Phẩm Thứ Nhất - Thần Thông Trên Cung Trời Ðao Lợi: 02

 Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện


Giảng giải: Vạn Phật Thánh Thành, Tuyên Hóa Thượng Nhân.

 Phẩm Thứ Nhất:
Thần Thông Trên Cung Trời Đao Lợi

(tiếp theo)

Tiếng Sằn Ðề Ba La Mật. Trong sáu Ðộ (Lục Ba La Mật) thì tôi đã giảng xong hai Ðộ, như thế là còn bốn Ðộ nữa. Vậy, Ðộ thứ ba là "Sằn Ðề"; đây cũng là tiếng Phạn (Ksanti); Trung Hoa dịch là "nhẫn nhục."

"Nhẫn nhục" thì gồm có Sanh Nhẫn, Pháp Nhẫn và Vô Sanh Pháp Nhẫn. Vô Sanh Pháp Nhẫn là một cảnh giới vô cùng thâm áo, vi diệu, luôn tràn ngập một niềm Pháp hỷ. Phải chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, thì quý vị mới thực sự nếm được mùi vị của Phật Pháp, thực sự hiểu rõ được sự áo diệu và không thể nghĩ bàn của Phật Pháp.

Quý vị phải có thể nhẫn nhục thì mới mong đạt được "Ba La Mật"; không nhẫn nhục được thì không thể nào đạt được "Ba La Mật" - không đến được "bờ bên kia" vậy!

Tiếng Tỳ Ly Da Ba La Mật. "Tỳ Ly Da" cũng là Phạn ngữ (Virya); Trung Hoa dịch là "tinh tấn"; và đây là Ðộ thứ tư trong Lục Ðộ. Có người hiểu lầm đức tinh tấn này là tinh tấn hướng theo ngoại đạo; nhưng kỳ thực, người chân chánh hiểu rõ tinh tấn thì phải tinh tấn hướng về Phật Pháp. Nếu hướng theo ngoại đạo mà tinh tấn, thì đó chỉ là tu khổ hạnh một cách vô ích mà thôi.

Ở Ấn Ðộ có rất nhiều tà phái ngoại đạo. Có phái ngoại đạo chủ trương không ăn cơm mà chỉ ăn cỏ, bắt chước các hành vi của loài trâu, trì giữ "ngưu giới" (giới trâu). Có phái ngoại đạo thì đề xướng học theo những hành vi, động tác của chó và trì "cẩu giới" (giới chó) - việc gì chó không làm thì họ không làm; thức nào chó không ăn thì họ cũng chẳng đụng đến; chỉ những thức nào chó chịu ăn thì họ mới ăn mà thôi. Ðó gọi là "ngưu cẩu giới" (giới trâu, giới chó).

Lại có phái ngoại đạo thì đề xướng việc ngủ trong đống tro. Thân thể con người vốn đã không được sạch sẽ rồi, thế mà họ thì sao? Họ lại còn bôi tro lên khắp mình mẩy cho dơ dáy thêm, cứ vùi thân trong tro trong bụi mà bảo đó là tu hành!!!

Ngoài ra, còn có phái ngoại đạo đưa ra chủ thuyết rằng tu hành thì phải chịu khổ - chịu khổ như thế nào? Phải nằm ngủ trên giường đinh để chứng tỏ rằng mình có khả năng chịu đựng sự đau đớn về thể xác, có thể thực hành mọi khổ hạnh.

Trên đây là một vài thí dụ điển hình trong vô số khổ hạnh tự hành hạ thân xác một cách phi lý và vô ích của các phái ngoại đạo. Những kẻ ấy tự cho rằng họ rất tinh tấn dụng công; kỳ thực, đó chỉ là một thứ tinh tấn của tà tri tà kiến chứ không phải của chánh tri chánh kiến, cho nên thứ tinh tấn ấy chẳng có ích lợi gì cả!

Chúng ta hãy tinh tấn về mặt thiện pháp, chứ đừng nên tinh tấn về mặt ác pháp. Nếu quý vị áp dụng sự tinh tấn vào ác pháp, thì đó là đi ngược với Ðạo, là quay lưng lại với Ðạo vậy.

Ðối với thiện pháp, tinh tấn tức là chăm chỉ lạy Phật, tụng kinh, lễ sám, niệm Phật - đó là nói về "thân tinh tấn" (sự tinh tấn của thân). Rồi kế đến là "tâm tinh tấn" (sự tinh tấn của tâm); thế nào gọi là "tâm tinh tấn"? Tức là trong lòng thời thời khắc khắc đều nhớ đến việc tu hành, niệm niệm không quên siêng năng tu tập thiện pháp, lúc nào cũng hăng hái tu hạnh Tinh Tấn Ba La Mật, chẳng quản mệt nhọc.

Nếu quý vị chân chánh tu học Phật Pháp, tất quý vị sẽ không cảm thấy mệt mỏi, cũng chẳng thấy đói bụng hay khô cổ, và cũng không phải chịu đựng những phiền nhiễu ngoài ý muốn. Vì sao vậy? Vì hễ quý vị tinh tấn thì sẽ không thấy có thứ cảm giác uể oải, chán nản đó nữa. Nếu quý vị biếng nhác, thiếu tinh tấn, thì rất dễ sanh nhiều tật xấu, lại thường cảm thấy mệt mỏi, xuống tinh thần, chỉ muốn đi ngủ cho khỏe thân mà thôi! Tinh tấn là thước đo chủ yếu xem mình như thế nào. Vậy, ở mọi nơi mọi lúc chúng ta đều phải siêng năng tu hành thiện pháp, như thế mới gọi là "Tinh Tấn Ba La Mật."

Trong khóa tu học vào mùa hè năm ngoái, lúc giảng Kinh Lăng Nghiêm, tôi có đề cập đến bốn câu kệ mà người xuất gia cần phải khắc cốt ghi tâm. Khi Ðức Phật còn trụ thế, các đệ tử xuất gia của Phật hằng ngày đều phải trì tụng bài kệ ấy, tuyệt đối không được xao lãng; vì thế mà trong khóa hè năm ngoái tôi đã đặc biệt đem ra giảng cho quý vị nghe. Tôi thậm chí nhận thấy rằng những người có ý định muốn xuất gia cũng cần phải thuộc nằm lòng bốn câu đó, huống hồ là những kẻ đã xuất gia - quý vị lại càng không được quên! Bốn câu kệ ấy như sau:

Thủ khẩu nhiếp ý thân mạc phạm,

Mạc não nhất thiết chư hữu tình,

Vô ích khổ hạnh đương viễn ly,

Như thị hành giả khả độ thế.

(Gìn lời giữ ý, thân chớ phạm,

Chớ gây phiền não hại chúng sanh,

Vô ích khổ hạnh cần xa lánh,

Hành giả như thế khéo độ đời.)

"Thủ khẩu nhiếp ý thân mạc phạm" (gìn lời giữ ý, thân chớ phạm). "Thủ khẩu" có nghĩa là không nói năng một cách tùy tiện, cũng không tùy tiện phê đúng phê sai, nói cái này tốt, bảo cái kia xấu, khen món nọ ngon, chê thức kia dở ...; mà phải "giữ mồm giữ miệng," thận trọng từng lời ăn tiếng nói.

"Nhiếp ý," tức là thâu nhiếp ý niệm lại, không để cho nó chạy đông chạy tây, không vọng tưởng viễn vông, không nghĩ ngợi lăng xăng.

"Thân mạc phạm," có nghĩa là thân không phạm Giới.

Từng giây từng khắc, chúng ta nhất định phải luôn luôn tự nhắc nhở chính mình rằng mình là người xuất gia, dứt khoát không được vi phạm Giới Luật, quy củ - đó gọi là "thủ khẩu, nhiếp ý, thân mạc phạm" vậy.

"Mạc não nhất thiết chư hữu tình" (chớ gây phiền não hại chúng sanh.) Chúng ta không nên quấy nhiễu, não loạn chúng hữu tình. Chẳng riêng gì đối với con người, mà ngay cả đối với một con vật cũng vậy, nếu quý vị làm cho nó giận dữ tức là quý vị không đúng rồi. Phàm là người xuất gia thì chớ nên gây phiền não cho mọi chúng sanh.

"Vô ích khổ hạnh đương viễn ly" (vô ích khổ hạnh cần xa lánh). Ðối với mười hai hạnh Ðầu Ðà thì chúng ta nên thực hành; nhưng đối với những khổ hạnh không có ích và không khế hợp với Phật Pháp thì chúng ta cần phải tránh xa, chớ nên theo. Thậm chí có phái ngoại đạo tuyên bố là có phương pháp tu hành thành Phật ngay trong đời này, thì quý vị cũng chớ nên học theo! Chúng ta chỉ nên y chiếu giáo pháp của Ðức Phật để tu hành, chứ đừng chạy theo những kẻ tu "ngưu cẩu giới," bắt chước lối sống của loài trâu, loài chó. Do đâu mà nảy sinh hiện tượng "ngưu cẩu giới"?

Hàng ngoại đạo thực hành khổ hạnh, tự hành hạ thân xác, làm những việc rất khổ cực, và cũng có người được mở Thiên Nhãn. Sau khi có Thiên Nhãn, họ tình cờ trông thấy một con chó được thác sanh lên cõi trời. Thế là họ kết luận ngay rằng loài chó được thăng thiên, vậy nếu họ học theo loài chó, thì họ cũng sẽ được thăng thiên như thế; cho nên họ bèn trì "cẩu giới," bắt chước sống theo loài chó.

Lại có những kẻ ngoại đạo khác cũng được Thiên Nhãn Thông, thì trông thấy một con trâu sau khi chết được sanh lên cõi trời; cho nên họ bèn học theo cách của loài trâu, trì giữ "ngưu giới."

Những kẻ ngoại đạo này vì không có trí huệ, cho nên tuy khó nhọc tu tập nhiều loại khổ hạnh nhưng đều không được ích lợi gì cả; do đó nói "vô ích khổ hạnh đương viễn ly."

"Như thị hành giả khả độ thế" (hành giả như thế khéo độ đời). Người hành Ðạo cần phải như vậy - thủ khẩu, nhiếp ý, trì Giới, không não loạn chúng sanh, không hành xác một cách vô ích - thì mới có thể cứu đời và giáo hóa chúng sanh.

"Tinh tấn," thật ra, vốn không hiện hữu. Sở dĩ nói có tinh tấn, chẳng qua là để nói pháp với phàm phu chúng ta mà thôi; chứ căn bản thì không có cái gọi là "tinh tấn." Do đó, có thể nói rằng cả sáu Ðộ trong Lục Ðộ đều là Tinh Tấn, mà đồng thời cũng đều không phải là Tinh Tấn.

Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục là thuộc về sự tinh tấn của thân; còn Thiền Ðịnh, Bát Nhã (Trí Huệ) là thuộc về sự tinh tấn của tâm. Như vậy, tinh tấn hoàn toàn không hiện hữu vì nó đã hợp nhất với năm Ðộ kia và được biến thành thứ khác. Thí dụ, quý vị chăm chỉ tu hạnh bố thí, thì đó là sự tinh tấn của Bố Thí; quý vị nghiêm trì Giới Luật, thì đó là sự tinh tấn của Trì Giới; quý vị kiên trì nhẫn nhục chịu đựng, thì đó là sự tinh tấn của Nhẫn Nhục. Nếu quý vị chuyên cần tinh tấn thêm nữa, thì đó là sự tinh tấn của Tinh Tấn, tức là bản thân của tinh tấn đang tinh tấn, nỗ lực. Lại nữa, nếu quý vị siêng năng tọa Thiền, không nghỉ ngơi, chẳng nề mỏi mệt, thì đó là sự tinh tấn của Thiền Ðịnh; quý vị chuyên cần tu tập Trí Huệ Bát Nhã, thì đó là sự tinh tấn của Trí Huệ; quý vị học tập pháp môn Bát Nhã, thì đó là sự tinh tấn của Bát Nhã.

Cho nên, tinh tấn tự nó vốn không hiện hữu, bởi nó được biến thành một thứ "lao nhi vô công" - tuy vất vả song chẳng cậy công. Do đó, quý vị không nên chấp trước rằng mình có tinh tấn, vì như thế mới gọi là sự tinh tấn chân chánh! Nếu quý vị cứ cố chấp, khăng khăng cho rằng mình tinh tấn như thế này như thế nọ, rằng sự tinh tấn của mình là vô lượng vô biên, rằng mình rất tinh tấn tu học Lục Ðộ Ba La Mật - thì kể như quý vị chẳng tinh tấn gì cả! Bởi như thế tức là có một cái "tinh tấn" nằm chắn trong lòng và làm trở ngại tư tưởng siêu thoát của quý vị, khiến cho quý vị không có được sự tinh tấn chân chánh.

Một khi chân chánh hiểu rõ Phật Pháp, quý vị sẽ thấy rằng tất cả vốn không hiện hữu. Lúc chưa thấu triệt thì quý vị còn thấy có cái gọi là "tinh tấn," song đến lúc hiểu rõ rồi thì sẽ không thấy có nó nữa! Nghe nói như thế thì có người sẽ bảo: "Hiện tại tôi không thấy có gì cả, vậy tôi chẳng cần phải tinh tấn!" Ðành rằng quý vị không tinh tấn thì tinh tấn cũng chẳng hiện hữu, song ở đây vẫn có điểm khác biệt. Ðó là, nếu quý vị thực sự hiểu Phật Pháp, thì sự tinh tấn chân chánh cũng không hiện hữu! Vì sao ư? Bởi vì bấy giờ quý vị không còn chấp trước nữa! Còn nếu quý vị không hiểu Phật Pháp, vẫn còn một mực chấp trước ở sự tinh tấn của mình, thì đó không thể kể là tinh tấn được. Chính vì quý vị thực tình không hiểu Phật Pháp, hoàn toàn không biết thế nào là tinh tấn, cho nên càng không thể nói là mình tinh tấn!

Về Phật Pháp, bởi quý vị chưa hiểu nên không biết, chứ khi hiểu được rồi thì còn cần phải buông bỏ luôn cả Phật Pháp nữa; bằng không, tức là quý vị vẫn còn chưa hiểu Phật Pháp! Chúng ta phải lìa bỏ tất cả các tướng, chớ nên chấp trước vào bất cứ một cái gì; bởi hễ còn có chỗ chấp trước, bám víu, tức là chưa hiểu Phật Pháp vậy!

Tiếng Thiền Ba La Mật. "Thiền" là tiếng Phạn, gọi tắt từ chữ "Thiền Na" (Dhyana); Trung Hoa dịch là "tư duy tu," và cũng là "tịnh lự." Về Thiền Ðịnh thì có Tứ Thiền, Bát Ðịnh, và còn có Cửu Thứ Ðệ Ðịnh nữa. Ngoài ra, Thiền lại được phân làm Thế Gian Thiền, Xuất Thế Gian Thiền, và Xuất Thế Thượng Thượng Thiền.

Phàm phu chúng ta thì tu Thế Gian Thiền; trong đó bao gồm Tứ Vô Lượng Tâm và Tứ Vô Sắc Ðịnh. Về những cảnh giới này, tôi không giải thích cặn kẽ, bởi chỉ cần quý vị dụng công tu hành và tọa Thiền thì tự nhiên sẽ thấu rõ được tất cả. Còn Xuất Thế Thiền là gì? Xuất Thế Thiền thì gồm có Tứ Thiền Bát Ðịnh, Bát Thắng Xứ, Bát Bội Xả.

Bây giờ tôi có giảng rõ những danh tướng này thì cũng chỉ làm cho quý vị thấy rối thêm mà thôi! Bởi vì ví dụ nói rằng món này ngon, nhưng nếu không ăn thử thì rốt cuộc quý vị cũng không biết được mùi vị của nó là ngon lành ra sao cả! Cho nên, bây giờ quý vị biết là có nhiều thứ khác nhau như Thế Gian Thiền, Xuất Thế Gian Thiền, Xuất Thế Gian Thượng Thượng Thiền, Như Lai Thiền, Tổ Sư Thiền... rồi; chỉ cần quý vị chịu siêng năng dụng công tu hành, sau này chắc chắn quý vị sẽ biết được "hương vị" của các thứ đó.

Tiếng Bát Nhã Ba La Mật. "Bát Nhã" là tiếng Phạn (Prajna); Trung Hoa dịch là "trí huệ." Trí Huệ lại phân ra Thế Gian Trí và Xuất Thế Gian Trí.

Thế Gian Trí cũng gọi là Thế Trí Biện Thông. Những tiến bộ về khoa học, triết học hiện nay cùng tất cả các kiến thức, đều là học vấn của thế gian. Khả năng biện luận thông minh, nhạy bén về các việc thế gian, dù không có lý cũng có thể nói thành có lý - đó gọi là Thế Trí Biện Thông.

Xuất Thế Gian Trí tức là trí huệ của xuất thế gian. Siêng năng cầu Phật Ðạo, nghiên cứu Phật Pháp không bao giờ ngơi nghỉ, thậm chí lúc ngủ cũng tư duy đến Phật Pháp, chiêm bao cũng suy nghĩ đến Phật Pháp, và cho dù ốm đau bệnh hoạn, bất kỳ lúc nào cũng nghĩ đến Phật Pháp - đó chính là chân chánh tu tập trí huệ xuất thế vậy.

Vậy thì trí huệ xuất thế gian và trí huệ thế gian rốt cuộc là một hay là hai thứ khác nhau? Ðó vốn chỉ là một, nhưng còn phải xem quý vị sử dụng nó như thế nào - dùng vào chuyện thế gian thì nó là trí huệ thế gian, dùng ở Phật Pháp xuất thế thì nó là trí huệ xuất thế.

Trí huệ hoàn toàn không có hai, mà chỉ phân ra để giảng thôi. Ban đầu, quý vị nghiên cứu các vấn đề của thế gian và biết được tất cả mọi thứ trên cõi đời này đều là Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã. Rồi sau đó, nếu quý vị dùng cái trí hiểu biết về việc thế gian ấy để nghiên cứu học vấn xuất thế, thì đó cũng chính là trí huệ xuất thế vậy. Cho nên, Thế Gian Trí và Xuất Thế Gian Trí vốn không phải là hai.

Ða số người đời chỉ có trí huệ thế gian chứ không có trí huệ xuất thế gian; song cũng có người lại có trí huệ xuất thế gian mà không có trí huệ thế gian. Vì sao lại có sự như thế? Có nhiều người rất thông minh nhưng cứ làm toàn những việc hồ đồ - chuyện không cần thiết thì tận lực mà làm, còn việc quan trọng như vấn đề sanh tử thì lại thờ ơ, chẳng để ý đến và cũng chẳng muốn tìm hiểu. Ngoài ra, cũng có người nghiên cứu vấn đề xuất thế nhưng lại không hiểu gì về pháp thế gian cả. Chúng ta cần phải hiểu rõ cả pháp nhập thế lẫn pháp xuất thế:

"Ký nhập thế nhi xuất thế,

Ký xuất thế nhi nhập thế."

Nhập thế mà xuất thế, xuất thế mà nhập thế - sự nhập thế và xuất thế cần phải thông đạt vô ngại. Nếu quý vị hiểu rõ thì nhập thế cũng chính là xuất thế; nhược bằng không hiểu thì cho dù là xuất thế cũng trở thành nhập thế vậy!

Cổ nhân có câu:

Thông minh nãi thị âm trắc trí,

Âm trắc dẫn nhập thông minh lộ,

Bất tín âm trắc sử thông minh,

Thông minh phản bị thông minh ngộ.

(Thông minh sáng dạ nhờ âm đức,

Âm đức dẫn lối tới thông minh,

Thông minh nếu chẳng tin âm đức,

Ấy thông minh phản, thông minh hại)

 

"Thông minh nãi thị âm trắc trí" (thông minh sáng dạ nhờ âm đức). Chúng ta nhờ đâu mà có được trí thông minh? Ðó là nhờ đời trước chúng ta làm được nhiều việc "âm trắc." Việc "âm trắc" là gì? Ðó là những việc nhân đức được thực hiện một cách âm thầm với lòng hảo tâm thật sự, chứ không phải với mục đích khoe khoang, hoặc để cho người khác thấy. Chẳng hạn có người cảnh nhà đơn chiếc, chết mà không có quan tài để chôn, quý vị động lòng trắc ẩn bèn mua cho người đó một cỗ áo quan, rồi lo khâm liệm và chôn cất tử tế; tuy làm được một việc tốt, đáng khen, nhưng quý vị không khoe khoang, không tiết lộ với ai cả - như thế là có âm đức vậy.

Tóm lại, quý vị ngầm giúp đỡ hoặc làm những việc có lợi cho người khác, song quý vị không kể lể lôi thôi, không để cho ai biết cả, thì đó gọi là "âm trắc." Ðời trước làm nhiều việc âm trắc thì đời này được thông minh; đời trước xem nhiều sách về Phật Học, tụng nhiều kinh điển Phật Giáo, như tụng Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật được vài vạn biến, thì đời này cũng được thông minh, sáng dạ. Ngoài ra, nếu đời trước đọc sách nhiều, chịu khó nghiên cứu sách vở để học hỏi, thì đời này cũng được trí óc minh mẫn. Như vậy, trí thông minh chính là đến từ âm trắc - do đời trước đã tu nhân tích đức, tạo được nhiều âm đức, cho nên đời này mới được thông minh tài trí hơn người.

"Âm trắc dẫn nhập thông minh lộ" (âm đức dẫn lối tới thông minh). Nhờ có đức hạnh cho nên quý vị mới được thông minh; do đó có thể nói rằng chính đức hạnh đã dẫn dắt quý vị tới con đường thông minh vậy.

"Bất tín âm trắc sử thông minh,/ Thông minh phản bị thông minh ngộ" (thông minh nếu chẳng tin âm đức,/ ấy thông minh phản, thông minh hại). Nếu đời này quý vị được thông minh, nhưng vì quên lãng nên quý vị không đi theo đường ngay nẻo phải, không tin âm đức, không làm việc thiện, chỉ cậy vào trí thông minh của mình để mưu đồ việc xấu, thì chính cái trí thông minh của quý vị sẽ hại quý vị vậy. Vì sao ư? Bởi nếu không thông minh thì quý vị sẽ không làm được nhiều việc xấu! Chính vì thông minh lanh lợi cho nên quý vị mới biết được những điều mà kẻ khác không thể nào ngờ tới; do đó, cho dù quý vị làm điều mờ ám hoặc ám hại người khác, thì nhờ khôn khéo, quý vị vẫn không bị ai nghi ngờ hoặc phát giác ra được. Cho nên, sử dụng trí thông minh mà không tin là có âm đức, thì cái trí thông minh đó sẽ trở thành chướng ngại, và là thứ "thông minh có hại" vậy!

Thời Tam Quốc (Trung Hoa), Tào Tháo vốn là một người rất thông minh, có thể nói là thông minh còn hơn cả quỷ thần nữa. Ông ta cũng có một vài thành tựu nhờ thông minh, mưu trí. Tuy nhiên, những tác hại do cái trí thông minh xảo quyệt của ông ta gây ra cũng không phải là ít!

Những kẻ thích được thông minh sau khi nghe qua bài kệ trên, thì nên nỗ lực làm việc tốt, có ích cho nhân quần, chứ đừng mưu tính chuyện hãm hại người khác.

Ðể bổ sung cho phần giảng về "Trì Giới Ba La Mật," tôi kể cho quý vị nghe một công án. Vào thuở Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni còn trụ thế, có hai thầy Tỳ Kheo nọ cùng nhau đi bái kiến Ðức Phật. Trải qua một lộ trình dài thì hết nước uống, cả hai vị Tỳ Kheo này đều bị kiệt sức vì khát. Giữa lúc tuyệt vọng, tưởng chừng sắp phải chết khát ấy, một vị Tỳ Kheo chợt trông thấy một cái sọ người, bên trong còn đọng chút nước, liền mừng rỡ reo lên: "Có nước rồi! Chúng ta đã khát đến nông nỗi này, thôi thì hãy uống chỗ nước trong cái sọ này vậy!"

Vị Tỳ Kheo kia can ngăn: "Không nên! Trong nước đó có côn trùng, chúng ta không thể uống được!"

Vị Tỳ Kheo thứ nhất cố thuyết phục bạn: "Chúng ta đang khát khô cả cổ như vầy, nếu uống chỗ nước này thì chúng ta sẽ thoát chết, có thể đi tiếp đến chỗ Ðức Phật. Bằng không, cả hai chúng ta đành phải bỏ xác tại đây, không thể nào gặp Phật được!"

Vị Tỳ Kheo kia vẫn cương quyết: "Tôi thà vì trì Giới mà chết! Tuy rằng không được gặp Phật, song tôi nhất định vâng theo sự dạy bảo của Ngài, dẫu có chết cũng chẳng ân hận!"

Vị Tỳ Kheo thứ nhất bèn uống cạn chỗ nước đọng trong cái sọ ấy, rồi một mình tiếp tục cuộc hành trình; còn vị Tỳ Kheo kia vì không chịu uống, quả nhiên phải chết khát.

Sau đó, thầy Tỳ Kheo có uống nước tìm đến được chỗ Phật ngự. Thầy tới đảnh lễ Ðức Phật và thưa chuyện: "Bạch Ðức Thế Tôn! Chúng con hai người cùng đi chung, được nửa đường thì khát nước chịu không nổi; nhân thấy trong một cái sọ người có đọng một ít nước, con liền uống để khỏi bị chết khát, hầu có thể đến gặp Ðức Thế Tôn. Còn thầy Tỳ Kheo cùng đi với con thì quá cố chấp, nhất định thà chết chứ không uống nước này; bởi trong nước có côn trùng, ông ấy bảo nếu uống tức là phạm Giới. Rốt cuộc, con nhờ uống nước này nên được sống sót và được diện kiến Ðức Thế Tôn; còn ông ấy không chịu uống, có lẽ giờ đây đã bị chết khát rồi!"

Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni nói: "Ông tưởng là Tỳ Kheo ấy chết khát rồi sao? Tỳ Kheo ấy nhờ trì Giới, nên đã khiến cho ông ấy đến gặp Ta trước; hiện giờ ông ấy đang ở đây nghe Ta thuyết Pháp. Trì Giới quả thật là việc rất khó, song nếu có lòng thành thì Ta liền thấu rõ cảm thông. Ông tuy được gặp Ta, nhưng tâm ông không chí thành vì ông giữ Giới không được tinh nghiêm. Do vậy, Tỳ Kheo kia nay đã khai ngộ chứng quả, còn ông thì vẫn cần phải tiếp tục tu hành thêm nữa!"

Qua công án này, chúng ta có thể thấy rằng sáu hạnh Ba La Mật - Trì Giới, Nhẫn Nhục, Bố Thí, Tinh Tấn, Thiền Ðịnh, Trí Huệ - cần phải được thực hành một cách chân thành, nghiêm túc. Nếu không thành tâm thành ý, chỉ làm qua loa cho xong chuyện, tất sẽ không tương ưng với Phật Pháp. Cho nên, người xuất gia thời thời khắc khắc đều phải ghi nhớ và noi theo bốn câu kệ này mà tu hành:

Thủ khẩu, nhiếp ý, thân mạc phạm,

Mạc não nhất thiết chư hữu tình,

Vô ích khổ hạnh đương viễn ly,

Như thị hành giả khả độ thế.

(Gìn lời giữ ý, thân chớ phạm,

Chớ gây phiền não hại chúng sanh,

Vô ích khổ hạnh cần xa lánh,

Hành giả như thế khéo độ đời.)

 

Trì Giới là điều vô cùng trọng yếu, quý vị chớ lầm tưởng rằng chỉ trì giữ lấy lệ, đại khái là được; bởi vì chỉ cần sơ hở một chút là chúng ta có thể đi sai lệch cả ngàn dặm. Cho nên, tu hành cần phải đàng hoàng nghiêm chỉnh, siêng năng cẩn thận; làm việc gì cũng phải chân thật, chu đáo, không được cẩu thả.

Tiếng Từ Bi. Lòng "từ" ban vui, lòng "bi" cứu khổ - tất cả những chúng sanh nghe được thứ âm thanh này của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, đều có thể lìa khổ được vui, thoát vòng sanh tử.

Tiếng Hỷ Xả. "Hỷ" là hoan hỷ, vui vẻ; "xả" là bố thí. Vậy, "hỷ xả" là hoan hỷ bố thí. Từ, Bi, Hỷ, Xả được gọi chung là Tứ Vô Lượng Tâm, tức là bốn cái tâm bao la vô lượng - Từ Vô Lượng Tâm, Bi Vô Lượng Tâm, Hỷ Vô Lượng Tâm và Xả Vô Lượng Tâm. Muốn tu hạnh bố thí thì cần phải sanh tâm hoan hỷ - hoan hỷ xả bỏ, vui vẻ thực hành pháp bố thí. Không nên sau khi đã xả bỏ, đã bố thí rồi, thì trong lòng lại thấy tiếc nuối, không đành; bởi như thế tức là chưa sanh tâm hoan hỷ vậy.

Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni phát ra tiếng Hỷ Xả, khiến cho tất cả những chúng sanh nghe được âm thanh này đều sanh tâm hoan hỷ bố thí.

Tiếng Giải Thoát. "Giải thoát" tức là có được thứ tự do chân chánh, hoàn toàn không bị ràng buộc vướng víu nữa. Vậy "giải thoát" tức là thoát khỏi cái gì? Ðó chính là thoát ra khỏi nỗi khổ não của sanh tử trong sáu nẻo luân hồi.

Thuở xưa, có một vị Sư đến thỉnh vấn một bậc cao tăng danh tiếng rằng: "Xin hỏi Thượng Tọa, làm thế nào để được giải thoát?"

Vị cao tăng hỏi lại: "Ai trói buộc ông vậy?"

Vừa nghe xong, vị Sư nọ lập tức khai ngộ: " - ! Thì ra chẳng có ai trói buộc mình cả; chẳng qua là tự mình trói mình đó thôi! Nếu mình không tự trói chính mình nữa, thì tự nhiên mình sẽ được giải thoát."

Thế nào gọi là "tự mình trói mình"? Tất cả mọi người hãy lưu ý điểm này - bởi vì chúng ta không có được cái nhìn thấu suốt, lại chẳng thể triệt để buông bỏ tất cả, nên mới bị ràng buộc tù túng, không đạt được sự tự tại; mà không đạt được sự tự tại cũng chính là không đạt được sự giải thoát! Nếu quý vị có thể nhìn thấu suốt sự việc, thông hiểu mọi chuyện, và có thể buông bỏ tất cả, tức là quý vị đã tự cởi trói và sẽ đạt được sự tự do chân chánh; được tự do cũng chính là được giải thoát vậy. Bấy giờ, quý vị sẽ thấy an nhiên tự tại, chẳng ràng chẳng buộc, "không quái không ngại, vĩnh viễn xa lìa mộng tưởng điên đảo" (Tâm Kinh). Chân thật buông bỏ tất cả thì sẽ được giải thoát; nếu không buông bỏ được thì chẳng thể nào có được sự giải thoát.

Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni đã phát ra thứ tiếng Giải Thoát này, vậy bây giờ chúng ta cũng nên giải thoát chính mình, không nên tự trói mình và cũng đừng tự giam mình trong nhà tù, để rồi vĩnh viễn không được tự do. Sao lại nói chính mình nhốt mình trong nhà tù? Nếu quý vị không phải đang bị cầm tù tức là quý vị đã được giải thoát; còn nếu chưa đạt được sự giải thoát thì cũng chẳng khác nào quý vị đang ở tù vậy, không được tự do làm theo ý mình - đông tây nam bắc, muốn đi đâu cũng đều không được tự do cả!

"Tự do" mà chúng ta đương nói đây không phải là tự do của cái "túi da hôi thối" này, mà là tự do của tự tánh. Nếu cái tự tánh này được tự do, thì quý vị muốn sống là cứ việc sống, muốn chết là lúc nào cũng có thể chết được. Mà chết cũng chẳng cần phải có bệnh tật gì mới chết được, chỉ ngồi mà chết thôi - đó mới đúng là sự tự do chân chánh. Ðây gọi là:

Sanh tử do ngã, bất do thiên.

(Sống chết do ta, chẳng do trời.)

Bấy giờ, quý vị muốn sống thì sống, muốn chết thì chết. Muốn sống đến một trăm tuổi, một ngàn tuổi, hay một vạn tuổi... đều được cả. Nếu không muốn sống nữa thì bất cứ lúc nào cũng có thể trở về với "quê hương vốn có" của mình. Quý vị thích ở cái "nhà" này thì cứ việc ở; không thích ở nữa thì có thể "dọn" đi bất cứ lúc nào tùy ý.

Tự do của tự tánh gồm có hai thứ; đó là tự do của thần thức và tự do của bản hữu Phật tánh:

1) Tự do của thần thức. Thần thức thì thuộc âm và có thể du hành đến bất cứ nơi đâu; như từ thành phố Cựu Kim Sơn, thần thức có thể tới Nữu Ước, Âu Châu, Á Châu... Tuy rằng thần thức có thể biết rõ tình hình nơi mình đến, nhưng lại không thể cầm nắm đồ vật - thần thức không thể mua quà từ Nữu Ước rồi mang về lại Cựu Kim Sơn được; tại sao vậy? Vì thần thức vốn thuộc âm. Thần thức chỉ có thể nhìn xem cảnh vật của Nữu Ước, chứ không thể làm bất cứ việc gì ở đó cả.

2) Tự do của bản hữu Phật tánh. Phật tánh thì thuộc dương, là toàn thể đại dụng, công năng rộng lớn vô hạn. Ðạt được thứ tự do này, thì cho dù quý vị đang ở thành phố Cựu Kim Sơn, nhưng nếu cần món đồ gì ở Nữu Ước, thì chỉ cần duỗi tay ra là lấy được ngay. Quý vị thấy có kỳ diệu hay không? Ðó có phải là thần thông không? Thật ra, đó là thứ cảnh giới của sự giải thoát, không ràng không buộc, vô quái vô ngại. Ở cảnh giới này, cả cõi tam thiên đại thiên thế giới như ở trong một căn phòng, quý vị có thể đi lại khắp nơi trong đó và làm những việc mình muốn.

Vậy, nếu được giải thoát, được tự do, thì chúng ta sẽ có được những cảnh giới như thế. Tuy nhiên, chúng ta không được phép hiển thị công phu của mình một cách tùy tiện, bất cẩn. Không được nói rằng: "Quý vị thích món đó của Ðức, vậy để tôi sang nước Ðức mua về cho. Tôi chỉ việc thi triển thần thông là xong ngay!" Chúng ta dứt khoát không được lạm dụng thần thông để làm những việc như thế!

Khi sắp nhập Niết Bàn, Ðức Phật căn dặn tất cả đệ tử không được dùng thần thông; bằng không, nếu họ dùng thần thông, thì họ phải gấp rút ra đi, không được ở lại thế giới này lâu hơn nữa! Bởi người thường thì không có thần thông, do đó nếu quý vị dùng thần thông tất sẽ khiến cho mọi người sanh tâm sợ hãi đối với quý vị!

Tóm lại, quý vị có thể tùy tâm như ý làm xong công việc, thì đây là thuộc dương; còn làm không được là thuộc âm, và là tác dụng của thần thức - mọi người cần phải hiểu rõ điều này.

Tiếng Vô Lậu. "Vô lậu" là gì? Là không còn vô minh nữa. Không còn vô minh tức là được vô lậu. Cho dù quý vị chỉ còn một phần vô minh mà thôi, thì quý vị cũng không đạt được sự vô lậu. Cho nên, vô minh chính là nguồn gốc của phiền não - hễ có vô minh thì có đủ loại phiền não, không có vô minh thì không có phiền não.

Vì sao quý vị có tâm tham? Vì quý vị có vô minh.

Vì sao quý vị có tâm sân? Vì quý vị có vô minh.

Vì sao quý vị có tâm si? Vì quý vị có vô minh.

Vì sao quý vị có tâm dâm dục? Cũng là vì quý vị có vô minh!

Chính vì ngay từ điểm sơ khởi quý vị đã không hiểu rõ nên mới tạo ra các nghiệp chướng. Tuy nhiên, nếu nghe được tiếng Vô Lậu thì quý vị sẽ không còn vô minh nữa. Cho nên, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni phát ra vô số loại âm thanh là để tất cả chúng sanh đều nghe được và nhờ đó mà ngộ Ðạo. Có câu:

Thử phương chân giáo thể,

Thanh tịnh tại âm văn.

(Chân giáo thể xứ này,

Dùng âm thanh thanh tịnh.)

Ở cõi Ta Bà, bản thể của Phật Giáo là âm thanh - dùng âm thanh làm Phật sự, vì thế mà có các loại âm thanh biểu dương, tán thán, diễn thuyết...



Kinh văn:

... tiếng Trí Huệ, tiếng Ðại Trí Huệ, tiếng Sư Tử Hống, tiếng Ðại Sư Tử Hống, tiếng Mây Sấm, tiếng Mây Sấm Lớn. Khi Ðức Phật phát ra bất khả thuyết bất khả thuyết âm thanh như thế xong,...

Lược giảng:

Tiếng Trí Huệ. "Trí huệ" là gì? Trí huệ "độ" ngu si - có trí huệ thì không có ngu si, có ngu si thì không có trí huệ - hai thứ này không thể đi đôi với nhau. Bây giờ tôi cho quý vị biết thêm một điều tương đối dễ hiểu hơn; đó là: "Trí huệ chính là ngu si, ngu si chính là trí huệ!"

Có người nói rằng: "Tôi bây giờ ngu si, mà như thế tức là có trí huệ; vậy tôi cứ việc dung túng cái ngu si của mình!" Nếu quý vị có thể hết sức ngu si, ngu si đến cực điểm, thì đó chính là trí huệ chân chánh vậy!

Lại có người nói: "Pháp Sư! Lý lẽ mà Thầy vừa nêu thật là khó chấp nhận! Thầy nói rằng trí huệ là ngu si và ngu si là trí huệ; thế nhưng tôi nhận thấy người ngu si thì toàn làm những chuyện hồ đồ, còn người có trí huệ thì làm những việc đúng đắn, sáng suốt."

Ðúng vậy, quý vị nói rất đúng, còn tôi thì nói không được đúng! Vì sao ư? Bởi vì ngu si có thể biến thành trí huệ, cho nên tôi nói "ngu si chính là trí huệ"; song trí huệ cũng có thể biến thành ngu si, cho nên tôi nói "trí huệ chính là ngu si" vậy. Mấy hôm trước, lúc giảng bài kệ "thông minh sáng dạ nhờ âm đức," tôi đã giải thích điều này rồi; bây giờ chẳng qua là nêu ra lại mà thôi.

Người có trí huệ là người có được tự do chân chánh, và cũng chân chánh đạt được sự giải thoát. Tại sao nói vậy? Người có trí huệ thì không làm việc hồ đồ; còn người ngu si thì toàn làm những việc hồ đồ, không làm những việc thông minh. Ngoài ra, người ngu si không có được sự tự do, lại toàn ở thế "bị động." Trong khi đó, người có trí huệ thì trái lại, không bao giờ phải ở thế "bị động"; bởi họ có chủ tể chân chánh, trí huệ chân chánh, và bất luận sự việc nào xảy đến với họ, họ đều nhận thức được điểm tốt xấu của vấn đề - tốt thì nên làm, không tốt thì không làm. Nói chung, họ có được sức phán đoán chân chánh và trạch pháp nhãn (con mắt chọn lựa pháp) chân chánh.

Người ngu si thì không như thế - họ biết rõ ràng là không đúng mà vẫn cứ làm. Thí dụ chúng ta đều biết cờ bạc là không tốt, nhưng những kẻ ngu si lại cho rằng đó là một cơ hội hiếm có trong muôn một, nếu thắng thì phát tài lớn! Chính vì một niệm tham lam vô minh, muốn phát "vô minh tài" này, mà tất cả tài sản của họ đều không cánh mà bay! Thua "cháy túi" mà họ vẫn chưa tỉnh ngộ, còn toan tính: "Mình phải thử thời vận thêm lần nữa, biết đâu phen này mình sẽ thắng, sẽ giàu to!"

Như có người mua số đề, một đồng mua được tám chữ, nếu trúng thì được hơn một ngàn đồng, nhưng chẳng may sai mất một chữ nên không được tiền; người ấy lại cho rằng nếu mua lần nữa thì chắc chắn sẽ được trúng! Quý vị nghĩ xem, như thế có phải là ngu si không? Nếu những người đánh bạc đều thắng, thì người bày ra trò cờ bạc đỏ đen không cách gì phát tài được cả!

Lại còn những người nghiện thuốc phiện nữa: Ai ai cũng công nhận rằng hút thuốc phiện là có hại, nhưng người ngu si thì nói: "Ðể tôi thử xem!" Thử một lần cảm thấy chưa thỏa mãn, bèn thử thêm lần thứ hai, rồi lần thứ ba, thứ tư..., cứ thế mà "thử" hết lần này sang lần khác. Một lần "thử" thôi là đã bị nghiện rồi, nếu không "thử" nữa thì chịu không nổi. Quý vị nói xem, như thế có phải là ngu si hay không?

Một người bình thường thì đàng hoàng, lịch sự là thế, mà đến khi lên cơn ghiền, bị sự chi phối của thuốc phiện thì ôi thôi, nước mắt, nước mũi lòng thòng, toàn thân bứt rứt xốn xang, thật là khổ sở vô vàn, bèn phải vội vã kiếm tiền đi mua thứ thuốc đó về dùng để "nâng đỡ" tinh thần của mình. Ðây đều do sự ngu si gây ra, khiến cho họ không được tự do. Tại sao không được tự do? Những người hút thuốc phiện cho rằng hút thuốc phiện là một thứ tự do, cứ mải mê hút cho thỏa thích; thế nhưng, khi đến cữ nghiện mà không có thuốc để hút, thì họ có còn được tự do hay không?

Vậy, quý vị làm việc gì mà lẽ ra mình không nên làm, thì đều là ngu si, không có trí huệ. Nếu có trí huệ thì quý vị sẽ không điên đảo, không làm những việc mà mình không nên làm!

Tiếng Ðại Trí Huệ. Người có đại trí huệ vừa nhìn qua sự việc thì có thể thấy được điểm then chốt của vấn đề, không cần phải đợi đến khi sự việc diễn tiến rồi mới phát hiện ra. Do có đại trí đại huệ nên họ có thể tiên liệu được việc nào không nên làm và nếu làm thì kết quả ra sao, nhờ đó họ mới không làm những việc hồ đồ. Thế nào là đại trí, đại huệ? Nghiên cứu Phật Pháp là đại trí đại huệ. Phải nghiên cứu Phật Pháp thì mới có thể đạt được tự do chân chánh, cho nên đó là đại trí huệ.

Tiếng Sư Tử Hống. Sư tử là chúa tể của muôn thú. Hễ nghe tiếng sư tử gầm lên thì tất cả các loài thú đều run sợ đến nỗi "trở tay không kịp" - đứng cũng đứng không vững, chạy cũng chạy không được. Thậm chí những dã thú hung dữ mạnh mẽ như hổ báo, lang sói..., cũng đều sợ hãi đến nỗi không có phản ứng gì cả! Bách thú khi nghe tiếng gầm của sư tử thì đều cảm thấy đầu óc như muốn vỡ tung ra vì sợ, chúng sợ sệt đến trở thành ngu si!

Tiếng Ðại Sư Tử Hống. Tiếng gầm của loài sư tử bình thường thì lợi hại như thế; còn tiếng gầm của đại sư tử thì càng vang xa hơn nữa, xa gần đều nghe rõ.

Tiếng Mây Sấm. Thứ âm thanh này nghe giống như tiếng sấm nổ vang ra từ trong đám mây.

Tiếng Mây Sấm Lớn. Tiếng sấm này nghe lớn hơn tiếng sấm bình thường. Ở đây ngụ ý rằng Phật Pháp ví như một áng mây lớn trên không, soi chiếu khắp đại lục, bao phủ khắp địa cầu. Tiếng sấm này một khi vang dội thì mọi nơi trên thế giới đều nghe được, biểu thị Phật Pháp phổ cập đến tất cả chúng sanh.

Có mây, có sấm, thì sẽ có mưa. "Mưa" là biểu thị Phật Pháp tưới nhuần căn tánh của mọi chúng sanh, khiến cho tất cả chúng sanh đều được biết đến "mùi vị" của mưa Pháp (Pháp vũ). Mưa rưới nước xuống khắp thế gian, cây lớn thì hấp thụ nhiều nước, cây nhỏ thì hấp thụ ít hơn một chút; hoa cỏ thì tùy loại mà hấp thụ một lượng nước mưa thích ứng. Phật Pháp cũng tương tự như vậy - mọi chúng sanh đều được thấm nhuần mưa Pháp tùy theo căn cơ; nhờ vậy mà Pháp thân huệ mạng tăng trưởng và đại trí huệ được khai mở.

Khi Ðức Phật phát ra bất khả thuyết bất khả thuyết âm thanh như thế xong,... "Bất khả thuyết" là một con số rất lớn, không thể nói được là bao nhiêu. Vậy, sau khi Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni phát ra vô số loại âm thanh, nhiều đến không thể kể ra cho hết được, thì thế nào?

Kinh văn:

... từ thế giới Ta Bà và các cõi nước phương khác, có vô lượng ức Thiên, Long, Quỷ, Thần cũng đến tụ tập tại Ðao Lợi Thiên Cung. Ðó là thiên chúng ở trời Tứ Thiên Vương, trời Ðao Lợi, trời Tu Diệm Ma, trời Ðâu Suất Ðà, trời Hóa Lạc, trời Tha Hóa Tự Tại, trời Phạm Chúng, trời Phạm Phụ, trời Ðại Phạm, trời Thiểu Quang, trời Vô Lượng Quang, trời Quang Âm, trời Thiểu Tịnh, trời Vô Lượng Tịnh, trời Biến Tịnh...

Lược giảng:

Trước tiên, Ðức Phật phóng ra vô lượng đám mây sáng lớn, kế đến Ngài lại phát ra vô số loại Pháp âm, khiến chúng sanh lìa mê theo giác, bỏ tà về chánh. Bấy giờ, từ thế giới Ta Bà và các cõi nước phương khác...

"Ta Bà" là tiếng Phạn (Saha); Trung Hoa dịch là "kham nhẫn," và cũng là "cực khổ." So với thế giới Cực Lạc ở phương Tây, thì thế giới Ta Bà của chúng ta này đây quả thật là thế giới "Cực Khổ"!

Vì sao gọi là "kham nhẫn"? Vì chúng sanh ở thế giới này có thể nhẫn nhịn, chịu đựng sự thống khổ.

"Các cõi nước phương khác" tức là những cõi nước thuộc thế giới phương khác, chứ không phải là thuộc thế giới Ta Bà của chúng ta.

Bấy giờ, có vô lượng ức Thiên, Long, Quỷ, Thần từ khắp mọi nơi, cũng đến tụ tập tại Ðao Lợi Thiên Cung, tức cung trời Ba Mươi Ba.

Ðó là thiên chúng ở trời Tứ Thiên Vương. Tứ Thiên Vương còn được gọi là Hộ Thế Tứ Vương, tức là bốn ông thiên vương bảo hộ thế gian. Tứ Thiên Vương Thiên nằm ở lưng chừng núi Tu Di; còn Ðao Lợi Thiên thì ở tại sơn đỉnh của núi này.

Tứ Thiên Vương chính là bốn vị đại thiên vương trấn giữ bốn phương - Ðông Thiên Vương, Nam Thiên Vương, Tây Thiên Vương và Bắc Thiên Vương. Vị Thiên Vương ở phương đông là Trì Quốc Thiên Vương, ở phương nam là Tăng Trưởng Thiên Vương, ở phương tây là Quảng Mục Thiên Vương, và ở phương bắc là Ða Văn Thiên Vương.

Ở cõi trời mà bốn vị đại thiên vương cư ngụ, thọ mạng của thiên nhân là năm trăm tuổi; và một ngày một đêm tại cõi Tứ Vương Thiên này là năm mươi năm ở chốn nhân gian.

Tứ Vương Thiên là cõi trời gần với thế giới của chúng ta nhất. Người thế gian ai làm thiện hoặc làm ác đều do Tứ Vương Thiên xét xử; bởi chư thiên ở đó lo trông coi việc thiện ác của nhân gian chúng ta. Ðó là nói về Tứ Thiên Vương Thiên.

Trời Ðao Lợi. Trong phần trước tôi đã có giảng rồi - "Ðao Lợi" (Trayastrimsa) là Phạn ngữ; Trung Hoa dịch là "tam thập tam," tức là cõi trời Ba Mươi Ba. Thiên chủ của cõi trời này còn được gọi là Năng Thiên Tử.

Trời Tu Diệm Ma. Ðây là nơi mà ánh mặt trời và mặt trăng đều không giọi tới được. Thế thì nơi ấy có lẽ rất tối tăm? Cũng không hẳn! Bởi thiên nhân ở cõi Dạ Ma Thiên này trên thân đều có hào quang chiếu sáng, cho nên cũng không cần tới ánh sáng của mặt trời và mặt trăng.

Vì sao cõi trời này có tên là "Dạ Ma"? "Dạ Ma" (Suyama) là Phạn ngữ; Trung Hoa dịch là "thiện thời phân" (khéo chia thời giờ). Vì sao gọi là "thiện thời phân"? Bởi vì cõi trời này nằm ở vị trí quá cao, ánh sáng của mặt trời và mặt trăng đều không thể nào giọi tới được; cho nên thiên nhân ở đây bèn lấy lúc bông sen nở hiệp để phân biệt ngày và đêm - hoa nở là ban ngày, hoa hiệp là ban đêm.

Tại Tứ Vương Thiên thì thiên nhân thân cao nửa dặm (lý).

Tại Ðao Lợi Thiên, thiên nhân thân cao một dặm (lý), và có thọ mạng là một ngàn tuổi. Một ngày đêm ở cõi trời này là một trăm năm ở chốn nhân gian.

Còn ở Dạ Ma Thiên thì thế nào? Thiên nhân ở đây thân cao một dặm (lý) rưỡi, và có thọ mạng là một ngàn năm trăm tuổi. Một ngày đêm tại cõi trời này là một trăm năm ở trần gian.

Cứ lên cao hơn một tầng trời thì thọ mạng được tăng thêm năm trăm tuổi, thân cao thêm nửa dặm (lý); cho nên càng lên các tầng trời phía trên thì thiên nhân thân hình càng cao lớn, và tuổi thọ càng gia tăng.

Trời Ðâu Suất Ðà. "Ðâu Suất Ðà" là Phạn ngữ (Tusita); Trung Hoa dịch là "tri túc" (biết đủ); do đó cũng gọi là "Tri Túc Thiên." Ðâu Suất Ðà Thiên gồm có nội viện và ngoại viện. Bồ Tác Di Lặc hiện ngụ tại nội viện, còn các thiên nhân thì ở tại ngoại viện.

Tam Tai (ba thứ tai họa - lửa cháy, nước lụt, gió bão) không lan tràn đến Ðâu Suất Nội Viện được, song vẫn có thể hủy diệt Ðâu Suất Ngoại Viện.

Trời Hóa Lạc. Sự vui sướng tại cảnh trời này có tánh biến hóa, bởi sự vui sướng phi thường ấy là do chư thiên ở đó biến hóa ra.

Trời Tha Hóa Tự Tại. Sự vui sướng ở Tha Hóa Tự Tại Thiên vốn là của các cõi trời khác hóa hiện ra; vì chư thiên ở đây có thần thông nên họ có thể chuyển dịch sự vui sướng của các cõi trời khác về cõi trời của họ. Tha Hóa Tự Tại Thiên là nơi trú ngụ của thiên ma, chứ không phải của các vị thiên thần hoặc tiên nhân chân chánh.

Sáu cảnh trời kể trên - Tứ Vương Thiên, Ðao Lợi Thiên, Dạ Ma Thiên, Ðâu Suất Ðà Thiên, Hóa Lạc Thiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên - được gọi chung là Lục Dục Thiên. Vì sao gọi là "Lục Dục Thiên" (sáu cõi trời dục)? Bởi vì các thiên nhân ở đó tuy được sanh lên cõi trời nhưng vẫn còn tâm dâm dục, vẫn còn những ý nghĩ không thanh tịnh. Trong khóa hè vừa qua, lúc giảng Kinh Lăng Nghiêm, tôi đã có giảng về Lục Dục Thiên rồi, song tôi tin chắc là quý vị nghe xong đều không muốn giữ cho mình và đã "tặng" lại hết cho tôi; vì thế bây giờ tôi giảng lại để "thân tặng" cho quý vị thêm lần nữa vậy!

Thiên chúng ở Lục Dục Thiên đều còn lòng ái dục. Sự hành dâm của chư thiên ở trời Tứ Thiên Vương và trời Ðao Lợi thì cũng giống như của con người ở nhân gian vậy. Vì sao ư? Bởi vì họ đều có hình thể. Thiên nhân ở trời Tứ Thiên Vương cũng kết hôn như người thế tục; và ngay cả thiên nhân ở trời Ðao Lợi cũng vậy, họ đều có vợ chồng, con cái chẳng khác gì loài người ở trần gian cả.

Trẻ sơ sinh ở Tứ Vương Thiên thì như thế nào? Ở cõi trời này, trẻ con mới sinh ra đã lớn bằng đứa bé năm tuổi ở nhân gian. Còn ở Ðao Lợi Thiên thì sao? Trẻ sơ sinh ở trời Ðao Lợi thì trạc đứa bé bảy tuổi ở nhân gian; và ở trời Dạ Ma thì trẻ sơ sinh bằng cỡ đứa bé mười tuổi ở nhân gian. Trẻ con mới sinh ra là đã lớn như thế, ngồi trên đùi của thiên nhân; và một lát sau thì được cho ăn "thiên lộ tự nhiên," một thứ cam-lộ của cõi trời tự nhiên hóa hiện ra. Ăn xong chưa được bao lâu thì đứa bé vụt biến thành cao lớn như mọi thiên nhân khác - thân cao nửa dặm (lý), và thọ mạng là năm trăm tuổi. Ðó là nói về Tứ Vương Thiên.

Có bài kệ nói về cảnh giới dục lạc của chư thiên ở Lục Dục Thiên như sau:

Tứ Vương, Ðao Lợi dục giao bão,

Dạ Ma chấp thủ, Ðâu Suất tiếu,

Hóa Lạc thục thị, Tha tạm thị,

Thử thị Lục Thiên chi dục lạc.

(Tứ Vương, Ðao Lợi còn ôm ấp,

Dạ Ma nắm tay, Ðâu Suất cười,

Hóa Lạc nhìn lâu, Tha nhìn thoáng,

Đó là dục lạc cõi Lục Thiên)

 

"Tứ Vương, Ðao Lợi dục giao bão" (Tứ Vương, Ðao Lợi còn ôm ấp). Thiên chúng ở trời Tứ Thiên Vương và trời Ðao Lợi cũng hành dâm như loài người ở thế gian vậy.

"Dạ Ma chấp thủ, Ðâu Suất tiếu" (Dạ Ma nắm tay, Ðâu Suất cười). Hành vi sắc dục của thiên nhân ở trời Dạ Ma là cầm tay nhau.

Ở cõi trời này, thiên nam và thiên nữ giao tình bằng cách nắm tay nhau, tương tự như lối bắt tay của người Tây phương vậy.

Thế còn ở trời Ðâu Suất thì sao? Ở trời Ðâu Suất thì thiên nam thiên nữ chỉ cười với nhau là đã thành vợ chồng rồi; bởi thiên nhân ở đó bình thời không hề cười! Vì sao? Vì lòng ham muốn của họ quá nhẹ, hầu như là không còn nữa vậy. Tại Lục Dục Thiên, hễ lên cao được một tầng trời thì dục niệm lại giảm nhẹ bớt một bậc.

Tại sao ở cõi nhân gian chúng ta, những người tu Ðạo đều cần phải "khử dục đoạn ái," quét sạch mọi dục niệm? Bởi vì nếu dục niệm mà nhiều thì ngu si mê muội cũng nhiều thêm; dục niệm càng giảm thiểu thì trí huệ sáng suốt càng gia tăng. Dục niệm là thuộc cõi Ngũ Trược Ác Thế - cái gì gọi là "trược"? Ðó là dục niệm! Dục niệm là một thứ ô trược nhất, dơ bẩn nhất.

Lòng sắc dục của thiên chúng trên cõi trời Tứ Thiên Vương thì cũng giống như của nhân gian chúng ta vậy; còn dục niệm của thiên nhân ở trời Ðao Lợi thì có phần nhẹ hơn so với ở trời Tứ Thiên Vương.

Hành vi sắc dục của thiên nhân ở trời Dạ Ma là nắm tay nhau, còn ở trời Ðâu Suất thì cười với nhau. Quý vị chớ cho rằng cười là tốt - nhân gian chúng ta thường cho cười là điều tốt, mà không biết rằng cười cũng có một tác dụng về mặt tình cảm và sắc dục.

Chư thiên ở cõi trời Dạ Ma đều thích dụng công tu hành, cho nên rất hiếm khi có chuyện nắm tay nhau xảy ra.

"Hóa Lạc thục thị, Tha tạm thị" (Hóa Lạc nhìn lâu, Tha nhìn thoáng). "Thục thị" tức là nhìn hơi lâu một chút, như chừng một phút, hai phút hoặc năm phút. Thiên nam thiên nữ ở trời Hóa Lạc thì đăm đăm ngó nhau chừng một vài phút là thành dâm; còn ở trời Tha Hóa Tự Tại thì chỉ cần nhìn phớt nhau thôi, không phải nhìn lâu.

"Thử thị Lục Thiên chi dục lạc" (đó là dục lạc cõi Lục Thiên). Hành vi sắc dục của thiên nam thiên nữ ở Lục Dục Thiên là như thế - hễ lên cao hơn một tầng thì dục niệm giảm nhẹ bớt một tầng. Kẻ có dục niệm nặng nề thì không thể sanh lên cõi trời, cho nên những người được sanh thiên đều rất ít dục niệm. Bài kệ vừa rồi là nói về dục lạc ở Lục Dục Thiên.


Trời Phạm Chúng, trời Phạm Phụ, trời Ðại Phạm. Ðây là ba tầng trời thuộc cõi Sơ Thiền, cũng gọi là Sơ Thiền Tam Thiên. Ngoài ra, còn có cõi Nhị Thiền và Tam Thiền, và ở mỗi cõi cũng đều có ba tầng trời.

Trời Phạm Chúng. "Phạm" là gì? "Phạm" có nghĩa là thanh tịnh. Dục niệm của thiên nhân ở cõi Sơ Thiền Thiên thì càng nhẹ hơn nữa so với ở Lục Dục Thiên, cho nên gọi là "phạm." Tất cả thiên nhân cư ngụ ở tầng trời này đều thanh tịnh và đều là dân chúng của toàn cõi Phạm Thiên.

Trời Phạm Phụ. Chư thiên ở nơi này là những vị Tể Quan thanh tịnh, làm quan trên cõi trời. "Phụ" tức là phụ tá; và ở đây là phụ tá cho Ðại Phạm Thiên Vương.

Còn trời Ðại Phạm thì sao? Ðây là nơi trú ngụ của Ðại Phạm Thiên Vương. Ngài vốn là người rất siêng năng dụng công tu Ðạo, song chỉ tu thiên phước để được hưởng phước lạc của cõi trời chứ chưa đạt đến mức khai ngộ và chứng quả vị; do đó, ngài được sanh lên cõi trời và làm vua trời Ðại Phạm. Vị Ðại Phạm Thiên Vương này được sự hỗ trợ của chư thiên ở tầng trời Phạm Chúng và Phạm Phụ.

Sơ Thiền Tam Thiên còn được gọi là Ly Sanh Hỷ Lạc Ðịa, tức là cảnh giới xa lìa sự sanh khởi phiền não, vô cùng vui sướng. Phàm phu chúng ta khi dụng công đạt tới cảnh giới Sơ Thiền, thì cũng có thể đến được Sơ Thiền Thiên để gặp Ðại Phạm Thiên Vương, các Tể Quan phụ tá của ngài, và dân chúng cư ngụ ở đó.

Trời Thiểu Quang, trời Vô Lượng Quang, trời Quang Âm. Ðây là ba tầng trời thuộc cõi Nhị Thiền, cũng gọi là Nhị Thiền Tam Thiên. Làm thế nào để được sanh lên cõi trời Nhị Thiền này? Cần phải "khử dục đoạn ái," dứt sạch tâm dâm dục! Nếu vẫn còn lòng ham mê sắc dục thì không thể nào sanh về cõi trời này được. Mỗi tầng trời ở đây chênh lệch nhau một "giai cấp"; vì sao? Bởi chư thiên ở nơi này không còn dục niệm nữa, cứ lên cao mỗi tầng thì dục niệm mỗi giảm nhẹ, ít dần.

Trời Thiểu Quang. Thân thể của chư thiên ở tầng trời này đều tỏa ánh hào quang; và hào quang này lớn hơn nhiều so với hào quang của thiên nhân ở trời Dạ Ma. Tuy nhiên, trong ba tầng trời thuộc Nhị Thiền Tam Thiên, thì hào quang của thiên nhân ở trời Thiểu Quang có phần kém thua hai tầng trời kia.

Vì sao các thiên nhân này có hào quang? Ðó là do lúc còn tu hành ở thế gian, họ chuyên chú tuân thủ Giới Luật, trì Giới rất thanh tịnh. Chư thiên ở trời Phạm Chúng và Phạm Phụ cũng tuân thủ Giới Luật vậy, có điều là không được nghiêm ngặt bằng chư thiên ở trời Thiểu Quang, cho nên thanh tịnh thì có thanh tịnh, song không phát hào quang. Thiên nhân trời Thiểu Quang thì giữ Giới chẳng những tinh nghiêm mà còn sanh xuất hào quang nữa, do đó mà được sanh lên tầng trời này.

Trời Vô Lượng Quang. Tầng trời vừa rồi là Thiểu Quang - ít hào quang; còn tầng trời này thì thế nào? Thì có vô lượng vô biên hào quang, không tính ra số lượng được.

Trời Quang Âm. Tầng trời nằm phía trên trời Vô Lượng Quang là trời Quang Âm. Chư thiên ở trời Quang Âm nói chuyện với nhau bằng cách nào? Bằng hào quang! Tương tự như việc dựa vào tác dụng của điện quang để cấu tạo hình ảnh của tivi, chư thiên ở đây dùng ánh sáng tiêu biểu cho lời nói. Thiên nhân ở trời Quang Âm không nói ra tiếng, điều đó không có nghĩa là họ không biết nói; chẳng qua là họ không dùng ngôn ngữ mà lại dùng hào quang để nói chuyện.

Có người phê bình, cho rằng chư thiên ở trời Quang Âm là không biết nói, không có ngôn ngữ, không có văn tự; và sở dĩ họ dùng hào quang thay cho ngôn ngữ, văn tự là vì họ vốn không biết nói! Không phải thế! Nếu họ không biết nói, thì chẳng lẽ cả tầng trời Quang Âm toàn là thiên nhân "câm" hết sao? Thế thì so với người biết nói ở chốn nhân gian có tốt hơn gì đâu? Nếu nói rằng chư thiên ở trời Quang Âm dùng hào quang tiêu biểu cho lời nói vì họ đều bị câm, thế thì sanh lên tầng trời này có lợi ích gì???

Cho nên, tôi nói rằng họ cũng có ngôn ngữ, chẳng qua là họ không dùng đến ngôn ngữ mà thôi. Nhân gian chúng ta thì có văn tự và chúng ta dùng văn tự để tiêu biểu ngôn ngữ, chứ chúng ta không phải chỉ dùng văn tự mà từ bỏ ngôn ngữ. Hào quang được dùng ở trời Quang Âm cũng tương tự như văn tự của nhân gian chúng ta - chư thiên ở đó dùng hào quang để viết, tính chất cũng tựa như máy fax của chúng ta vậy. Sự việc nhất định là như thế; chứ không phải là họ chẳng có ngôn ngữ, chỉ có thể nói bằng hào quang mà thôi!

Cho nên, đối với Phật Pháp, quý vị cứ đem Phật Pháp với thế gian pháp ra để hỗ tương so sánh, suy luận, thì sẽ hiểu được ngay. Quý vị chớ nên hùa theo người khác mà vội cho rằng cõi trời Quang Âm chẳng có ngôn ngữ và tất cả chư thiên ở đó đều bị câm! Những người đó chắc chắn là chưa hiểu rõ vấn đề!!!

Vừa rồi là nói về ba tầng trời của Nhị Thiền Thiên. Người tham Thiền đạt được Ðịnh lực của Nhị Thiền Thiên tức là đến được cảnh giới Ðịnh Sanh Hỷ Lạc Ðịa, từ trong Ðịnh sanh xuất ra một thứ hỷ lạc.

Tuy nhiên, kẻ đạt tới cảnh giới Nhị Thiền cũng không thể nói rằng công phu tu tập của mình đã lên đến tột đỉnh, đến mức cao nhất. Không phải như thế! Quý vị, những người đang dụng công, bây giờ hãy tự hỏi rằng mình đã đạt đến trình độ này hay chưa? Có thật là mạch tim mình có ngừng đập? Có thật là sự hô hấp của mình có gián đoạn? Có phải là hễ ngồi Thiền thì sự hít thở của mình liền đình chỉ? Không phải ư? Nếu không phải, thì hãy tiếp tục dụng công tu tập; nếu không dụng công thì không thể nào ngăn chặn được vòng luân hồi sanh tử. Cho dù quý vị có đạt được cảnh giới Sơ Thiền hay Nhị Thiền đi nữa, sự sanh tử của chính quý vị vẫn chưa kết thúc.

Chúng ta dụng công tu tập không phải để thấy được một vài cảnh giới nho nhỏ, thấy được Bồ Tát hiện thân hộ pháp, hoặc trông thấy người nào đó ... Khi chúng ta ngồi Thiền, nếu có trông thấy hào quang thì phải biết đó chỉ là thứ cảnh giới nhỏ nhặt, không nên sanh tâm chấp trước, bám trụ vào cảnh giới.

Có trường hợp đang ngồi Thiền thì thân thể tự dưng lắc lư - quý vị không muốn động đậy, nhưng thân thể cứ chao qua đảo lại, có muốn ngừng cũng không ngừng lại được. Ðây là tác dụng của sáu loại chấn động đối với lục căn, biểu hiện sáu cách chấn động của đại địa. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là công phu chân chánh, quý vị vẫn còn phải hướng tới trước mà nỗ lực nhiều hơn nữa mới được.

Quý vị nếu chưa đạt được cảnh giới Sơ Thiền và Nhị Thiền, thì cần phải cố gắng dụng công hơn nữa, không nên lười biếng. Nếu lười biếng thì không dứt được sanh tử; mà không dứt được sanh tử thì sẽ rất nguy hiểm cho tương lai của quý vị; cho nên, xuất gia tu hành không phải là chuyện dễ. Lười biếng tức là tự dọn đường cho mình tiến vào địa ngục. Nếu không muốn đọa địa ngục, thì phải siêng năng chịu khó, chăm chỉ dụng công.

Có người phàn nàn: " - , hễ tôi dụng công là trong người thấy khó chịu, không được khỏe." Thế thì đợi đến khi đọa địa ngục, quý vị sẽ thấy rằng ở đó còn khó chịu, khổ sở hơn nhiều! Quý vị muốn được thoải mái sung sướng trong hiện tại, thì tương lai sẽ không được "dễ chịu"; còn nếu quý vị chịu khó dụng công ngay từ bây giờ, thì tương lai tất sẽ rất "dễ chịu." Do đó, quý vị hãy cân nhắc điều này cho kỹ! Một khi bị đọa địa ngục, thì không biết phải chịu đày đọa đến bao lâu; vì nếu bị đọa vào địa ngục Vô Gián thì sẽ không có ngày được ra, quanh năm suốt tháng phải ở trong đó mà thọ tội, chịu sự trừng phạt. Bởi đã xuất gia học Ðạo rồi mà còn lười biếng trễ nãi, chẳng chịu dụng công, chẳng học Phật Pháp, chỉ muốn "tự do tự tại" theo ý mình, nên phải thọ tội ở địa ngục. Ðó chính là "tự do tự tại" vào địa ngục vậy!

Trời Thiểu Tịnh, trời Vô Lượng Tịnh, trời Biến Tịnh. Ðây là ba tầng trời thuộc cõi Tam Thiền.

Cõi Sơ Thiền còn gọi là Ly Sanh Hỷ Lạc Ðịa, Nhị Thiền là Ðịnh Sanh Hỷ Lạc Ðịa, và Tam Thiền là Ly Hỷ Diệu Lạc Ðịa.

Tại Sơ Thiền Thiên - trời Phạm Chúng, trời Phạm Phụ, và trời Ðại Phạm - chư thiên đều thanh tịnh, song chưa có hào quang. Thật ra thì không hẳn là hoàn toàn không có - họ cũng có hào quang đấy, nhưng hết sức yếu ớt, mờ nhạt. Các thiên nhân thuộc Nhị Thiền Thiên thì có hào quang sáng rỡ và cũng thanh tịnh hơn.

Ở đây chúng ta có thể nêu ra một tỷ dụ rất đơn giản, so sánh trình tự của các tầng trời với tiến trình làm sạch sàn nhà. Trước hết, sàn nhà cần phải được quét dọn cho thật sạch sẽ - đây là dụ cho các tầng trời thanh tịnh Phạm Chúng, Phạm Phụ và Ðại Phạm (thuộc Sơ Thiền Thiên).

Sàn nhà tuy đã được quét dọn sạch sẽ rồi, song chưa được đánh sáp nên trông không có vẻ sáng sủa, bóng loáng. Sau khi đánh sáp thì mặt nền sáng hẳn lên - đây là dụ cho trời Thiểu Quang, trời Vô Lượng Quang và trời Quang Âm của Nhị Thiền Thiên.

Ðánh sáp rồi, chúng ta cần phải lau chùi thêm nữa thì sàn nhà mới hoàn toàn sáng loáng, bóng lộn. Bởi sau khi đánh sáp, trên mặt sàn vẫn còn sót chút ít bụi bặm hoặc một vài cọng lông chổi, cho nên sàn nhà tuy có sáng lên song vẫn chưa hoàn toàn sạch sẽ. Khi được lau chùi cẩn thận, không còn dính một hạt bụi, thì sàn nhà vừa sáng sủa lại vừa sạch sẽ - đây là dụ cho trời Thiểu Tịnh, Vô Lượng Tịnh và Biến Tịnh của Tam Thiền Thiên. Quý vị nào muốn hiểu rõ cảnh giới của các tầng trời, thì nên suy gẫm thêm về tỷ dụ này.

Khi quý vị tọa Thiền đến được cảnh giới Tam Thiền thì mọi ý niệm đều không còn, tất cả vọng niệm đều đình chỉ. Tại Sơ Thiền thì ý niệm vẫn còn tồn tại, quý vị vẫn còn sự suy nghĩ. Ở cảnh giới Nhị Thiền thì dòng ý niệm này vẫn chưa đoạn dứt; song đến Tam Thiền thì mọi niệm đều dứt tuyệt - không còn tình trạng hết niệm này sanh đến niệm kia khởi nữa.

Trong một sát-na có chín mươi cái sanh tử, trong mỗi cái sanh tử lại có chín trăm niệm; cho nên chỉ nội trong một khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi mà chúng ta đã khởi không biết bao nhiêu là niệm. Nhưng khi quý vị đạt đến cảnh giới Tam Thiền thì mọi niệm đều đình chỉ. Lúc này, một niệm cũng không khởi, không còn niệm trước cũng chẳng có niệm sau - tất cả đều vắng lặng. Ðó là cảnh giới của Tam Thiền.

Bấy giờ, chẳng những khí và mạch đình chỉ, mà luôn cả niệm cũng đình chỉ, không còn nảy sanh nữa. Những người hành Thiền đến trình độ này có thể ngồi Thiền trong suốt một tháng mà không biết là đã một tháng, hoặc ngồi Thiền cả năm mà không biết là đã một năm trôi qua. Mặc dù họ không còn ý niệm về tánh thời gian và không gian nữa, song đó là trạng thái nhập Thiền Ðịnh chứ không phải là chết; cho nên nếu muốn thì họ vẫn có thể trở về được. "Muốn trở về" ư? Thế không phải là mọi niệm đều đình chỉ rồi sao? Khi họ vừa sực nghĩ: "Vì sao mình lại ngồi Thiền ở đây nhỉ?"; thì luồng ý niệm lập tức tái sanh và họ trở về lại.

Vậy, ở cảnh giới Tam Thiền thì ngay cả ý niệm cũng không tồn tại, cho nên gọi là "tịnh" (trong sạch). Nếu còn ý niệm thì cũng như còn dính bụi bặm vậy, chưa được thanh tịnh, sạch sẽ hoàn toàn. Do đó, các tầng trời thuộc Tam Thiền Thiên có tên là Thiểu Tịnh, Vô Lượng Tịnh và Biến Tịnh.

Tam Thiền Thiên cũng gọi là Ly Hỷ Diệu Lạc Ðịa, cảnh giới xa rời sự vui sướng. Loài người chúng ta hễ sanh tâm vui vẻ thì cho là điều tốt, song ngay cả "điều tốt" này chúng ta cũng phải lìa bỏ, không nên chấp trước bám víu vào sự vui sướng. Ðược như thế thì sẽ nảy sanh tác dụng vi diệu.

 

Kinh văn:

...trời Phước Sanh, trời Phước Ái, trời Quảng Quả, trời Vô Tưởng, trời Vô Phiền, trời Vô Nhiệt, trời Thiện Kiến, trời Thiện Hiện, trời Sắc Cứu Cánh, trời Ma Hê Thủ La, cho đến trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Tất cả Thiên chúng, Long chúng, cùng các chúng Quỷ, Thần đều đến hội họp.

Lược giảng:

1) Trời Phước Sanh. Vì sao gọi là trời Phước Sanh? Bởi chư thiên ở tầng trời này đều là "khổ nhân dĩ tận, lạc phi thường trụ" - họ không còn sự đau khổ, và cũng không còn chấp trước vào dục lạc nữa.

Thế nào gọi là "khổ nhân dĩ tận, lạc phi thường trụ"? Chư thiên ở Sơ Thiền Thiên vẫn còn một thứ khổ não mà ngay cả tại Nhị Thiền Thiên và Tam Thiền Thiên, sự khổ não này cũng vẫn còn tồn tại, chưa hoàn toàn dứt tuyệt. Phải đến Tứ Thiền Thiên, ở tầng trời Phước Sanh này, thì mới đích thực là "khổ nhân dĩ tận" - cái mầm mống gây khổ não đó không còn nữa, mọi chủng tử của khổ não đều bị hủy diệt. Phải chăng hết khổ rồi thì sẽ được vui? Bấy giờ, họ cũng chẳng chấp trước vào cái vui, cho nên nói là "lạc phi thường trụ."

Thế thì, nguyên nhân của khổ là gì? Nguyên nhân của khổ là "dục" - "dục" đích thị là cái nhân dẫn đến mọi đau khổ. "Dục" là gì? Ðó là "dục niệm," hay "dục vọng," tức là lòng ham muốn; tiếng Anh gọi là desire! Chữ "dục" này chính là nguyên nhân, mầm mống của khổ đau; nếu không có "dục" thì không có đau khổ. Không có tâm dâm dục thì không có cái nhân gây tạo bao nhiêu khổ não khác.

Thiên nhân ở Tứ Thiền Thiên đều không còn dâm tâm; bởi họ đã dứt trừ được tâm dâm dục nên nói là "chư dục đỗ tuyệt" - mọi dục vọng, ham muốn đều đã dứt tuyệt, không còn nữa. Các tướng trạng thô trọng đều bị hủy diệt, hết thảy các tướng có hình sắc và rất thô đều bị đoạn trừ. Tướng thô trọng diệt rồi, thì họ liền đắc được một thứ phước đức rất thanh tịnh, nên gọi là trời Phước Sanh - nơi nảy sanh thứ phước thanh tịnh. Ðó là tầng trời thứ nhất thuộc Tứ Thiền Thiên.

Nhiều người chỉ biết suông trời là trời; quý vị có biết là có bao nhiêu cõi trời không? Theo kinh điển đạo Phật thì có sáu tầng trời cõi Dục (Lục Dục chư thiên), ba tầng trời Sơ Thiền (Sơ Thiền tam thiên), ba tầng trời Nhị Thiền (Nhị Thiền tam thiên), ba tầng trời Tam Thiền (Tam Thiền tam thiên); còn Tứ Thiền thì sao? Cõi Tứ Thiền thì có đến chín tầng trời, và trời Phước Sanh là tầng trời thứ nhất thuộc Tứ Thiền Thiên. Chính vì có sự nảy sanh và hiện tiền của phước thanh tịnh tại tầng trời này cho nên có tên là "trời Phước Sanh."

2) Trời Phước Ái. Ðây là tầng trời thứ hai thuộc Tứ Thiền Thiên. "Phước ái" tức là love, love cái gì? Love cái phước - yêu phước, thích phước. "Phước Ái Thiên" tức là cõi trời yêu chuộng phước đức.

Chư thiên ở tầng trời này thì:

Chư thiên ở tầng trời này thì:

Xả tâm viên dung,

Thắng giải thanh tịnh,

Ðắc diệu tùy thuận,

Khổ lạc song ly.

(Lòng xả viên dung,

Thắng giải thanh tịnh,

Được diệu tùy thuận.

Khổ vui đều xa.)

"Xả tâm viên dung." Lòng thí xả của chư thiên ở tầng trời này đã đạt đến cảnh giới viên dung vô ngại - những gì không thể thí xả đều được thí xả, những gì có thể thí xả cũng đều thí xả; những gì không thể buông bỏ đều được buông bỏ, những gì có thể buông bỏ thì càng phải buông bỏ. Ðó gọi là "xả tâm viên dung" vậy.

"Thắng giải thanh tịnh." Họ đạt được thứ giải thoát thù thắng rất thanh tịnh. "Thắng," tiếng Anh gọi là supreme. "Thắng giải thanh tịnh" - phước báo của họ to lớn vô ngần, có thể nói là phước ấy vượt khỏi trời đất, không có gì có thể che lấp được.

"Ðắc diệu tùy thuận." Họ đạt tới cảnh giới "tùy tâm như ý," muốn thế nào thì được thế ấy. Ðây là một sự tùy thuận vô cùng kỳ diệu, muốn gì được nấy, luôn luôn được toại tâm toại ý.

"Khổ lạc song ly." Bấy giờ, không có khổ đau cũng chẳng còn vui sướng - họ đã lìa bỏ được cảm giác khổ và sướng. Tuy nhiên, chư thiên ở đây cũng còn một thứ ước muốn khác, một thứ hy vọng khác. Ðó là điều gì? Hy vọng của họ chính là hai tầng trời ở ngay phía trên trời Phước Ái; đó là hai tầng trời nào? Ðó là trời Quảng Quả và trời Vô Tưởng - họ hy vọng đạt được cảnh giới của hai tầng trời này.

Trời Quảng Quả là một trong những tầng trời thuộc Tứ Thiền Thiên, còn trời Vô Tưởng là nơi trú ngụ của ngoại đạo. Từ trời Phước Ái, chư thiên có thể đến trời Quảng Quả, lại cũng có thể đến trời Vô Tưởng; mà đến trời Vô Tưởng tức là tiến vào cảnh giới của ngoại đạo. Cho nên, ở đây cũng giống như gặp phải ngã rẽ vậy - rất dễ đi sai đường. Do đó, tuy là sanh lên cõi trời, song cũng dễ bị đi lạc vào cảnh trời của ngoại đạo.

3) Trời Quảng Quả. Thế nào gọi là trời Quảng Quả? Trời Quảng Quả là quả vị của phàm phu. Sáu tầng trời cõi Dục (Lục Dục chư thiên) đều được xem là cảnh giới phàm phu - quả vị mà hạng phàm phu có thể đạt được thì không vượt quá trời Quảng Quả, không hơn được cảnh giới của trời Quảng Quả.

Trời Quảng Quả cách biệt hẳn mọi nhiễm ô, phiền lụy của các tầng trời bên dưới. Tại trời Quảng Quả, chư thiên sống trong niềm an lạc vô cùng vô tận và thần thông của họ cũng diệu dụng vô cùng; cho nên, được sanh lên trời Quảng Quả không phải là chuyện dễ. Ở trời Quảng Quả, sự "diệu tùy thuận" còn thâm áo hơn ở trời Phước Ái một bậc - không chỉ "tùy thuận" thôi, mà là "quảng diệu tùy thuận," một sự tùy thuận rộng lớn, vi diệu! "Tùy thuận" tức là tùy tâm thuận ý, chư thiên ở nơi này chứng đắc được quả vị mà họ đang tu tập, thuận theo điều họ mong mỏi. Ðó là Quảng Quả Thiên.

4) Trời Vô Tưởng. Thế nào gọi là trời Vô Tưởng? Chư thiên ở trời Vô Tưởng đã đoạn dứt tư tưởng, song đó chưa phải là sự đoạn dứt vĩnh viễn; họ chỉ mới đoạn được trong năm trăm kiếp mà thôi. Thọ mạng của họ là năm trăm kiếp, như vậy suốt trong một đời của họ, tư tưởng không nảy sanh - họ không nghĩ ngợi, không có tư tưởng. Thế nhưng, trong năm trăm kiếp ấy, có bốn trăm chín mươi chín (499) kiếp là không có tưởng, và có một kiếp có tưởng. Trong một kiếp này, suốt nửa kiếp đầu thì tư tưởng diệt, không hề dấy khởi; đến nửa kiếp sau cuối thì tư tưởng lại sanh khởi. Cho nên, "vô tưởng" ở đây có nghĩa là trọn đời, rất hiếm khi sanh khởi tư tưởng.

Toàn cõi trời này là nơi trú ngụ của ngoại đạo. Tại đây, hàng ngoại đạo tự cho là cảnh trời rốt ráo, và đinh ninh rằng lúc này họ có thể đạt được Niết Bàn. Chính vì thế mà họ ở lại đây để tu hành; song tu hành thì tu hành mà vẫn bị đọa lạc như thường! Vậy, tầng trời này là chỗ ở của ngoại đạo.

5) Trời Vô Phiền. "Phiền" tức là phiền não. Thiên nhân ở tầng trời này không còn "kiến tư phiền não" nữa, họ đã đoạn dứt được kiến tư phiền não. "Kiến tư phiền não" là gì?

"Kiến" là cái thấy; đối diện cảnh giới liền sanh lòng tham ái, đó gọi là "kiến phiền não" - phiền não của cái thấy. "Tư" là nghĩ ngợi; đối với đạo lý, vì không hiểu rõ mà sanh tâm phân biệt, ấy gọi là "tư phiền não" hay "tư hoặc" - phiền não của ý tưởng.

Chư thiên ở tầng trời Vô Phiền này không còn hai mối phiền não kiến hoặc và tư hoặc nữa, nên cũng không phải chịu đựng mối phiền não phiền nhiệt; mà cũng chẳng có khổ, chẳng có sướng - sướng khổ đều tiêu vong. Tại cảnh giới "khổ lạc song vong" này, họ không có tâm đấu tranh. Bởi không có tâm đấu tranh, nên cũng chẳng có phiền não; hết phiền não thì được thanh lương (mát mẻ).

6) Trời Vô Nhiệt. "Nhiệt" (nóng) tức là nhiệt não. Tầng trời này rất mát mẻ, thanh thản, không còn cái "nhiệt" của phiền não.

7) Trời Thiện Kiến. Vì sao gọi là trời Thiện Kiến? Chư thiên ở tầng trời này có tầm nhìn vô cùng rộng lớn, họ có thể nhìn thấy được rất xa.

8) Trời Thiện Hiện. Ở tầng trời này có một sự biến hóa rất vi diệu - chư thiên ở đây có thể biến hóa ra mọi cảnh giới an lạc.

9) Trời Sắc Cứu Cánh. Trời Sắc Cứu Cánh là tầng trời cuối cùng trong số các tầng trời thuộc Sắc Giới Thiên.

10) Trời Ma Hê Thủ La. "Ma Hê Thủ La" là tiếng Phạn; Trung Hoa dịch là "Ðại Tự Tại." Ðại Tự Tại Thiên Vương có tám tay, ba đầu, cỡi một con trâu lớn màu trắng; và Ngài tự cho là mình rất thong dong, tự tại.

Trong mười cảnh trời kể trên, ngoại trừ trời Vô Tưởng là nơi trú ngụ của thiên ma ngoại đạo, tất cả chín tầng trời còn lại - trời Phước Sanh, trời Phước Ái, trời Quảng Quả, trời Vô Phiền, trời Vô Nhiệt, trời Thiện Kiến, trời Thiện Hiện, trời Sắc Cứu Cánh, trời Ma Hê Thủ La - đều thuộc cõi Tứ Thiền Thiên.

Tứ Thiền còn gọi là Xả Niệm Thanh Tịnh Ðịa. Ở cảnh giới Sơ Thiền thì sự hô hấp gián đoạn, tới Nhị Thiền thì mạch tim ngưng đập, đến Tam Thiền thì ý niệm dứt tuyệt; còn ở Tứ Thiền thì sao? Thì "xả niệm," vất bỏ hết mọi niệm, không còn gì nữa.

Cho đến trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Ngoài ra, còn có cả chư thiên ở các tầng trời Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, và Phi Phi Tưởng Xứ cũng đến cung trời Ðao Lợi để tham gia Pháp Hội.

Bởi ngay cả cái "thức" cũng không còn nên gọi là "phi tưởng"; nhưng "phi tưởng" này không phải là hoàn toàn không có "tưởng," mà là vẫn còn chút ít, vì thế gọi là "phi phi tưởng" - chẳng phải không có tư tưởng. Ðó là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên.

Tất cả Thiên chúng, Long chúng, cùng các chúng Quỷ, Thần đều đến hội họp, tham gia Pháp Hội tại cung trời Ðao Lợi.

Kinh văn:

Lại có những vị thần ở các cõi nước phương khác cùng thế giới Ta Bà, như Thần biển, Thần sông cái, Thần sông con, Thần cây, Thần núi, Thần đất, Thần suối và ao đầm, Thần cây con và hạt giống, Thần ngày, Thần đêm, Thần hư không, Thần trên trời, Thần ăn uống, Thần cỏ cây và gỗ; các vị thần như thế đều đến hội họp.

Lược giảng:

Lại có những vị thần ở các cõi nước phương khác cùng thế giới Ta Bà... "Phương khác" tức là các thế giới khác, các quốc độ khác. Không phải chỉ có quỷ thần từ thế giới phương khác, mà luôn cả quỷ thần ở cõi Ta Bà cũng lũ lượt đến cung trời Ðao Lợi để tham gia Pháp Hội.

Như Thần biển, Thần sông cái, Thần sông con. Thế nào gọi là biển, sông cái, sông con? Ðây đều là những nơi có nước. Trong Kinh Trường A Hàm có nói đến nguồn gốc của biển, sông, hồ. Ðó là bởi thế gian này có sự hiện diện của mặt trời - từ mặt trời phát ra một nguồn nhiệt lực gây nóng bức khiến cho vạn vật đều tiết "mồ hôi"; chính lượng "mồ hôi" này tích tụ lại và hình thành sông, hồ, ao, biển... Không phải chỉ riêng con người mà ngay cả đất đai, cây cối cũng có "mồ hôi" - tất cả chúng sanh đều có "mồ hôi." Mặt trời dọi đến đâu thì tỏa sức nóng đến đó, và sức nóng này gọi là "chích" (nướng). Thế giới này vì có quá nhiều "mồ hôi" - nhiều nước - nên có rất nhiều sông, hồ.

Nước hiện hữu khắp nơi - tận hư không, khắp Pháp Giới, đâu đâu cũng có nước cả. Trong Kinh Lăng Nghiêm có chép về việc cầm hạt châu thủy tinh hướng lên không trung để hứng nước trong ánh trăng vào giữa đêm trăng sáng. Ðiều này chứng tỏ rằng khắp nơi đều có nước. Tuy nhiên, cũng có những nơi chúng ta không thấy có sự hiện diện của nước, là vì những nơi đó chỉ có "tánh" của nước chứ không có "thể" của nước. Ðiều này cũng tương tự như việc mọi người đều có Phật tánh, nhưng chúng ta không thấy được Phật tánh mà chỉ thấy được hình thể con người thôi vậy. Tánh của nước là ẩm ướt; hầu như mọi nơi đều có khí ẩm, do vậy có thể nói rằng mọi nơi đều có nước. Ðồng thời, mọi nơi đều có lửa.

Tánh nước và tánh lửa vốn hỗ tương hợp tác, chứ không xung khắc lẫn nhau; vậy thì tại sao nước không tràn ngập khắp mọi nơi? Bởi giữa trời, đất và nước có sự tương quan, gắn bó mật thiết với nhau. Vả lại, Tứ Ðại Thiên Vương còn có viên ngọc "trị nước" (tỵ thủy châu); nếu không nhờ viên ngọc này thì khắp cả thế giới sẽ toàn là nước, tất cả đều bị chìm trong biển nước mênh mông. Cho nên, không phải khắp nơi đều có sự hiện hữu rõ rệt của nước.

Cái gì là biển? "Biển" (hải) có thể giảng theo nghĩa của chữ "hối," có nghĩa là đen tối. Ðó là vì "biển" là nơi tối tăm, u ám; khi ở trong biển, quý vị có mở to mắt cũng không nhìn thấy được gì cả. Biển thì mênh mông rộng lớn vô cùng - quý vị không thể biết được biển sâu bao nhiêu, rộng tới đâu, và lớn đến chừng nào. Do đó, "biển" còn tiêu biểu cho sự rộng lớn bao la; và cũng hàm nghĩa ngu muội, không sáng suốt.

Ở biển có rất nhiều thần; Long Vương cũng là một vị thần biển vậy. Trong các thần biển, có một vị tên là Hải Nhược và một vị tên là Dương Hòa. Thần Hải Nhược là vị thần tối cao ở biển, và vốn là loài thú chứ không phải loài trùng. Vị thần này có mười tám cái đuôi, tám chân, và tám đầu; mặt mày thì trông cũng giống như loài người vậy. Ngoài ra, còn có rất nhiều vị thần biển khác nữa. Nếu trong lúc tọa Thiền mà thấy cảnh giới có các vị thần hình thù quái dị như thế hiện ra thì quý vị chớ sợ hãi, bởi đó là các thần biển đến để cúng dường quý vị đấy.

Còn "sông" thì thế nào? "Sông" và "biển" khác nhau ra sao? Sông cái tuy rộng mà không sâu lắm; sông con thì không rộng bằng sông cái. Biển thì rộng lớn hơn hết và là "vạn lưu chi chủ" - chủ tể của cả muôn vạn dòng nước. Mọi sông hồ đều đổ về biển cả; bất luận bao nhiêu dòng sông, lưu lượng nhiều ít thế nào, thì biển cũng đều dung nạp hết thảy. Biển sẵn sàng dung chứa muôn vạn dòng nước mà chẳng ngại nhiều. Sông thì không như vậy - sông luôn luôn lưu chuyển và còn tẽ nhánh tạo thành sông con, trong khi nước biển thì không chảy đi nơi khác.

Chữ "sông" (giang) có thể được giải thích theo nghĩa của chữ "công"; ngụ ý rằng sông rất công bằng. "Sông" còn có một nghĩa khác nữa là "cống"; bởi thời xưa ở nước Trung Hoa, những sản vật của sông hồ đều phải được "tiến cống," dâng nạp cho nhà vua. Như vậy, "sông" có nghĩa là "công," và cũng có nghĩa là "cống."

"Sông con" (hà) còn được định nghĩa là "chưởng," tức là lòng bàn tay; bởi lúc không có gió thì mặt sông êm ả, phẳng lặng như gương hoặc như lòng bàn tay vậy.

Các thần biển, thần sông cái, thần sông con đều là những vị thần dưới nước.

Thần cây (thụ thần). Ở những cây to đều có thần linh cư ngụ. Theo tiếng Trung Hoa, chữ "thụ" này đồng âm với chữ "thụ" có nghĩa là đứng thẳng hoặc dựng đứng.

Thần núi (sơn thần). Chữ "sơn" (núi) có thể được định nghĩa như chữ "sản" hoặc chữ "sanh" vậy, bởi vì núi non cũng là nơi mọi vật có thể sanh trưởng.

Thần đất (địa thần). Chữ "địa" (đất) cũng hàm ý là chỗ thấp nhất. Tuy là ở dưới tất cả nhưng đất lại có thể sản sanh vạn vật, chuyên chở muôn loài.

Thần suối và ao đầm. "Suối" là dòng nước chảy xuyên qua đất, xuyên qua những nơi vốn không có nước. "Ao, đầm" cũng là những nơi có nước.

Thần cây con và hạt giống. Cây con là thứ cây còn non, mới nhú, mới nẩy mầm, như mạ non, mầm đậu...

Thần ngày, Thần đêm. Thần ngày (trú thần) là vị Thần cai quản ban ngày; và Thần đêm (dạ thần) là vị Thần cai quản ban đêm. Thời khắc thuộc ngày và đêm được phân định như sau: sau mười hai giờ khuya là bắt đầu thuộc về ban ngày, và sau mười hai giờ trưa là bắt đầu thuộc về ban đêm.

Vào mười hai giờ khuya thì tuy là chưa có ánh mặt trời nhưng khí dương đã bắt đầu sanh xuất. Cho nên, con người thường khởi tâm dâm dục vào trước lúc bình minh, khoảng từ ba đến năm giờ sáng, bởi đó là lúc dương khí đang thịnh. Tuy nhiên, nếu quý vị không khởi dâm tâm thì khí lực đó sẽ chuyển hóa thành trí huệ. Ở đây, quý vị cũng đối diện với một "ngả ba," tương tự như trường hợp của Vô Tưởng Thiên và Quảng Quả Thiên vậy - quý vị rẽ về hướng này thì có được tư tưởng chánh đáng, giúp ích cho sự phát triển của trí huệ; còn rẽ sang hướng kia thì lại khiến cho lòng tham dục của mình trở nên nặng nề thêm.

Sau mười hai giờ trưa thì khí âm sanh xuất, và đến tối con người cũng khởi lòng tham dục. Nếu quý vị không chiều theo dục vọng của mình, không chọn "con đường" dâm dục, tất có thể đi theo "con đường" trí huệ. Âm và dương là hai lối rẽ, tất cả đều tuỳ thuộc vào sự quyết chọn của chính quý vị.

Thần hư không. Thần hư không (không thần) là ai? Thần hư không chính là vị Thuấn Nhã Ða được nhắc đến trong bài kệ tụng của ngài A Nan ở phần đầu Chú Lăng Nghiêm:

"Thuấn Nhã Ða tánh khả tiêu vong,

Thước Ca La tâm vô động chuyển."

Quý vị nghe giảng kinh điển thì không nên chỉ nghe rồi là xong, chẳng nghĩ tới nữa; và cũng đừng cho rằng như thế tức là mình không có lòng tham, ngay cả Pháp mình cũng không tham! Quý vị không tham Phật Pháp, thì cũng phải không tham thế gian pháp. Nếu quý vị không tham cầu Phật Pháp nhưng lại đi tham cầu các pháp của thế gian, từ sáng đến tối chỉ biết bận rộn đếm tiền, thì đó cũng là một sự phiền não vậy!

Thần trên trời, Thần ăn uống. Việc ăn uống của chúng ta đều có thần linh trông coi. Chúng ta mỗi ngày, cho dù uống một hớp nước, ăn một mẩu trái cây hay một miếng bánh, đều là do thần linh quản lý cả. Quý vị tin là có vị thần này, thì thần hiện hữu; quý vị không tin là có thần, thì thần cũng vẫn tồn tại như thường, chẳng qua là quý vị không nhận biết được mà thôi. Chớ nên cho rằng cái gì mình không tin thì không có thật, bởi suy nghĩ như thế là rất ngu xuẩn! Phải biết rằng, bất luận quý vị tin hay không tin, vị thần này vẫn luôn luôn hiện hữu!

Trước kia, ở Bắc Kinh (Trung Hoa), có một người tên là Ðoạn Chánh Nguyên, mà người đương thời quen gọi là Ðoạn Sư Tôn. Vị Ðoạn Sư Tôn này đã từng được gặp một người chuyên lo về phân lượng ăn uống hằng ngày của nhân gian - mỗi ngày mỗi người ăn uống những thức gì, tiêu thụ bao nhiêu thức ăn, uống hết bao nhiêu nước, đều có sự nhất định cả.

Người ấy làm việc như thế nào ư? Anh ta chỉ ngủ suốt ngày! Cha anh ta làm quan và là một vị Liên Trưởng hay Doanh Trưởng gì đó; dưới quyền có khoảng bốn, năm trăm người. Vị Liên Trưởng này thấy con bấy giờ đã hai, ba mươi tuổi rồi mà không chịu làm việc, cứ nằm ngủ suốt ngày, thì rất bực dọc. Một hôm, không dằn được, ông trách mắng anh con trai: "Cha đã năm, sáu mươi tuổi rồi mà còn phải làm lụng kiếm tiền nuôi con; còn con thì đã hai, ba chục tuổi đầu rồi mà lại không chịu đi làm để mưu sinh! Con không chịu làm một công việc nào cả, thì cuộc đời con còn có ý nghĩa gì nữa chứ?"

Anh con trai đáp: "Cha à, cha làm quan ở nhân gian, còn con thì làm quan ở âm phủ đấy!"

-Hử? Con làm chức quan gì ở âm phủ?

-Mỗi ngày người nhân gian được ăn uống thức gì, phân lượng bao nhiêu, đều do một tay con tính toán, phân phối cả!

Vị Liên Trưởng gắt lên: "Con nói cái gì? Ăn uống mà còn phải đợi kẻ khác phân phối, định đoạt sao? Thật là hoang đường! Vậy thì ngày mai cha được con phân phối cho ăn những gì, con nói cha nghe thử xem."

Người con thưa: "Chưa được đâu, cha ạ. Con cần phải ngủ một giấc, khi thức dậy con sẽ nói cho cha rõ, vì hiện giờ con vẫn chưa biết chắc được."

Người cha nghe thế thì trong lòng giận lắm, song chỉ biết lắc đầu ngao ngán, cho rằng con mình chỉ nói nhảm, chứ làm gì có chuyện mình ăn thức gì cũng phải đợi nó phân phối, sắp đặt!!! Người con, sau khi ngủ dậy, nói với cha rằng: "Ngày mai cha sẽ không có cơm ăn đâu, cha ạ."

Cha anh ta cười lớn: "Cha làm quan chức quyền lớn như vầy mà lại không có cơm ăn sao? Như thế thì cha sẽ được ăn cái gì?"

Anh con trai trả lời: "Ngày mai cha chỉ có được một quả trứng thối và nửa bát cháo cám thiu mà thôi. Phần ăn của cha vào ngày mai chỉ có thế!"

Người cha đùng đùng nổi giận, quát lớn: "Hừ! Cha đường đường là một vị Liên Trưởng có tiền của, có quyền thế, thì tại sao phải ăn uống ít ỏi như thế, mà lại là đồ hư đồ thối nữa chứ? Thật là phi lý hết sức!"

Sáng sớm ngày hôm sau, vị Liên Trưởng đốc thúc gia nhân giết gà, giết vịt, chuẩn bị một bữa ăn thật linh đình. Nào ngờ, lúc ông sắp sửa ngồi vào bàn để ăn thì nhận được lệnh khẩn của cấp trên, bảo ông phải tức tốc xuất binh đi dẹp loạn, không được chậm trễ. Thế là thức ăn thì đã nấu nướng xong xuôi, nhưng ông ta không thể đụng đến được vì phải gấp rút ra đi.

Giao tranh hơn nửa ngày trời, vị Liên Trưởng đánh tan được bọn cướp. Bấy giờ, ông cảm thấy đói và mệt lả bởi suốt ngày chưa có gì vào bụng cả; trong khi đó, thuộc hạ của ông thì vì không phải chờ đợi một bữa ăn thịnh soạn, cho nên từ sớm, trước khi xuất binh, họ đều đã ăn uống đầy đủ cả rồi. Vất vả lắm mới tìm thấy một ngôi nhà có người ở, vị Liên Trưởng bèn vào hỏi mua thức ăn. Thế nhưng, không ngờ đó lại là một gia đình nghèo túng vào bậc nhất trong thiên hạ!

Người chủ nhà nói với vị Liên Trưởng: "Chúng tôi chẳng còn cái gì có thể ăn được cả. Gạo thì hết mà rau cũng chẳng còn. Cả nhà chỉ còn vỏn vẹn có một quả trứng thối với nửa bát cháo cám đã thiu. Ðó là phần để dành cho người sản phụ sắp sanh kia; nhưng nếu ông không chê thì xin cứ tự nhiên, không sao cả!"

Vị Liên Trưởng vì ruột gan cồn cào, đói chịu không nổi, liền nhận lấy quả trứng thối và nửa bát cháo cám thiu ấy. Ðương ăn, ông sực nhớ lại lời tiên đoán của anh con trai ngày hôm qua. Quả thật hôm nay ông đã ăn những thứ đúng như anh ta "phân phối"! Từ đó, vì biết rằng con mình thực sự đang làm quan ở âm phủ nên ông cũng để tùy anh ta, không còn la rầy trách mắng như trước nữa.

Thần cỏ cây và gỗ. Cỏ có thần cỏ (thảo thần), gỗ có thần gỗ (mộc thần), và cây có thần cây (thụ thần).

Ở Nam Thiệm Bộ Châu (Nam Diêm Phù Ðề) có cây "thụ vương" (vua của cây cối), là cây to nhất. Khi cây cối trở nên to lớn, già cỗi, thì được gọi là "quỷ thần thôn," tức là chỗ trú ẩn của quỷ thần, vì quỷ thần thường chọn những cây đại thụ làm nơi nương náu. Nếu không có các loại đại thụ này thì quỷ thần sẽ rất khốn khổ; bởi chỉ có nương náu nơi những cây to, um tùm, thì quỷ thần mới cảm thấy an ổn và vui sướng. Vì thế, những cây cổ thụ to lớn được gọi là "quỷ thần thôn."

Thời Tam Quốc, có một cây đại thụ lâu năm được mọi người gọi là "thần thụ" (cây thần). Tào Tháo bấy giờ chẳng những không tin, lại còn sai người đến đốn cây ấy đi. Sau đó, Tào Tháo bỗng dưng bị mắc chứng đau đầu dữ dội, suốt ngày đau đớn khổ sở; về sau phải mời Hoa Ðà đến chữa trị cho. Ấy là do ông ta đã đắc tội với quỷ thần - thần cây - mà ra vậy.

Trong Tứ Phần Luật có nói rằng Tỳ Kheo không được phép đốn hoặc chặt những cây cối to lớn, um tùm, vì ở những cây đại thụ như thế đều có quỷ thần cư ngụ. Ðiển hình là tại Trung Hoa, ở chùa Nam Hoa thì có cây long não (chương thụ) xin thọ Giới với Lão Hòa Thượng Hư Vân; và ở chỗ của Nam Nhạc Tân Sơn Lão Nhân, có một cây quả trám (bạch quả) cũng được thọ Giới. Các thần cây được thọ Giới kể ra thì rất nhiều - đây quả là thứ cảnh giới không thể nghĩ bàn vậy!

Vừa rồi tôi có nói rằng nếu quý vị tin là có thần, thì thần tồn tại; mà không tin là có thần, thì thần cũng vẫn tồn tại! Có nhiều người cho rằng "tin thì có, không tin thì không có"; nhưng trong trường hợp này thì "tin cũng có, không tin cũng vẫn có" như thường! Thí dụ dưới đất có mỏ vàng, thì bất luận quý vị biết hay không biết, tin hay không tin, mỏ vàng vẫn nằm sờ sờ ở đó. Quý vị tin, tức là quý vị biết rằng có thần; còn quý vị không tin, có nghĩa là quý vị không biết rằng có những vị thần như thế, chứ không phải là không có thần! Ðó chẳng qua là vì quý vị hoàn toàn không có tri thức, không có trí huệ để nhận biết mà thôi. Vì vậy, chúng ta phải thận trọng, không nên hùa theo những kiến giải sai lầm, lệch lạc của người khác!

Các vị thần như thế đều đến hội họp. Không phải chỉ có những vị thần kể trên mà còn có đông đảo những vị thần khác nữa, và tất cả đều tấp nập tựu về cung trời Ðao Lợi để nghe Ðức Phật thuyết Pháp.

Tại thành phố Cựu Kim Sơn (San Francisco) hiện nay xảy ra rất nhiều thiên tai nhân họa; mới gần đây lại có cơn bão gây thiệt mạng cho hơn chín mươi người. Ðó cũng là do ác nghiệp của chúng sanh đã tới lúc chín muồi nên mới sanh ra những việc như thế.

Có người nói rằng vào tháng năm năm ngoái, căn cứ theo dự liệu của các nhà khoa học, thì có nạn động đất xảy ra. Tôi bèn làm "giấy bảo đảm," cam đoan rằng chỉ cần tôi còn ở tại thành phố San Francisco thì sẽ không có chuyện động đất xảy ra; tuy nhiên, nếu tôi đi sang nơi khác, không có mặt ở San Francisco nữa, thì tôi chẳng thể làm gì hơn được!

Tôi không muốn có nạn động đất xảy ra để rồi phải bị rơi xuống biển, và tôi cũng không muốn những người bên cạnh tôi bị rơi xuống biển nữa. Vì sao ư? Vì tôi không muốn gặp mặt Long Vương, cũng chẳng thích kết bạn với vị Thần Biển (hải thần) có tám đầu, tám chân và mười tám cái đuôi. Tám cái đầu này là gồm bốn đầu nam và bốn đầu nữ - từ một thân thể mà mọc ra tám cái đầu của bốn cặp vợ chồng, trông rất là quái dị. Ðã thế, Thần Biển còn làm những việc rất kỳ quặc và rất đặc biệt; cho nên tôi không muốn kết giao với vị thần này, và tôi lại càng không muốn để cho những người cùng sống với tôi đi gặp thần nữa. Ðây không phải là tôi ích kỷ, bởi có gặp vị thần này thì cũng chẳng làm nên được việc gì tốt đẹp cả!

Ðầu năm nay (1969), có người báo cho tôi biết là vào khoảng tháng ba hoặc tháng tư lại có trận động đất nữa. Thế thì lần này, tôi có lại mở "công ty bảo hiểm" để mọi người có thể đến "mua bảo hiểm" nữa hay không? Vẫn y như vậy! Nói tóm lại, quý vị đừng quên những lời tôi nói hồi năm ngoái! Hễ tôi còn ở thành phố San Francisco ngày nào, thì bảo đảm ngày đó sẽ không có nạn động đất lớn (đại địa chấn) xảy ra; song le, các vấn đề nho nhỏ thì tôi không thể đoan chắc được.

Trong thời Mạt Pháp này, thiên tai nhân họa sẽ còn xảy ra rất nhiều; cho nên tôi hy vọng mọi người đều chuyên cần trì niệm danh hiệu của Quán Thế Âm Bồ Tát và Ðịa Tạng Vương Bồ Tát. Ðược như thế thì thành phố San Francisco này sẽ vững chãi như núi Thái Sơn, và sẽ không có vấn đề gì nghiêm trọng xảy ra cả!

Kinh văn:

Lại có chư đại quỷ vương ở các cõi nước phương khác cùng thế giới Ta Bà, như Ác Mục Quỷ Vương, Ðạm Huyết Quỷ Vương, Ðạm Tinh Khí Quỷ Vương, Ðạm Thai Noãn Quỷ Vương, Hành Bệnh Quỷ Vương, Nhiếp Ðộc Quỷ Vương, Từ Tâm Quỷ Vương, Phước Lợi Quỷ Vương, Ðại Ái Kính Quỷ Vương..., các quỷ vương như thế đều đến hội họp.

Lược giảng:

Lại có chư đại quỷ vương ở các cõi nước phương khác cùng thế giới Ta Bà... Vì sao nói là "lại có"? Bởi vì không phải chỉ có chư Bồ Tát cùng Thiên Long Bát Bộ như đã kể trên mà thôi, mà còn có rất đông đảo các vị từ các cõi nước phương khác cũng đến cung trời Ðao Lợi nữa.

"Các cõi nước phương khác" tức là các quốc độ, các cõi nước của chư Phật khác ở thế giới khác, chứ không phải là của thế giới Ta Bà.

"Ta Bà" là Phạn ngữ; Trung Hoa dịch là "kham nhẫn," ngụ ý rằng chúng sanh ở nơi này có thể nhẫn chịu sự thống khổ.

"Chư đại quỷ vương." Thông thường, người ta giảng chữ "chư" này là đồng nghĩa với chữ "đa," và có nghĩa là "nhiều"; nhưng tôi thì lại khác. Khác như thế nào ư? Theo tôi, chữ "chư" không đồng nghĩa với chữ "đa" mà là đồng nghĩa với chữ "thiểu," tức là "ít"; và "ít" tức là chỉ có "một" mà thôi!

Có người nghe thế thì bất bình, nói rằng: "Thầy lầm rồi! Theo tiếng Trung Hoa thì chữ 'chư' đồng nghĩa với chữ 'đa'; sao Thầy lại giảng thành chữ 'thiểu,' rồi rốt cuộc lại biến thành chữ 'nhất,' tức là 'một' được?"

Chính thế, tôi thích quy nạp tất cả về "một"; vì sao ư? Bởi vì tôi vốn rất dốt toán, số mục nhiều quá thì không thể nào nhớ nổi; vả lại, tôi thấy rằng "một" là dễ nhớ nhất, chứ sang đến "hai" là bắt đầu phải động não, nghĩ ngợi rồi! Quý vị nói chữ "chư" đồng nghĩa với chữ "đa," tức là "nhiều"; thế "nhiều" thì rốt cuộc là bao nhiêu? Chẳng có một con số cụ thể nào cả! Không có một con số đích xác thì rất rắc rối, cho nên tôi giảng thành "một" để đơn giản hóa vấn đề vậy. "Chư" chính là "nhất," mà "nhất" cũng là "chư"; "nhiều" tức là "một," mà "một" cũng chính là "nhiều." Cho nên, đây là điểm khác biệt của tôi trong vấn đề giảng Kinh.

Như vậy, "chư" đại quỷ vương thì tôi nói là "một" đại quỷ vương; thế thì đó là ám chỉ vị đại quỷ vương nào? Bây giờ tôi cứ giảng tới vị quỷ vương nào thì vị đó chính là "một" đại quỷ vương! Ở đây có Ác Mục Quỷ Vương, Nhiếp Ðộc Quỷ Vương, Từ Tâm Quỷ Vương, vân vân...; tôi sẽ đề cập tới từng quỷ vương một, chứ không gộp chung lại một cách lộn xộn.

Vì sao tôi lại giảng chữ "chư" này thành chữ "nhất"? Ðó là cách giảng "bất chấp lý lẽ" của tôi, và bây giờ tôi sẽ giải thích cho quý vị nghe; bởi vì nếu tôi không giải thích thì quý vị sẽ không "tâm phục, khẩu phục," và có thể còn ngờ rằng tôi giảng sai nữa. Thế nên, bây giờ tôi sẽ cắt nghĩa cho quý vị rõ.

Chúng ta nói về chữ "nhiều," vậy do đâu mà thành "nhiều"? Cái "nhiều" này là từ đâu đến? Thử truy tìm nguồn gốc của "nhiều," thì quý vị sẽ thấy rằng "nhiều" vốn từ nơi "một" mà ra; thậm chí cả "một" cũng không hiện hữu nữa. Vậy, "nhiều" vốn dĩ phát xuất từ "một." Quý vị hãy thử bắt đầu từ "một" mà tính lên, hễ quý vị nhớ được cái thứ nhất, thì có thể biết được cái thứ hai, lại có thể biết cái thứ ba...; cứ thế mà suy ra thì có thể nói rằng "một" là vô lượng, mà vô lượng rốt ráo cũng chỉ là "một." Ðó chính là cảnh giới:

Nhất bổn tán vi vạn thù,

Vạn thù nhưng quy nhất bổn.

(Một gốc phân tán thành muôn vàn,

Muôn vàn quy nạp về một gốc.)

Cho nên, chúng ta tu hành thì đều phải quy nạp về "một." Tu hành là "tu" cái gì? Chính là tu sửa cái tâm của mình. Tâm chúng ta cần phải như thế nào? Tâm cần phải chuyên nhất; chúng ta phải tu sao cho chỉ còn duy nhất "một" cái tâm mà thôi! Có câu:

Ðắc nhất vạn sự tất.

(Ðược "một" thì muôn việc đều xong.)

Nếu quý vị đạt được cái "một" này, thì mọi sự kể như hoàn tất, không còn việc gì nữa cả. Tu hành chính là tu cái "một" này, phải tập luyện sao cho ý niệm của mình trở nên chuyên nhất, chỉ còn có "một" mà thôi; bởi ý niệm có chuyên nhất thì trí huệ mới khai mở. Nếu niệm không chuyên nhất thì sao? Thì đó là "hướng ngoại trì cầu," tức là quý vị vẫn còn bôn ba tìm kiếm ở ngoài. Nếu quý vị có thể không khởi một niệm nào cả thì lại càng vi diệu hơn nữa; bởi:

Nhất niệm bất sanh toàn thể hiện,

Lục căn hốt động bị vân già.

(Một niệm chẳng sanh, toàn thể hiện,

Sáu căn chợt động, mây liền che.)

Mặc dù trong kinh văn kể ra nhiều quỷ thần như vậy, nhưng nếu quý vị có thể "nhất niệm bất sanh," thì sẽ không có ma quỷ nào cả. Thậm chí, chẳng những không có ma quỷ mà ngay cả một vị thần cũng không có nữa. Thật ra, chẳng những không có thần mà ngay cả một đức Phật, một vị Bồ Tát, cũng không có nữa - tất cả đều không hiện hữu! Tất cả đều "không" - đây mới là lúc mà tất cả đều thực sự hiện tiền! Bấy giờ, Ðức Phật hiện đến, Bồ Tát cũng đến, Thanh Văn, Duyên Giác, Bích Chi Ca La... tất cả đều hiện thân đến. Vì sao các ngài hiện đến? Bởi vì quý vị có thể "nhất niệm bất sanh"! Nếu quý vị vẫn còn khởi tâm động niệm thì các ngài sẽ không hiện đến. Ðiều vi diệu là ở điểm này và cũng chính là ở chữ "chư" này; cho nên, đây đích thật là thứ cảnh giới không thể nghĩ bàn.

Ở đây, quý vị đừng giải thích chữ "chư" này theo nghĩa "nhiều," mà hãy dùng theo nghĩa "một"; và rồi ngay cả "một" cũng không tồn tại. Như thế, "chư" đại quỷ vương tức là "một" đại quỷ vương; và rồi ngay cả một vị quỷ vương cũng không có nữa - tất cả đều cao bay xa chạy hết. Không còn quỷ vương thì thế giới này cũng không tồn tại. Thế giới này đã không tồn tại, thế thì quý vị còn gì để lo âu nữa? Chẳng lo chẳng buồn, không quái không ngại; lúc đó gọi là:

"Tánh tận văn tịch tham Thiên Ðịa."

Một khi quý vị đạt tới cảnh giới "tận nhân tánh, tận kỷ tánh, tận vật tánh," tức là không còn thấy có tánh người, tánh mình, và tánh của sự vật, thì lúc bấy giờ, quý vị chính là trời đất và trời đất chính là quý vị; đồng thời, quý vị là chư Phật và chư Phật chính là quý vị - không hai không khác. Nào có cái gì gọi là "bạn," là "tôi," hoặc là "hắn"? Nào có cái gì gọi là "tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả"? Không có gì cả! Tất cả đều không tồn tại, thế thì quý vị còn gì để phiền não nữa chứ? Bấy giờ, phiền não gì cũng đều tiêu tan cả - lúc đó thật là "thanh tịnh chí vô dư," trong sạch đến cực điểm; và quả thật là:

"Nhất niệm bất sanh toàn thể hiện,

Lục căn hốt động bị vân già."

Quý vị xem, cảnh giới này thật là "diệu bất khả ngôn," vi diệu đến chẳng thể nói hết được! Ðã "chẳng thể nói hết được," thế thì không cần phải nói, không cần phải giảng nữa sao? Vẫn cần phải giảng! Bởi vì tôi thích giảng và vẫn muốn tiếp tục giảng nữa! Bây giờ chúng ta nói về "chư đại quỷ vương." Các đại quỷ vương này rất hung ác, bởi vì là quỷ mà! Chân của loài quỷ rất dài; dài khoảng bao nhiêu ư?  - ! Tôi cũng không biết là dài bao nhiêu nữa, có lẽ độ chừng vài "trượng." Thật ra, ngay cả các học giả, các professors của Trung Hoa cũng chẳng biết nhiều về quỷ vì chân của loài quỷ quá dài, dài đến nỗi người ta không thể thấy được bọn chúng đang ở nơi đâu!

Theo tiếng Trung Hoa, chữ "quỷ" này đồng âm với chữ "quy," có nghĩa là "trở về." Người ta thường nói: "Chết tức là trở về." Về đâu? Về lại nơi mà mình đã phạm tội! "Quỷ" tức là "quy" - tức là trở về lại trong địa ngục; bởi loài quỷ cho rằng địa ngục là nhà của chúng, là nơi mà chúng phải quay về. Vì sao chúng nghĩ như vậy? Vì mê muội!

Bây giờ tôi lại giải thích chữ "quỷ" theo tiếng Anh. Theo Anh ngữ, "quỷ" tức là "ghost," và đồng âm với chữ "go" hoặc "goes" có nghĩa là "đi." Ði đâu và để làm gì? Loài quỷ cho rằng đi đây đi đó vui chơi là tuyệt nhất; nhưng thật ra, chúng đi đâu? Ði đến núi đao, rừng kiếm, chảo dầu! Suốt ngày cứ "go, goes, ghost"; rốt cuộc là "go" tới địa ngục, "go" tới cõi ngạ quỷ, "go" tới cõi súc sanh!

Như vậy, chữ "quỷ" giảng theo tiếng Trung Hoa thì ngụ ý là "quy" (quay về); còn giảng theo tiếng Anh thì ngụ ý là "go" (đi). Ðây là cách giải thích đơn giản của tôi.

Như Ác Mục Quỷ Vương (chúa quỷ mắt dữ). Loài quỷ này có chân rất dài, mắt thì chứa đầy vẻ hung ác đến nỗi vừa nhìn thấy mắt của chúng là người ta liền phát run cầm cập!

Ðạm Huyết Quỷ Vương (chúa quỷ uống máu). Loài quỷ này chuyên uống máu của chúng sanh; hễ nơi nào có máu là chúng đều tìm đến để uống.

Ðạm Tinh Khí Quỷ Vương (chúa quỷ hút tinh khí); tiếng Phạn gọi là "Tỳ Xá Già." Trong Chú Lăng Nghiêm có nhắc tới "Tỳ Xá Già," đó chính là Ðạm Tinh Khí Quỷ Vương này vậy. Loài quỷ này chỉ thích hút lấy tinh khí của con người và tinh túy của ngũ cốc. Tinh khí của loài người chúng ta vì sao vô hình trung bị suy kém? Chính là vì bị loài quỷ này hút mất vậy.

Ðạm Thai Noãn Quỷ Vương (chúa quỷ ăn thai noãn). Loài quỷ này chuyên ăn những thai nhi chưa thành hình. Khi có các trường hợp như sẩy thai, đẻ non, thai nhi chết trong bụng mẹ xảy ra, thì lúc nhau thai rơi xuống là loài quỷ này liền chụp lấy để ăn. "Noãn" tức là trứng; loài quỷ này cũng ăn cả trứng nữa, như trứng gà chẳng hạn.

Tại sao bị làm loài quỷ này? Ðó là bởi đời trước, loài quỷ này vốn là những kẻ thích việc sát sanh; và thịt của những thú vật mà họ giết được thì đừng nói gì người khác, ngay cả vợ của họ mà họ cũng không cho ăn nữa! Chẳng những không cho thịt con vật, mà luôn cả huyết của nó họ cũng không chia cho ai cả. Họ tự sát sanh, rồi một mình ăn, một mình uống. Ngay cả vợ của họ mà họ còn không chia xẻ cho, huống hồ là người khác! Ðối với người khác thì họ lại càng cho không đành nữa! Ðiều này thể hiện thói keo kiệt, bỏn sẻn của họ. Cho nên, sau khi chết, họ phải làm loài quỷ ăn thai noãn, chỉ ăn toàn đồ dơ; đó là do thói tham lam, keo kiệt từ đời trước mà ra.

Hành Bệnh Quỷ Vương (chúa quỷ gây bệnh tật). Loài quỷ này đi đến đâu là gieo rắc các bệnh dịch, bệnh truyền nhiễm đến đó - chúng đem mầm bệnh đến khắp nơi.

Nhiếp Ðộc Quỷ Vương (chúa quỷ hút khí độc). Ðây là một loài quỷ tốt bụng, chứ không phải độc ác, hại người. Nếu quý vị bị nhiễm phải khí độc, loài quỷ này có thể giúp quý vị hút chất độc ra, bởi chúng là loài quỷ cứu người. Nhiếp Ðộc Quỷ Vương chính là hóa thân của Bồ Tát, thị hiện đến để cứu độ chứ không phải để đầu độc chúng sanh. Bất luận là ai bị trúng độc, Nhiếp Ðộc Quỷ Vương đều có thể hút chất độc ra để giải cứu cho người ấy - đây là một vị quỷ vương tốt bụng, có lòng hảo tâm.

Từ Tâm Quỷ Vương (chúa quỷ có lòng nhân từ). Vị quỷ vương này thì đầy lòng từ bi. Tuy rằng làm quỷ, song mục đích của Từ Tâm Quỷ Vương là muốn lọt vào cõi giới của quỷ để dễ bề cứu độ và khiến cho loài quỷ phát Bồ Ðề tâm.

Phước Lợi Quỷ Vương (chúa quỷ làm phúc lợi). Vị quỷ vương này chính là vị Thần Tài giúp tăng phước, ban tài lộc.

Ngoài ra, còn có vị quỷ vương tên là Ðại Ái Kính Quỷ Vương (chúa quỷ đại ái kính).

Các quỷ vương như thế đều đến hội họp. Tất cả các quỷ vương kể trên đều hớn hở đến cung trời Ðao Lợi để nghe Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết Kinh Ðịa Tạng.


Picture

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét