họ gì?" thì họ đều ngẩn người, chẳng nhớ ra được, mặc dù miệng lúc nào cũng huênh hoang là mình đang thực hành đạo hiếu của người Trung Hoa! Như thế là hoàn toàn sai lầm, cần phải sửa đổi chiều hướng suy nghĩ cho đúng đắn. Qúy vị nói mình vì hiếu thảo nên không cắt tóc, song từ sáng đến tối cứ làm điều xằng bậy, thậm chí cướp bóc hoặc làm chuyện bất lương; thế thì rốt cuộc qúy vị sẽ đi về đâu? Rủi ro bị bắn chết một cách oan uổng thì mới thật là bất hiếu! Nếu cứ cướp giật, phạm pháp, hoặc là bắn cảnh sát, hoặc là bị cảnh sát bắn chết; thì như thế có phải là "chẳng dám hủy hoại; ấy là khởi đầu của đạo hiếu" hay không?
Cho nên, tôi hy vọng ở quốc gia này, ai nấy đều vào khuôn phép, tuân theo pháp luật, sửa đổi những thói quen không tốt, và chớ nên sanh tâm oán hận. Chúng ta phải thận trọng gìn giữ thân tâm, ở bất cứ nơi nào cũng đều làm những việc hữu ích cho nhân loại, đất nước, thế giới; chứ không nên mang lại tai hại, thảm họa. Ðây là điều mong mỏi của tôi.
Nếu mọi người đều không muốn làm việc khó nhọc, cũng chẳng thích làm việc sản xuất, thì tương lai đất nước chắc chắn sẽ không được tốt đẹp. Cho nên chúng ta, những người hiện đang học Phật Pháp, đều nên tích cực đóng góp công sức để giúp thế giới, giúp nhân loại. Hãy tự nêu gương sáng, làm người gương mẫu, để ảnh hưởng xã hội, cảm hóa nhân tâm, khiến mọi người đều trở nên hiền hòa, thánh thiện. Ðó chính là trách nhiệm của Phật giáo đồ chúng ta vậy.
Nước Mỹ xưa nay vốn có nhiều chế độ rất tốt, đặc biệt là về phương diện giáo dục. Ngành giáo dục ở Mỹ hiện rất phổ cập và đang trên đà phát triển mạnh mẽ, hơn hẳn các quốc gia khác, nên có thể làm gương cho toàn thế giới. Duy có một điều là nếu mọi người còn biết hiếu thảo với cha mẹ nữa, thì quốc gia này chắc chắn càng tốt đẹp hơn nhiều. Có câu :
Bậc quân tử vun trồng nơi gốc, gốc vững thì Ðạo nảy sanh.
Hiếu và đễ, ấy là gốc làm người chăng?
(Quân tử vụ bổn, bổn lập nhi Ðạo sanh.
Hiếu đễ dã giả, kỳ vi nhân chi bổn dư?)
Người quân tử phải tìm cho được chỗ gốc, nếu gốc được bồi đắp vững vàng thì Ðạo sẽ nảy sanh; vậy cái "gốc" ấy là gì? Ðó là "hiếu" và "đễ" - hiếu thuận với cha mẹ, kính mến bậc huynh trưởng. Ðối với anh chị thì phải giữ hòa khí, không gây gỗ, không ẩu đả nhau; đó gọi là "đễ." Hai chữ "hiếu, đễ" này là căn bản, là "gốc" của con người. Nếu mọi người đều tìm được "gốc," ai nấy đều biết hiếu thuận cha mẹ, kính trên nhường dưới, thì thế giới sẽ vô cùng tốt đẹp.
Nếu qúy vị có lòng hiếu thảo thì qúy vị sẽ không làm chuyện phi pháp, không để cho cha mẹ phải phiền lòng. Mà, nếu biết tôn trọng, tuân thủ luật pháp quốc gia, thì qúy vị sẽ là những công dân lương thiện, gương mẫu. Nếu toàn thể dân chúng trong nước đều trở thành những công dân tốt của quốc gia, thì cũng có thể nói rằng đó là những công dân tốt của toàn thế giới. Như vậy có nghĩa là qúy vị đang dẫn dắt tất cả nhân loại trên toàn thế giới hướng về con đường tươi sáng, tốt đẹp. Cho nên, trước tiên, mọi người cần phải biết hiếu thảo với cha mẹ. Nếu con cái không hiếu thuận phụng dưỡng cha mẹ, thì cha mẹ sanh con ra để làm gì?
Cha mẹ sinh con ra, khó nhọc nuôi con khôn lớn nên người; nhưng đến khi được mười tám tuổi thì con cái lại "tung cánh bay xa," rời khỏi mái ấm gia đình, chẳng đoái hoài đến cha mẹ. Rồi đến khi cha mẹ già yếu thì phải lủi thủi vào sống trong viện dưỡng lão. Ở đó, tuy nói là có chính phủ bảo trợ, song chẳng có chút thâm tình ruột thịt; phải sống lẻ loi trơ trọi, côi cút hẩm hiu như không người thân thích. Nếu may mắn có được con cái hiếu thảo, hết lòng chăm sóc phụng dưỡng, thì bậc làm cha làm mẹ cũng thấy an ủi lúc tuổi già bóng xế. Bằng trái lại, thì chỉ nuôi con cho khôn lớn để rồi chúng lại tản mác bay đi như bầy chim sẻ khi đã đủ lông đủ cánh, mà cũng chẳng biết chúng bay về nơi đâu!!!
Sách có câu:
Dê con qùy bú, quạ con mớm mồi nuôi mẹ.
(Dương cao quỳ nhũ, ô nha phản bô.)
Quạ con khi khôn lớn thì biết đi kiếm mồi mang về nuôi quạ mẹ, mãi cho đến khi nào quạ mẹ bình phục, có thể bay lượn trở lại được mới thôi; cho nên người Trung Hoa gọi quạ là loài "chim hiếu" (hiếu điểu). Dê con lúc bú sữa mẹ thì hai chân trước đều quỳ xuống. Cho nên, con người nếu không hiếu thảo với cha mẹ thì chẳng bằng loài quạ và dê! Nói như thế không phải là trách móc bất cứ người nào, mà chỉ để nêu lên một đạo lý mà ai ai cũng cần phải biết. Hơn nữa, người biết hiếu thảo với cha mẹ thì thường được gặp những sự cảm ứng linh thiêng, mầu nhiệm. Cảm ứng như thế nào ư?
Ở Trung Hoa có lưu truyền câu chuyện "Quách Cự Chôn Con." Vì sao Quách Cự phải chôn con? Quách Cự vốn là người nghèo khổ; hai vợ chồng có được một mụn con, lại còn mẹ già cần phụng dưỡng. Mẹ ông vì tuổi già, răng rụng hết, nên không ăn cơm được, thường ngày chỉ uống sữa của người con dâu, vợ của Quách Cự. Thế nhưng, sau khi sinh thêm đứa con thì người con dâu không thể nào có đủ sữa cho cả bà lẫn cháu được, cho nên bà phải chịu đói mà cháu cũng chẳng được no. Quách Cự nghĩ tới nghĩ lui, không biết nên giải quyết như thế nào mới phải - nếu để dành sữa cho mẹ già thì con thơ sẽ chết vì khát sữa; nhưng nếu chỉ dành sữa cho con thì mẹ già đành phải chịu đói!
Vốn là một người con chí hiếu không ai bằng, Quách Cự bàn với vợ: "Vợ chồng ta hãy còn trẻ, sau này vẫn có thể có thêm con được. Bây giờ chúng ta bỏ đứa con này để lo phụng dưỡng mẹ già trước. Mẹ nay tuổi hạc đã cao, chẳng còn ở với chúng ta được bao lâu nữa; chúng ta cần phải săn sóc, hầu hạ mẹ cho chu đáo." Vợ Quách Cự mặc dù không đành đoạn bỏ con, nhưng vì hiếu đạo nên phải dằn lòng, cố nén đau thương, nói rằng: "Vâng, mình nói cũng phải!"
Thế là, sau khi bàn bạc, hai vợ chồng Quách Cự liền chuẩn bị mang con đến một nơi hoang vắng, xa thành phố để chôn. Cả hai vợ chồng vốn cưng chìu, nâng niu đứa bé như một báu vật, nhưng nay lại phải đành lòng đem con đi chôn sống! Thế nhưng, khi họ đào hố thì lạ thay, đào lên toàn là vàng với bạc, và trên những thoi vàng, thoi bạc ấy đều có dòng chữ "Trời ban cho hiếu tử Quách Cự."
Quách Cự vì nghèo khổ nên bất đắc dĩ phải đem con đi chôn, bây giờ vàng thoi bạc nén đầy dẫy, cho nên không cần phải chôn con nữa. Ðây là một công án mà ở Trung Hoa ai cũng biết cả. Ở Trung Hoa có rất nhiều người tuy không phải là tham lam, muốn được phát tài, song do biết đạo hiếu rất quan trọng, nên hầu như ai ai cũng hết lòng hiếu thảo.
V) Dịch Giả Truyền Dịch (Truyền Dịch Sử Giả)
Yếu tố thứ năm là Dịch Nhân (Truyền Dịch Giả), tức là giới thiệu người có công phiên dịch bộ Kinh.
Về dịch giả của Kinh Ðịa Tạng, thì có sách chép là do Tam Tạng Pháp Sư Pháp Ðăng phiên dịch. Pháp Sư Pháp Ðăng vốn là người Trung Hoa, khoảng đời nhà Hậu Trần. Tuy nhiên, phần lớn các sách lại chép rằng Kinh Ðịa Tạng là do Tam Tạng Sa Môn Thật-Xoa Nan-Ðà (Siksananda), người xứ Vu Ðiền (Khotan), phiên dịch vào đời nhà Ðường của Trung Hoa.
Vào đời Ðường, có một quốc gia tên là Vu Ðiền, nằm khoảng phía trên vùng biên giới của tỉnh Vân Nam ngày nay.
"Vu Ðiền" là tiếng Phạn, dịch là "Ðịa Nhũ," nghĩa là "đất có sữa chảy ra." Xuất xứ của cái tên này nghe như chuyện thần thoại, chuyện thần thoại ấy như thế nào? Tên ngày xưa của nước này là gì thì chúng ta không thể nào tra cứu được nữa. Chỉ biết tương truyền rằng, khi xưa, thuở chưa mang tên Vu Ðiền, nước này có một ông vua vì chưa có con trai nối dõi bèn đến một ngôi miếu nọ để cầu tự. Kết quả là có một đứa bé được sinh ra từ trán của tượng Thần miếu. Qúy vị nghĩ rằng có chuyện đó hay không? Ðứa bé nọ không chịu bú sữa, bất kể là sữa mẹ hay sữa bò. Về sau, trên mặt đất bỗng xuất hiện một vật hình thù giống như cái vú và có sữa chảy ra; đứa bé chỉ chịu bú thứ sữa ấy. Vì thế, từ đó quốc gia này có tên là "Vu Ðiền," tức "Ðịa Nhũ Quốc." Qúy vị nghĩ xem, đó có phải là thần thoại không?
Như vậy, tại nước Ðịa Nhũ (Vu Ðiền) ấy có một vị Tam Tạng Sa Môn tên là Thật Xoa Nan Ðà. "Sa Môn" là tiếng Phạn và có nghĩa là "cần tu Giới Ðịnh Huệ, tức diệt Tham Sân Si"; đồng nghĩa với từ ngữ "Sa Di." "Cần tu," tức là siêng năng cần mẫn, không biếng nhác. Qúy vị chớ cho rằng ngủ nhiều là tốt. Ngủ nhiều thì có thể qúy vị cảm thấy khỏe khoắn về thể xác; song đối với Pháp thân thì không ích lợi gì cả. Cho nên, cần phải siêng năng tu tập Giới Ðịnh Huệ, hăng hái dẹp trừ Tham Sân Si.
"Thật Xoa Nan Ðà" là tiếng Phạn, dịch ra Trung văn là "Hỷ Học." Vị Sa Môn này không lười biếng, Ngài rất hoan hỷ và rất thích học Phật Pháp, học Chú Lăng Nghiêm, Chú Ðại Bi cũng như nhiều kinh điển khác, cho nên Ngài có tên là Thật Xoa Nan Ðà.
"Dịch" tức là phiên dịch; trong trường hợp này là phiên dịch từ Phạn văn sang Trung văn. "Dịch" cũng có nghĩa là hoán đổi; hoán đổi cái gì? Ðó là chiếu theo nguyên bản bằng tiếng Phạn mà chuyển đổi thành tiếng Trung Hoa. Dưới triều đại nhà Chu của Trung Hoa, có một chức quan đặc trách về ngôn ngữ của bốn phương. Ở phương Bắc, chức quan này được gọi là "Dịch," nghĩa là vị quan trông coi việc phiên dịch; cho nên về sau người ta đều gọi phiên dịch là "dịch."
VI) Giảng Giải Kinh Văn (Biệt Giải Văn Nghĩa)
Yếu tố thứ sáu là Biệt Giải Văn Nghĩa. "Biệt" là phân biệt; "giải" là giải thích; "văn" là kinh văn; và "nghĩa" là ý nghĩa. Vậy, đây là phần giải thích ý nghĩa của kinh văn
Duyên Khởi Của Pháp Hội Giảng Kinh
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét