Phẩm Thứ Mười Hai: Thấy, Nghe Đều Được Lợi ích

 Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện


Giảng giải: Vạn Phật Thánh Thành, Tuyên Hóa Thượng Nhân.

 Phẩm Thứ 12:
THẤY, NGHE ĐỀU ĐƯỢC LỢI ÍCH

“Thấy” là mắt trông thấy, “nghe” là tai nghe thấy. Trông thấy và nghe thấy đều được lợi ích. Trông thấy cái gì mà được lợi ích? Nghe thấy cái gì mà được lợi ích? Trông thấy hình tượng của Địa Tạng Vương Bồ Tát, trông thấy quyển Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, thì đều được lợi ích. Cho dù chúng ta không trông thấy mà chỉ nghe đến danh hiệu của Bồ Tát Địa Tạng và nghe đến Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện thì cũng đều được lợi ích. Vậy, đây là phẩm thứ mười hai, “Thấy, Nghe Đều Được Lợi Ích.”

Kinh văn:
Lúc đó, từ trên đảnh môn Đức Thế Tôn phóng ra cả trăm ngàn vạn ức tướng tia sáng lớn.
Lược giảng:
Lúc đó—lúc Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói chuyện với Kiên Lao Địa Thần và căn dặn Địa Thần hãy ủng hộ các chúng sanh trong đời vị lai xong—từ trên đảnh môn Đức Thế Tôn phóng ra cả trăm ngàn vạn ức tướng tia sáng lớn.
“Đảnh môn” (cửa đỉnh đầu) nằm ở đâu? Ở ngay trên đỉnh đầu. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có tướng “vô kiến đảnh” (tướng đỉnh đầu không thấy được) chính là ở “đảnh môn” này vậy.

Chúng ta mỗi người đều có “đảnh môn.” Nếu quý vị tinh tấn dụng công, chân chánh có công phu tu hành, thì khi chết, Phật tánh của quý vị sẽ từ “đảnh môn” ở trên đỉnh đầu mà đi ra, và sau đó quý vị có thể đến bất cứ nơi nào mình muốn. Tuy nhiên, quý vị cần phải chăm chỉ tu hành, nỗ lực dụng công cho thật tốt mới được; chứ dụng công hời hợt thì không thể nào có được cảnh giới đó.

Vậy, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ trên đỉnh đầu của mình phóng ra hàng trăm ngàn vạn ức tia sáng lớn—trăm ngàn vạn ức tia sáng này đều hỗ tương soi chiếu, chẳng hề ngăn ngại nhau. Ánh sáng này không phải là từ một đạo hào quang mà là từ cả trăm ngàn vạn ức đạo hào quang tỏa ra; và ánh sáng này cũng không phải chỉ có một màu mà có tới hàng trăm ngàn vạn ức màu sắc khác nhau. Đức Phật phóng ra tướng hào quang rộng lớn, và hào quang này soi chiếu đến hết thảy chúng sanh trong chín Pháp Giới (tuy rằng Phật cũng là chúng sanh song không nằm trong chín Pháp Giới). Những đạo hào quang rộng lớn này không chỉ soi sáng một thế giới, mà còn chiếu dọi đến hàng trăm ngàn vạn ức thế giới và khắp các cõi nước của chư Phật trong mười phương. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dùng hào quang của mình soi sáng, chiếu dọi khắp tất cả các quốc độ của chư Phật.

Đức Phật thị hiện tướng hào quang rộng lớn này cũng là để cho chúng sanh chúng ta biết rằng Kinh Địa Tạng là đặc biệt quan trọng, mọi người đều phải dốc lòng dốc sức mà giảng giải, biên chép, ấn hành để phổ biến. Chúng ta cần phải giảng giải Kinh Địa Tạng, in chép Kinh Địa Tạng, phổ biến Kinh Địa Tạng. Chúng ta phải làm sao cho đồng loại, thân thích, bạn bè của chúng ta đều hiểu rõ Kinh Địa Tạng. Chúng ta không được xao lãng việc phổ biến kinh điển. Nếu quý vị có thể góp phần in kinh điển, truyền bá kinh điển rộng rãi, thì trí huệ của quý vị sẽ được khai mở và tăng trưởng.

Hôm nay tôi có nói chuyện với hai đệ tử của tôi và bảo họ rằng chúng ta sẽ cố gắng hoàn tất việc duyệt sửa và nhuận sắc bản thảo chú giải Kinh Địa Tạng và Lục Tổ Đàn Kinh, để khi sang Đài Loan thọ Giới họ có thể mang theo rồi đặt in cùng xuất bản ở bên đó. Ở phương Tây này thì kinh sách có chú giải bằng tiếng Anh quá hiếm hoi. Ví như mùa màng bị hạn hán đang khát khao mong đợi trận mưa rào tưới mát, chúng ta hãy mau mau ấn loát kinh sách và phát hành rộng rãi để cho mọi người đều được thông hiểu, thấm nhuần Phật Pháp. Đây là một phần của công cuộc hoằng dương Phật Pháp, và cũng là một công trình hết sức thiết yếu trong việc chuyển Đại Pháp Luân.

Vì sao tôi hy vọng có thể đem bộ Kinh Địa Tạng và Lục Tổ Đàn Kinh phiên dịch sang tiếng Anh rồi ấn hành tại Đài Loan? Bởi vì chi phí ấn loát ở Đài Loan rất rẻ! Chuyến đi lần này (1969) của quý vị là để thọ Giới, đồng thời cũng là làm việc công đức. Đây là cơ hội để hoằng dương Phật Pháp, cho nên, ai nấy đều tuyệt đối không được lơ đễnh!

Kinh văn:
Như là: Tia sáng tướng màu trắng, tia sáng tướng màu trắng lớn; tia sáng tướng tốt lành, tia sáng tướng tốt lành lớn; tia sáng tướng ngọc, tia sáng tướng ngọc lớn; tia sáng tướng màu tía, tia sáng tướng màu tía lớn; tia sáng tướng màu xanh, tia sáng tướng màu xanh lớn; tia sáng tướng màu xanh biếc, tia sáng tướng màu xanh biếc lớn; tia sáng tướng màu đỏ, tia sáng tướng màu đỏ lớn; tia sáng tướng màu lục, tia sáng tướng màu lục lớn; tia sáng tướng màu vàng y, tia sáng tướng màu vàng y lớn; tia sáng tướng mây lành, tia sáng tướng mây lành lớn; tia sáng ngàn vòng tròn, tia sáng ngàn vòng tròn lớn; tia sáng vòng tròn báu, tia sáng vòng tròn báu lớn; tia sáng vầng mặt trời, tia sáng vầng mặt trời lớn; tia sáng vầng mặt trăng, tia sáng vầng mặt trăng lớn; tia sáng cung điện, tia sáng cung điện lớn; tia sáng mây biển, tia sáng mây biển lớn.

Từ trên đảnh môn phóng ra những tướng tia sáng như thế xong, lại nói ra tiếng vi diệu mà bảo đại chúng, Thiên Long Bát Bộ, nhân cùng phi nhân v.v... rằng: “Hãy lắng nghe hôm nay Ta, tại cung trời Đao Lợi, tuyên bày ngợi khen Bồ Tát Địa Tạng về những sự lợi ích trong hàng trời, người, những sự không thể nghĩ bàn, những sự siêu vượt nhân Thánh, những sự chứng quả Thập Địa, những sự rốt ráo không thối chuyển nơi A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.”
Lược giảng:
Vậy, lúc bấy giờ từ trên đỉnh đầu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni phóng ra những tia sáng như là: 1) tia sáng tướng màu trắng, tia sáng tướng màu trắng lớn.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni phóng hào quang màu trắng soi sáng tất cả những nơi tối tăm; ngụ ý rằng Bồ Tát Địa Tạng và Kinh Địa Tạng có thể chiếu dọi, xua tan mọi hắc ám tăm tối của thế gian.

2) Tia sáng tướng tốt lành, tia sáng tướng tốt lành lớn.

3) Tia sáng tướng ngọc, tia sáng tướng ngọc lớn. Có loại hào quang trông giống như ngọc thạch vậy.

4) Tia sáng tướng màu tía, tia sáng tướng màu tía lớn.

5) Tia sáng tướng màu xanh, tia sáng tướng màu xanh lớn. Lại có những đạo hào quang màu xanh, và nhiều hào quang lớn cũng có màu xanh như thế nữa.

6) Tia sáng tướng màu xanh biếc, tia sáng tướng màu xanh biếc lớn.

7) Tia sáng tướng màu đỏ, tia sáng tướng màu đỏ lớn.

8) Tia sáng tướng màu lục, tia sáng tướng màu lục lớn.

9) Tia sáng tướng màu vàng y, tia sáng tướng màu vàng y lớn. Lại có tia sáng có màu vàng như vàng ròng vậy.

10) Tia sáng tướng mây lành, tia sáng tướng mây lành lớn.

11) Tia sáng ngàn vòng tròn, tia sáng ngàn vòng tròn lớn. Bàn chân của Đức Phật có tướng “thiên bức luân” (chỉ dưới bàn chân có ngàn cái xoay tròn); và đạo hào quang này trông giống như cả ngàn cái vòng xoáy tròn ở trong vậy.

12) Tia sáng vòng tròn báu, tia sáng vòng tròn báu lớn. Lại có hào quang hình tròn và sáng lấp lánh như châu báu tạo thành.

13) Tia sáng vầng mặt trời, tia sáng vầng mặt trời lớn. Lại có những đạo hào quang rực rỡ như ánh sáng của cả trăm ngàn vầng mặt trời.

14) Tia sáng vầng mặt trăng, tia sáng vầng mặt trăng lớn. Lại có đạo hào quang tỏa ra ánh sáng như của mặt trăng.

15) Tia sáng cung điện, tia sáng cung điện lớn. Trong đạo hào quang này hiện ra nhiều cung điện làm bằng bảy thứ báu rất trang nghiêm.

16) Tia sáng mây biển, tia sáng mây biển lớn. Lại có những đạo hào quang trông giống như đám mây vọt lên từ mặt biển.

Hôm qua có người hỏi rằng: “Hào tướng là gì?” “Hào tướng” cũng chính là “quang tướng,” tức là tướng ánh sáng, là tia sáng tỏa ra từ trong thân của Đức Phật. Vậy, “hào” là hào quang; “hào tướng quang” là tướng của tia sáng—tia sáng biến hóa ở trong tia sáng.

Bấy giờ, sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ trên đảnh môn phóng ra những tướng tia sáng như thế xong, lại nói ra tiếng vi diệu. Đức Phật có Tứ Biện, Bát Âm. “Tứ Biện” là gì? Đó là Tứ Vô Ngại Biện, tức là bốn khả năng biện luận lưu loát, không hề gặp trở ngại; và gồm có: Biện luận Nghĩa không trở ngại Biện luận Pháp không trở ngại, Biện luận Từ không trở ngại, và Biện luận Vui Thuyết không trở ngại (Nghĩa vô ngại biện, Pháp vô ngại biện, Từ vô ngại biện, và Nhạo thuyết vô ngại biện).

1) Biện luận Nghĩa không trở ngại (Nghĩa Vô Ngại Biện – giải bày nghĩa lý một cách trôi chảy, không trở ngại). “Nghĩa” là nghĩa lý, ý tứ. Ví như xưa nay chưa có nghĩa lý, nhưng khi Đức Phật vừa thuyết pháp thì nghĩa lý, ý tứ tuôn trào vô cùng vô tận.

2) Biện luận Pháp không trở ngại (Pháp Vô Ngại Biện – giảng nói pháp lý một cách trôi chảy, không trở ngại). Xưa nay chỉ có một thứ giáo pháp, nhưng Đức Phật từ trong một giáo pháp làm nảy sanh ra vô lượng vô biên pháp, và từ vô lượng vô biên pháp lại quy nạp về thành một pháp. Cho nên nói:

Một gốc chia làm muôn thứ,

Muôn thứ vẫn về cùng một gốc.

(Nhất bổn tán vi vạn thù,

Vạn thù nhưng quy nhất bổn.)

Từ một gốc mà biến thành muôn dạng, từ muôn dạng mà gom về thành một pháp; cho nên cũng nói là:

Một là vô lượng, vô lượng là một.

(Nhất vi vô lượng, vô lượng vi nhất.)

3) Biện luận Từ không trở ngại (Từ Vô Ngại Biện - giảng nói lưu loát, không trở ngại về ngôn từ). “Từ” tức là ngôn từ. Có nhiều người muốn nói về một vấn đề gì đó nhưng chỉ mới nói có mấy câu thì đã cạn lời hết ý, không đủ ngôn từ để diễn đạt. Đức Phật khi giảng đạo lý thì có thể nói thao thao bất tuyệt, miên man bất tận, như nước sông nước biển tuôn chảy không ngừng.

4) Biện luận Vui Thuyết không trở ngại (Nhạo Thuyết Vô Ngại Biện - hoan hỷ thuyết pháp, không trở ngại). “Nhạo thuyết” là vui thích việc giảng kinh thuyết pháp, rất hoan hỷ nói pháp để giáo hóa chúng sanh, mỗi khi nói pháp là trong lòng thấy hân hoan, vui vẻ.

Đó là nói về Tứ Biện; còn Bát Âm (tám thứ tiếng) là gì? Trước đây tôi cũng đã nhiều lần giảng về Tứ Vô Ngại Biện, nhưng chưa hề nói tới Bát Âm. Mặc dù chưa giảng tới nhưng những người chịu khó dụng công có lẽ đều biết cả rồi. Đức Phật có tám thứ âm thanh dùng để thuyết pháp:

1) Tiếng tối hảo (tiếng tốt nhất). Loại âm thanh thứ nhất của Phật là như thế nào? Đó là loại âm thanh hay nhất, tốt nhất, tốt đến cực điểm, và cũng gọi là “cực hảo âm.” Giọng nói của Phật thì càng nghe càng thấy thích thú, càng muốn lắng nghe; chứ chẳng phải như nhiều người nói nghe rền rĩ như tiếng kéo cưa vậy. Giọng nói của Phật thì trong trẻo, thánh thót.

2) Tiếng nhu nhuyễn (tiếng êm dịu). Giọng nói của Phật âm vang êm tai như tiếng nước chảy dịu dàng, uyển chuyển.

3) Tiếng hòa thích (tiếng thích hợp). “Thích” là thích hợp, vừa đúng. Thứ âm thanh này rất ôn nhu, mềm mỏng, hài hòa; người nào đã được nghe rồi thì chẳng còn ao ước nghe tiếng gì khác nữa.

4) Tiếng tôn huệ (tiếng tôn kính, trí huệ). Âm thanh của Phật rất tôn quý. Đừng nói là nghe rõ từng lời từng chữ, chỉ cần nghe được âm vang tiếng nói của Phật thì chúng ta cũng có được vô lượng trí huệ rồi.

5) Tiếng bất âm (tiếng chẳng có âm tính). Có nhiều người giọng nói mang đầy âm tính, tức là giọng nói như phái nữ, thường là the thé hoặc uốn éo, nũng nịu. Giọng của Phật thì không phải là giọng âm.

6) Tiếng bất ngu (tiếng chẳng đùa giỡn). Cho dù là khi nói chuyện vui, giọng nói của Phật khiến người nghe cảm thấy vô cùng chánh đáng, đúng đắn, không đượm vẻ giỡn hớt đùa cợt.

7) Tiếng thâm viễn (tiếng vang sâu và xa). Âm vang tiếng nói của Đức Phật vọng đi rất xa, đến nỗi không thể biết rõ là sâu lắng bao nhiêu và truyền đi bao xa. Có một lần nọ, Tôn Giả Mục Kiền Liên dùng thần thông đi về hướng vô lượng ức cõi Phật ở phương Đông. Ngài cứ dõi theo tiếng nói của Đức Phật mà đi, đi, đi mãi, để xem thử đến bao xa thì không còn nghe thấy nữa. Song, Ngài vượt qua vô lượng cõi Phật mà tiếng nói của Đức Phật vẫn cứ sang sảng bên tai. Thần thông quảng đại như Tôn Giả Mục Kiền Liên mà cũng không thể tìm thấu nơi dứt bặt âm thanh của Đức Phật!

8) Tiếng bất kiệt. “Bất kiệt” tức là không bao giờ hết, chẳng hề cùng kiệt. Âm thanh tiếng nói của Đức Phật thì liên tiếp miên mật, không bao giờ bị gián đoạn hoặc ngưng bặt.

Vậy, Đức Phật dùng tám loại âm thanh này để thuyết pháp. Tám loại âm thanh này, có lúc thì một người có thể nghe được một loại, hoặc hai, ba, bốn, năm loại; song cũng có lúc một người chỉ nghe được một loại—người này nghe được tiếng thâm viễn, người kia nghe được tiếng nhu hòa ...—đó là bởi căn tánh của mỗi người vốn bất đồng nên cái nghe cũng khác nhau. Tám loại âm thanh này đều được gọi là “vi diệu âm.” Quý vị hãy học và ghi nhớ tám loại âm thanh này để về sau có thể thuyết giảng lại cho người khác.

Vậy, lúc bấy giờ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ trên đảnh môn phóng ra những luồng hào quang rực rỡ chiếu sáng như thế xong, lại thốt ra thứ tiếng rất vi diệu mà bảo đại chúng, Thiên Long Bát Bộ, nhân cùng phi nhân v.v... hiện đang có mặt tại Đao Lợi thiên cung rằng: “Hãy lắng nghe hôm nay Ta, tại cung trời Đao Lợi, tuyên bày ngợi khen Bồ Tát Địa Tạng về những sự lợi ích trong hàng trời, người, những sự không thể nghĩ bàn, những sự siêu vượt nhân Thánh, những sự chứng quả Thập Địa, những sự rốt ráo không thối chuyển nơi A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.”

“Bát bộ” tức là tám bộ chúng quỷ thần—trời, rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Ca-lâu-la.

“Siêu vượt” tức là vượt quá, vượt lên trên. “Nhân Thánh,” thì như lúc trước đã giảng, quý vị đến đây để nghe giảng kinh, ngồi Thiền, học Phật Pháp—như thế đều là trồng nhân Thánh. “Siêu vượt” tức là “sự bán công bội,” có nghĩa là bỏ công sức rất ít mà lại thành được việc lớn. Ví dụ, quý vị ngồi Thiền lẽ ra thì phải mất một năm mới được tỏ ngộ, song kết quả lại chỉ nội trong hai ngày là được khai ngộ rồi, hết sức mau chóng—đó gọi là “những việc siêu vượt nhân Thánh.”

“Chứng quả Thập Địa”—“chứng” là chứng đắc; “Thập Địa” là quả vị của hàng Bồ Tát. Thập Trụ, Thập Hạnh và Thập Hồi Hướng được gọi chung là “Tam Hiền Vị,” tức là quả vị của Tam Hiền. Quả vị của Bồ Tát Thập Địa gồm có:

1) Hoan Hỷ Địa. “Hoan hỷ” là vô cùng vui vẻ, lúc nào cũng vui tươi hớn hở, không bao giờ khóc lóc rầu rĩ. Những bậc Bồ Tát đạt đến cảnh giới này rồi thì không khóc nữa, dù có bị mắng chửi, đánh đập hoặc đối xử thế nào họ cũng đều hoan hỷ. Quý vị nói họ không tốt họ cũng hoan hỷ; mắng chửi họ, họ cũng hoan hỷ; ngược đãi họ như thế nào thì họ cũng đều hoan hỷ cả. Vậy, đây gọi là “sơ địa,” tức là địa thứ nhất.

2) Ly Cấu Địa. “Ly” là xa lìa, tách rời; “cấu” là nhiễm ô, dơ bẩn. Vậy, “ly cấu” tức là xa lìa pháp nhiễm ô, đạt được sự thanh tịnh.

3) Phát Quang Địa. Nhờ “hoan hỷ” nên được “ly cấu” (xa lìa mọi nhiễm ô); mà “ly cấu” rồi thì sẽ “phát quang,” tỏa ánh sáng. Có nhiễm ô thì không thể phát hào quang, phải xa lìa nhiễm ô thì mới có hào quang. Thế nào gọi là “nhiễm ô”? Đó chính là những tư tưởng, những tâm niệm không trong sạch; lòng còn tham hưởng thụ, muốn sự sung sướng cho bản thân—nói chung là dục vọng tràn trề. Nếu lòng đầy dục vọng, đặc biệt là sắc dục, thì đó gọi là có nhiễm ô và không thể nào đạt tới cảnh giới của “ly cấu địa”; hễ không “ly cấu” thì không thể phát hào quang được. Vậy, bậc Bồ Tát ở địa vị này nhờ đã “ly cấu” rồi cho nên được “phát quang.”

4) Diễm Huệ Địa. Đây là cảnh giới sanh xuất trí huệ, thứ trí huệ tương tự như ngọn lửa bùng cháy phừng phực, vô cùng lớn mạnh. Bậc Bồ Tát nhờ đã “phát quang” nên mới có được trí huệ như thế. Vậy, quả vị thứ tư là Diễm Huệ Địa.

5) Nan Thắng Địa. Không ai có thể hơn được những bậc Bồ Tát ở địa vị này về bất cứ điều gì. Nhờ trí huệ của họ hiện tiền, bất luận người nào biện luận với họ, mọi thứ thần thông biến hóa, thảy đều không thắng được họ.

6) Hiện Tiền Địa. Cái gì “hiện tiền”? Tất cả trí huệ quang minh đều hiện tiền.

7) Viễn Hành Địa. “Viễn hành” là đi xa, rất xa.

8) Bất Động Địa. Có câu: “Bất động đạo tràng nhi hóa thập phương chúng sanh” (đạo tràng không chuyển dịch mà hóa độ khắp chúng sanh trong mười phương). Bậc Bồ Tát tuy hóa độ mười phương chúng sanh, song các ngài vẫn “bất động”; tuy rằng “bất động” song bậc Bồ Tát vẫn có thể giáo hóa hết thảy chúng sanh.

9) Thiện Huệ Địa. “Thiện huệ” tức là trí huệ thiện lành.

10) Pháp Vân Địa. Giáo pháp này tương tự như áng mây.

Trên đây là y cứ theo từ ngữ mà giảng sơ lược về ý nghĩa của Thập Địa. Nếu quý vị muốn biết tường tận về “Tam Hiền Thập Thánh” (“Thập Địa” cũng gọi là “Thập Thánh”), thì nên nghiên cứu Kinh Lăng Nghiêm bởi trong đó có giảng về Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng và Thập Địa rất cặn kẽ.

Vậy, ở đây nói “những sự chứng quả Thập Địa” tức là việc Bồ Tát Địa Tạng chứng đắc quả vị Thập Địa.

“Những sự rốt ráo không thối chuyển” có nghĩa là dứt khoát không chịu chùn bước, rút lui. Có bao nhiêu loại “không thối chuyển” (bất thối)? Có ba loại; đó là:

1) Quả vị không thối chuyển (Vị bất thối). Không lùi sụt xuống quả vị của hàng Nhị Thừa.

2 Hạnh tu không thối chuyển (Hạnh bất thối). Không lùi sụt xuống hạnh của hàng phàm phu.

3) Tâm niệm không thối chuyển (Niệm bất thối). Tâm nguyện Bồ Tát không lùi sụt, luôn luôn hành trì giáo pháp Đại Thừa.

Ba điều không thối chuyển -  Quả vị không thối chuyển, hạnh tu không thối chuyển, tâm niệm không thối chuyển về —là ba điều không thối chuyển nơi cái gì? Đó chính là những sự “không thối chuyển nơi A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.”

“A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề” là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là “Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.” Sự giác ngộ của hàng Nhị Thừa thì khác với hạng phàm phu; tuy nhiên, mặc dù hàng Nhị Thừa được giác ngộ rồi song họ vẫn chưa đạt được sự “chánh đẳng.” “Chánh đẳng” là thế nào? “Chánh đẳng” chính là Bồ Tát; Bồ Tát là “chánh đẳng” đối với Phật. Tuy rằng “chánh đẳng” đối với Phật và không đồng với hàng Nhị Thừa, nhưng bậc Bồ Tát vẫn chưa đạt đến địa vị “vô thượng”—duy chỉ có Phật mới được tôn xưng là “Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”!

“Vô thượng” với Bồ Tát cũng không đồng; cho nên gọi “Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác” chính là quả vị của Phật. Địa Tạng Vương Bồ Tát hiện tại tuy chưa thành Phật, song quả vị của Ngài cũng giống như Phật vậy; do đó mà ở đây Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói rằng muốn tuyên thuyết về nhân duyên Bồ Tát Địa Tạng đắc được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Kinh văn:
Nói lời ấy xong, trong Pháp Hội có một vị Bồ Tát Ma Ha Tát hiệu là Quán Thế Âm từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối chắp tay mà bạch cùng Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát đây đầy đủ đức đại từ bi, thương xót chúng sanh mắc tội khổ. Bồ Tát ở trong ngàn vạn ức thế giới hóa hiện ra ngàn vạn ức thân, tất cả công đức cùng sức oai thần chẳng thể nghĩ bàn.

Con được nghe Đức Thế Tôn cùng vô lượng chư Phật trong mười phương, khác miệng đồng lời ngợi khen Bồ Tát Địa Tạng rằng dầu cho chư Phật trong thuở quá khứ, hiện tại và vị lai đều tuyên nói về công đức đó, vẫn chẳng thể nói hết được.

Vừa rồi lại được Đức Thế Tôn bảo khắp đại chúng rằng muốn tuyên nói các sự lợi ích của Bồ Tát Địa Tạng. Cúi mong Đức Thế Tôn, vì tất cả chúng sanh ở hiện tại và vị lai, mà tuyên nói những sự chẳng thể nghĩ bàn của Bồ Tát Địa Tạng, khiến cho Thiên Long Bát Bộ chiêm lễ được phước.”

Lược giảng:
Lúc Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói lời ấy xong, trong Pháp Hội có một vị Bồ Tát Ma Ha Tát hiệu là Quán Thế Âm...

Đây không phải là một vị Bồ Tát tầm thường mà là một vị Đại Bồ Tát và tên của Ngài là Quán Thế Âm—Đại Bồ Tát Quán Thế Âm. “Quán” là “trí năng quán,” cái trí huệ có khả năng quán xét; “thế âm” là “cảnh sở quán,” tức là cảnh giới được quán xét. Quán Thế Âm Bồ Tát dùng trí huệ từ bi của Ngài để dõi tìm những tiếng kêu gào của hết thảy chúng sanh đang chịu thống khổ trong khắp mười phương thế giới—Ngài luôn bận rộn “tầm thanh cứu khổ.”

Vậy, lúc bấy giờ, Đại Bồ Tát Quán Thế Âm từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối—gối phải chạm đất—chắp tay mà bạch cùng Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát đây đầy đủ đức đại từ bi, thương xót chúng sanh mắc tội khổ. Bồ Tát ở trong ngàn vạn ức thế giới hóa hiện ra ngàn vạn ức thân, tất cả công đức cùng sức oai thần chẳng thể nghĩ bàn.”

Quán Thế Âm Bố Tát bạch tiếp: “Bạch Đức Thế Tôn! Con được nghe Đức Thế Tôn cùng vô lượng chư Phật trong mười phương, khác miệng đồng lời ngợi khen Bồ Tát Địa Tạng rằng ...”

Tuy rằng khác miệng song lời nói thì tương đồng, ai nấy đều nói cùng một lời như nhau—chư Phật trong mười phương đều cùng một lời khen ngợi Bồ Tát Địa Tạng. Ở đây còn một hàm ý nữa là vào thuở quá khứ, Bồ Tát Quán Thế Âm đã từng được nghe vô lượng chư Phật trong mười phương khen ngợi Bồ Tát Địa Tạng; tuy rằng các ngài không phải nói cùng một lúc song đều nói một lời giống nhau—chư Phật đều nói rằng Bồ Tát Địa Tạng có trí huệ thần thông chẳng thể nghĩ bàn!

“Dầu cho chư Phật trong thuở quá khứ, hiện tại và vị lai đều tuyên nói về công đức đó, vẫn chẳng thể nói hết được.” Giả sử tất cả chư Phật—chư Phật đời quá khứ, chư Phật đời hiện tại, chư Phật đời vị lai—hết thảy chư Phật trong mười phương ba đời đều nói về công đức của Bồ Tát Địa Tạng, thì vẫn không thể nào nói cho hết được.

Quán Thế Âm Bồ Tát bạch tiếp: “Vừa rồi lại được Đức Thế Tôn bảo khắp đại chúng rằng muốn tuyên nói các sự lợi ích của Bồ Tát Địa Tạng. Cúi mong Đức Thế Tôn vì tất cả chúng sanh ở hiện tại và vị lai, mà tuyên nói những sự chẳng thể nghĩ bàn của Bồ Tát Địa Tạng.”

Quán Thế Âm Bồ Tát thỉnh cầu Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tuyên nói về công đức trí huệ bất khả tư nghì của Bồ Tát Địa Tạng nhằm “khiến cho Thiên Long Bát Bộ chiêm lễ được phước.” Công đức chiêm ngưỡng cùng đảnh lễ chư Phật và Bồ Tát vốn vô lượng vô biên, nếu giảng cặn kẽ thì khó mà giảng cho hết được. Bây giờ chỉ nói sơ lược về năm loại công đức tiêu biểu từ sự lễ bái chư Phật và Bồ Tát:

1) Tướng mạo đoan chánh, viên mãn; ai gặp cũng sanh lòng ái kính và có thiện cảm.

2) Giọng nói vi diệu, trong trẻo, âm vang như tiếng chuông đồng.

3) Giàu có, sở hữu nhiều của cải, châu báu.

4) Sanh trưởng trong những gia đình cao sang quyền quý, có địa vị, có đức hạnh.

5) Được sanh lên các cõi trời.

Trên đây là năm loại công đức có được nhờ chiêm ngưỡng và lễ bái chư Phật cùng chư Bồ Tát.

Kinh văn:
Đức Phật bảo Bồ Tát Quán Thế Âm: “Ông có đại nhân duyên với thế giới Ta Bà. Nếu hàng trời hoặc rồng, hoặc kẻ nam người nữ, hoặc thần hoặc quỷ, cho đến các chúng sanh tội khổ trong Lục Đạo nghe danh hiệu của ông, thấy hình tượng của ông, mến tưởng đến ông, khen ngợi ông, thì những chúng sanh ấy đều ở nơi Đạo Vô Thượng quyết chẳng còn thối chuyển, thường được sanh vào cõi người, cõi trời, hưởng đủ sự vui vi diệu; khi nhân quả sắp thành thục liền được gặp Phật thọ ký cho.

Nay ông sẵn lòng đại từ bi, thương xót các chúng sanh cùng Thiên Long Bát Bộ, mà muốn nghe Ta tuyên nói những sự lợi ích chẳng thể nghĩ bàn của Bồ Tát Địa Tạng. Ông hãy lắng nghe, nay Ta sẽ nói rõ.”

Ngài Quán Thế Âm bạch rằng: “Vâng, bạch Đức Thế Tôn! Con xin ưa muốn nghe.”

Lược giảng:
Đức Phật bảo Bồ Tát Quán Thế Âm: “Ông có đại nhân duyên với thế giới Ta Bà. Đối với cõi khổ kham nhẫn ở Nam Diêm Phù Đề này, ông có nhân duyên đặc biệt sâu dày. Nếu hàng trời hoặc rồng, hoặc kẻ nam người nữ, hoặc thần hoặc quỷ, cho đến các chúng sanh tội khổ trong Lục Đạo—trời, người, A-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh—nghe danh hiệu của ông—Quán Thế Âm Bồ Tát—thấy hình tượng của ông—bao gồm tất cả mọi hình tượng bằng đất, vàng, gỗ, đá, cho đến tranh vẽ ...—mến tưởng đến ông, khen ngợi ông, thì những chúng sanh ấy đều ở nơi Đạo Vô Thượng quyết chẳng còn thối chuyển, thường được sanh vào cõi người, cõi trời, hưởng đủ sự vui vi diệu; khi nhân quả sắp thành thục, liền được gặp Phật thọ ký cho. Đến lúc cái nhân mà họ đã gieo được kết thành quả, chín muồi, thì họ đều sẽ được gặp Phật và được Phật thọ ký, tương lai họ đều có thể thành Phật.”

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói tiếp: “Nay ông sẵn lòng đại từ bi, thương xót các chúng sanh cùng Thiên Long Bát Bộ, mà muốn nghe Ta tuyên nói những sự lợi ích chẳng thể nghĩ bàn của Bồ Tát Địa Tạng. Bây giờ ông lại phát lòng từ bi hết sức vĩ đại, từ bi thương xót tất cả chúng sanh cùng trời, rồng và tám bộ quỷ thần. Vậy, nay ông hãy lắng nghe Ta nói về cảnh giới không thể nghĩ bàn của Bồ Tát Địa Tạng, những việc lợi ích cho nhân, thiên, cùng chúng sanh trong Lục Đạo. Ông hãy lắng nghe! Ông nên đặc biệt chăm chú lắng nghe, nay Ta sẽ nói rõ.”

Bấy giờ, Ngài Quán Thế Âm bạch rằng: “Vâng, bạch Đức Thế Tôn! Con xin ưa muốn nghe". Con thỉnh cầu Đức Thế Tôn vì chúng con mà giảng nói. Toàn thể đại chúng chúng con trong Pháp Hội này đều khao khát được nghe về cảnh giới bất khả tư nghì của Bồ Tát Địa Tạng.”

Kinh văn:
Đức Phật bảo Bồ Tát Quán Thế Âm: “Trong các thế giới về thuở hiện tại và vị lai, có vị thiên nhân nào phước trời thọ hưởng đã hết, có Ngũ Suy Tướng hiện ra, hoặc có vị phải đọa lạc nơi chốn ác đạo; các vị thiên nhân đó, hoặc nam hoặc nữ, đương lúc tướng suy hiện ra, mà hoặc thấy được hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng hoặc nghe được danh hiệu của Bồ Tát Địa Tạng, rồi một lần chiêm ngưỡng một lần đảnh lễ, thì các vị thiên nhân đó được phước trời thêm lớn, hưởng nhiều sự vui sướng, vĩnh viễn không phải đọa lạc vào ba ác đạo nữa; huống chi là được thấy tượng, được nghe tên của Bồ Tát, rồi đem các thức hương hoa, y phục, đồ ăn thức uống, vật báu, chuỗi anh lạc... mà bố thí cúng dường, thì công đức phước lợi có được sẽ vô lượng vô biên.”

Lược giảng:
Đức Phật bảo Bồ Tát Quán Thế Âm và tất cả đại chúng: “Trong các thế giới về thuở hiện tại và vị lai, có vị thiên nhân nào phước trời thọ hưởng đã hết, có Ngũ Suy Tướng hiện ra ...”

Các thiên nhân ở cõi trời được hưởng phước báo vui sướng vô cùng; so với cõi nhân gian thì ở cõi trời quá vui vẻ sung sướng. Thế nhưng, thiên nhân lại có Ngũ Suy Tướng, tức là sự xuất hiện của năm tướng suy hao nơi thân thể khi họ sắp hưởng hết thiên phước của mình. 

Năm Tướng Suy Hao là gồm những gì? Đó là:

1) Mũ hoa héo rũ (Hoa quan ủy tạ): Các thiên nhân đều đội mũ kết bằng hoa tươi, không bao giờ khô héo; song đến lúc năm tướng suy hao hiện ra thì những mũ hoa này sẽ héo úa, tàn rụng.

2) Y phục dính bụi (Y trước trần ai). Áo quần của thiên nhân thường thì không phải giặt giũ mà vẫn luôn luôn sạch sẽ, nhưng đến lúc quần áo của họ bắt đầu bị bụi bám thì họ biết là mình sắp chết.

3) Hai nách tiết mồ hôi (Lưỡng dịch hãn xuất). Thân thể của thiên nhân không ra mồ hôi, song đến lúc phước trời của họ đã hết thì dưới hai nách có mồ hôi tiết ra.

4) Thân thể hôi hám (Thân thể xú uế). Thân thể của thiên nhân thường tỏa hương thơm, đến lúc thiên phước của họ đã cạn hết thì “xú khí nhập thể,” thân mình tiết ra mùi hôi hám.

5) Không thích chỗ ngồi của mình (Bất lạc bổn tòa). Thiên nhân thường hay ngồi, có tướng Thiền Định; song đến lúc hết thiên phước thì họ không còn tướng Thiền Định nữa—bấy giờ họ đứng ngồi không yên, bồn chồn bứt rứt, hết đứng lại ngồi, hết ngồi lại đứng. Đây chính là lúc thiên nhân phải đọa lạc—có thể chuyển làm thân ngạ quỷ, súc sanh, xuống địa ngục, hoặc sanh làm người... tất cả đều không nhất định.

Trên đây là năm tướng suy hao lớn (đại Ngũ Suy Tướng). Ngoài ra, thiên nhân còn có sự xuất hiện của năm tướng suy hao nhỏ (tiểu Ngũ Suy Tướng) nữa. Năm tướng suy nhỏ là những gì? Đó là:

1)Tiếng không còn trong thanh và vui vẻ nữa (Lạc thanh bất khởi ). Giọng nói của thiên nhân vốn vô cùng thanh tao, vi diệu; song đến lúc năm tướng suy hiện ra thì tiếng nói trở nên thô nặng, khàn đục, không còn réo rắt, thánh thót nữa.

2) Ánh sáng trên thân bị mờ tối (Thân quang vi ám ). Toàn thân của thiên nhân thường đều có tỏa hào quang, song đến lúc năm tướng suy hao nhỏ hiện ra thì hào quang nơi thân trở nên lu  mờ ảm đạm, không còn sáng chói nữa.

3) Nước tắm đọng dính trên thân (Dục thủy trước thân ). Thân thể của thiên nhân vốn không bị dính nước, tương tự như mặt pha-lê vậy—nước chảy tuột đi chứ không đọng lại; nhưng khi năm tướng suy nhỏ hiện ra, thì khi tắm, nước sẽ dính lại trên thân họ.

4) Chấp trước vào cảnh giới, không buông xả (Trước cảnh bất xả) . Lúc năm tướng suy nhỏ hiện ra, thiên nhân gặp cảnh giới gì thì bám chấp lấy cảnh giới đó, không thể buông bỏ được.

5) Thân suy yếu, mắt láo liên (Thân hư nhãn thuấn). Lúc năm tướng suy nhỏ hiện ra thì thân thể của thiên nhân trở nên vô cùng suy nhược, không còn cường tráng, không còn sức lực nữa. Thiên nhân vốn rất ít khi mở trừng mắt, con ngươi không thường chuyển động; nhưng khi năm tướng suy nhỏ hiện ra, thì tròng mắt của họ luôn chuyển động qua lại.

Trên đây là năm tướng suy hao nhỏ. Ngoài ra, thiên nhân còn có bảy tướng suy hao, trong đó bao gồm năm tướng suy hao lớn:

1) Ánh sáng bị mất (Quang diệt ). Hào quang của thiên nhân không còn nữa.

2) Hoa héo úa (Hoa ủy ). Mũ hoa trên đầu bị héo tàn.

3) Sắc tướng biến đổi (Biến sắc ). Tướng mạo của thiên nhân vốn rất viên mãn, nhưng khi năm tướng suy hiện ra thì liền bị biến đổi ngay—trước kia vốn rất tốt đẹp, bây giờ thì không còn đẹp nữa.

4) Y phục dính bụi dơ (Y trước trần ai).

5) Hai nách ra mồ hôi (Lưỡng dịch xuất hãn). Hai bên nách của thiên nhân, chỗ dưới hai cánh tay, có mồ hôi tiết ra.

6) Thân thể gầy ốm (Thân sấu). Thiên nhân vốn không cần ăn uống tẩm bổ gì cả mà thân thể cũng không gầy ốm; nhưng lúc tướng suy hiện ra thì thân thể hao gầy hẳn đi.

7) Không thích chỗ ngồi của mình (Bất lạc bổn tòa). Lúc tướng suy hiện ra, thiên nhân tự lánh xa chỗ ngồi của mình.

Vậy, năm tướng suy nhỏ (tiểu Ngũ Suy), năm tướng suy lớn (đại Ngũ Suy), và bảy tướng suy (Thất Suy), đều là các tướng trạng hiện ra nơi thân của thiên nhân lúc phước trời của họ đã hết.

Lúc bấy giờ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bảo rằng: “Trong đời này và đời sau, nếu có thiên nhân nào nơi thân đã hiện năm dấu hiệu suy hao, hoặc có vị phải đọa lạc nơi chốn ác đạo; các vị thiên nhân đó, hoặc nam hoặc nữ, đương lúc tướng suy hiện ra, mà hoặc thấy được hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng hoặc nghe được danh hiệu của Bồ Tát Địa Tạng, rồi một lần chiêm ngưỡng một lần đảnh lễ, thì các vị thiên nhân đó được phước trời thêm lớn, hưởng nhiều sự vui sướng, vĩnh viễn không phải đọa lạc vào ba ác đạo nữa; huống chi là được thấy tượng, được nghe tên của Bồ Tát, rồi đem các thức hương hoa, y phục, đồ ăn thức uống, vật báu, chuỗi anh lạc... mà bố thí cúng dường, thì công đức phước lợi có được sẽ vô lượng vô biên.”

Những chúng sanh nào được thấy hình tượng hoặc được nghe đến danh hiệu của Địa Tạng Vương Bồ Tát, lại còn đem đủ loại hương, đủ loại hoa, các thứ y phục, các thức ăn uống, cùng các món trang sức quý báu như chuỗi anh lạc ra cúng dường Ngài, thì sẽ được vô lượng vô biên công đức và phước lợi, chẳng thể nào kể xiết.

Kinh văn:
“Lại nữa, này Quán Thế Âm! Trong các thế giới về thuở hiện tại và vị lai, nếu những chúng sanh trong Lục Đạo lúc sắp mạng chung mà được nghe một tiếng danh hiệu của Bồ Tát Địa Tạng thoáng qua lỗ tai, thì các chúng sanh đó vĩnh viễn không còn phải trải qua nỗi khổ nơi Tam Ác Đạo nữa.

Huống chi là lúc sắp mạng chung, cha mẹ cùng hàng quyến thuộc đem nhà cửa, tài vật, của báu, y phục v. v... của người sắp chết đó mà đắp, vẽ hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng, hoặc làm cho người bệnh lúc chưa chết, được mắt thấy tai nghe, biết rằng hàng quyến thuộc đem nhà cửa, vật báu v. v... vì mình mà đắp vẽ hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng; người đó nếu do nghiệp báo phải chịu bệnh nặng, thì nhờ công đức này liền được khỏi bệnh, tuổi thọ thêm lâu dài.

Còn nếu người đó nghiệp báo sanh mạng đã hết, đáng phải chịu tất cả tội chướng, nghiệp chướng, và đọa vào đường ác, song nhờ công đức này nên sau khi mạng chung liền được sanh vào cõi trời, cõi người, hưởng sự vui thù thắng vi diệu, tất cả tội chướng đều được tiêu trừ.”
Lược giảng:
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lại gọi: “Lại nữa, này Quán Thế Âm! Trong các thế giới về thuở hiện tại và vị lai, nếu những chúng sanh trong Lục Đạo lúc sắp mạng chung mà được nghe một tiếng danh hiệu của Bồ Tát Địa Tạng thoáng qua lỗ tai—chỉ vỏn vẹn một tiếng mà thôi—thì các chúng sanh đó vĩnh viễn không còn phải trải qua nỗi khổ nơi Tam Ác Đạo nữa.

Huống chi là lúc sắp mạng chung, cha mẹ cùng hàng quyến thuộc đem nhà cửa, tài vật, của báu, y phục v. v... của người sắp chết đó mà đắp, vẽ hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng, hoặc làm cho người bệnh lúc chưa chết—mắt vẫn còn nhìn thấy, tai vẫn còn nghe hiểu—được mắt thấy tai nghe, biết rằng hàng quyến thuộc đem nhà cửa, vật báu v. v... vì mình mà đắp vẽ hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng, vì mình mà làm việc công đức; người đó nếu do nghiệp báo phải chịu bệnh nặng, thì nhờ công đức này liền được khỏi bệnh, tuổi thọ thêm lâu dài.” Nếu người đang hấp hối đó do trót tạo nghiệp chướng mà phải chịu quả báo mắc bệnh nặng, đáng bị “con ma bệnh” hành hạ, bị nghiệp chướng trói buộc bủa vây, thì nhờ vào công đức tạc vẽ tô đắp hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng, chẳng bao lâu người đó sẽ lành mạnh và được sống lâu hơn.

Còn nếu người đó nghiệp báo sanh mạng đã hết, đáng phải chịu tất cả tội chướng, nghiệp chướng, và đọa vào đường ác ...” Giả sử người bệnh đang hấp hối đó có nghiệp báo đáng lẽ phải chết, cứ theo những tội chướng, nghiệp chướng mà người đó phải gánh chịu tất phải đọa lạc trong bốn đường ác, “song nhờ công đức này nên sau khi mạng chung liền được sanh vào cõi trời, cõi người, hưởng sự vui thù thắng vi diệu, tất cả tội chướng đều được tiêu trừ.”

Kinh văn:
“Lại nữa, này Bồ Tát Quán Thế Âm! Vào đời vị lai, nếu có kẻ nam người nữ nào, hoặc lúc còn bú mớm, hoặc lúc lên ba tuổi, năm tuổi, mười tuổi trở xuống mà chết mất cha mẹ, cho đến chết mất anh em chị em, người đó khi khôn lớn thường nhớ tưởng đến cha mẹ cùng hàng quyến thuộc, song không rõ họ lạc vào chốn nào, sanh về thế giới nào, hoặc sanh trong cõi trời nào.

Người đó như có thể đắp vẽ hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng, thậm chí nghe danh hiệu, một lần chiêm ngưỡng một lần đảnh lễ, trong từ một ngày cho đến bảy ngày đừng thối thất tâm nguyện ban đầu mà nghe danh hiệu, ngắm hình tượng, chiêm lễ, cúng dường; thì quyến thuộc của người đó nếu do ác nghiệp mà bị đọa vào đường ác lẽ ra phải chịu đến nhiều số kiếp, nay nhờ công đức đắp vẽ hình tượng Bồ Tát Địa Tạng và chiêm lễ của con cái, anh em chị em, nên liền được giải thoát, sanh trong cõi trời cõi người, hưởng sự vui thù thắng vi diệu.

Còn như quyến thuộc của người đó có phước lực, đã được sanh vào cõi trời, cõi người và hưởng thọ sự vui thù thắng vi diệu rồi, thì sẽ nhờ công đức này mà nhân Thánh tăng trưởng, hưởng vô lượng sự vui.”

Lược giảng:
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói tiếp: “Lại nữa, này Bồ Tát Quán Thế Âm! Ta lại nói cho các ông nghe về một cảnh giới không thể nghĩ bàn nữa. Vào đời vị lai, nếu có kẻ nam người nữ nào, hoặc lúc còn bú mớm, hoặc lúc lên ba tuổi, năm tuổi, mười tuổi trở xuống mà chết mất cha mẹ—cha mẹ đã qua đời hoặc bị mất tích, cho đến chết mất anh em chị em—có anh em trai hay chị em gái bị chết hoặc thất lạc, người đó khi khôn lớn thường nhớ tưởng đến cha mẹ cùng hàng quyến thuộc, song không rõ họ lạc vào chốn nào, sanh về thế giới nào, hoặc sanh trong cõi trời nào.” Đến tuổi trưởng thành, người đó thường nhớ nghĩ và thắc mắc không biết cha mẹ, anh em, chị em cùng các thân quyến của mình đang trôi nổi lưu lạc ở nơi nào trong sáu nẻo đường—chẳng rõ họ được sanh thiên, được làm người, hoặc bị chuyển làm thân A-tu-la, ngạ quỷ, súc sanh, hay đọa địa ngục.

“Người đó như có thể đắp vẽ hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng, thậm chí nghe danh hiệu, một lần chiêm ngưỡng một lần đảnh lễ, trong từ một ngày cho đến bảy ngày đừng thối thất tâm nguyện ban đầu mà nghe danh hiệu, ngắm hình tượng, chiêm lễ, cúng dường ... ” Giả sử người bị mồ côi hoặc thất lạc thân nhân đó có thể dùng đất sét, gỗ, vàng, bạc, đồng, sắt ... để làm tượng Bồ Tát Địa Tạng, hoặc tô vẽ hình Ngài trên giấy; thậm chí người đó không hề đắp vẽ hình tượng Ngài, mà chỉ nghe được danh hiệu, chỉ thấy hình tượng hoặc đảnh lễ hình tượng của Ngài mới một lần, mà trong từ một ngày cho đến bảy ngày tâm nguyện lúc ban sơ của người đó không hề thối thất—lòng khẩn thiết muốn đảnh lễ hình tượng Bồ Tát Địa Tạng không bị lay chuyển; “thì quyến thuộc của người đó nếu do ác nghiệp mà bị đọa vào đường ác lẽ ra phải chịu đến nhiều số kiếp, nay nhờ công đức đắp vẽ hình tượng Bồ Tát Địa Tạng và chiêm lễ của con cái, anh em chị em, nên liền được giải thoát, sanh trong cõi trời cõi người, hưởng sự vui thù thắng vi diệu.”

Bất luận là nghe được danh hiệu của Bồ Tát Địa Tạng hay trông thấy hình tượng của Ngài, người đó đều thiết tha chiêm lễ cúng dường, thì quyến thuộc của người đó, giả dụ vì nhân duyên nghiệp chướng và căn cứ theo tội chướng mà họ đã tạo ra thì họ phải bị đọa lạc trong bốn đường ác—A-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh—phải trải qua đến không biết bao nhiêu đại kiếp mới được giải thoát, thì giờ đây, nhờ vào công đức đắp vẽ và chiêm lễ hình tượng Bồ Tát Địa Tạng của người đó, họ sẽ được thoát khỏi mọi nghiệp tội, được sanh trong cõi người hoặc cõi trời, hưởng thọ sự vui sướng thù thắng nhất, vi diệu nhất.

“Còn như quyến thuộc của người đó có phước lực, đã được sanh vào cõi trời, cõi người và hưởng thọ sự vui thù thắng vi diệu rồi ...” Trong trường hợp cha mẹ, anh em, chị em ... của người đó nhờ phước lực đã tạo khi trước mà được sanh vào cõi người hoặc sanh lên cõi trời hưởng sự an vui rồi, “thì sẽ nhờ công đức này mà nhân Thánh tăng trưởng, hưởng vô lượng sự vui.” Nhờ công đức đắp vẽ hình tượng cùng chiêm lễ Bồ Tát Địa Tạng của người này nên công đức phước lực của hàng quyến thuộc càng gia tăng—lúc trước đã hưởng thọ sự vui sướng thắng diệu, bây giờ lại càng được an vui hơn nữa.

Kinh văn:
“Như người đó lại có thể trong hai mươi mốt ngày nhất tâm chiêm lễ hình tượng Bồ Tát Địa Tạng và niệm danh hiệu của Ngài đủ một vạn biến, thì sẽ được Bồ Tát hiện thân vô biên, mách bảo người đó cõi giới mà hàng quyến thuộc đã sanh về; hoặc trong giấc mộng, Bồ Tát hiện đại thần lực, đích thân dắt người đó đến các thế giới để thấy hàng quyến thuộc của mình.

Nếu người đó lại có thể mỗi ngày đều niệm danh hiệu Bồ Tát một ngàn biến, luôn đến một ngàn ngày, thì người đó sẽ được Bồ Tát sai các quỷ thần và thổ địa sở tại hộ vệ trọn đời, hiện đời y phục thức ăn dư dật, không có các thứ bệnh khổ, cho đến các hoạnh sự còn không hề vào đến cửa, huống nữa là đến nơi thân! Người đó rốt ráo sẽ được Bồ Tát xoa đảnh thọ ký cho.”
Lược giảng:
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy tiếp: “Như người đó—người đắp vẽ và chiêm ngưỡng lễ bái hình tượng Bồ Tát Địa Tạng nói trên—lại có thể trong hai mươi mốt ngày nhất tâm chiêm lễ hình tượng Bồ Tát Địa Tạng và niệm danh hiệu của Ngài đủ một vạn biến ...”

Phần trước thì nói là chiêm lễ trong một tuần (bảy ngày), bây giờ thì trong ba tuần (hai mươi mốt ngày). Vậy, trong suốt ba tuần lễ, nếu người đó có thể chuyên chú, một lòng một dạ chiêm ngưỡng lễ bái hình tượng Bồ Tát Địa Tạng, và trì niệm danh hiệu của Ngài—“Nam mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát”—cho đến khi đủ số mười ngàn biến, “thì sẽ được Bồ Tát hiện thân vô biên, mách bảo người đó cõi giới mà hàng quyến thuộc đã sanh về.”

Thân “vô biên” là cái thân không có “biên tế,” vô cùng vô tận, bất cứ nơi nào cũng có thể thị hiện đến được cả. Thân “vô biên” cũng có thể gọi là thân “vô loại bất hiện,” bởi Bồ Tát Địa Tạng có thể tùy theo mọi chủng loại của chúng sanh mà thị hiện thân thích ứng để giáo hóa. Tuy nhiên, đoạn kinh văn này ngụ ý rằng Bồ Tát Địa Tạng sẽ hiện thân đến trước mặt người đã thành tâm chiêm ngưỡng lễ bái hình tượng Ngài trong suốt ba tuần lễ, và báo cho người đó biết đầy đủ về nơi mà cha mẹ, anh em, chị em, hoặc các quyến thuộc của người đó đã thác sanh về.

“Hoặc trong giấc mộng, Bồ Tát hiện đại thần lực, đích thân dắt người đó đến các thế giới để thấy hàng quyến thuộc của mình.”

Chúng ta là những người tin Phật song vẫn còn quá mê muội, cho nên bậc Bồ Tát không thể tiếp xúc hoặc nói chuyện trực tiếp với chúng ta giữa ban ngày ban mặt, lúc chúng ta đang tỉnh thức được. Cho nên, đợi khi người đó ngủ say, trong giấc mộng, Bồ Tát Địa Tạng sẽ thị hiện sức oai thần rộng lớn, đích thân dẫn người đó đến các cõi giới, thấy được tất cả hàng quyến thuộc.

“Nếu người đó lại có thể mỗi ngày đều niệm danh hiệu Bồ Tát—Nam mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát—một ngàn biến, luôn đến một ngàn ngày—tức ba năm—thì người đó sẽ được Bồ Tát sai các quỷ thần và thổ địa sở tại hộ vệ trọn đời.” Bất luận người đó sống ở nơi nào, Bồ Tát Địa Tạng đều sai bảo các quỷ thần và thần thổ địa ở nơi ấy bảo hộ cho người đó đến trọn đời.

Ngoài ra, người đó còn được “hiện đời y phục thức ăn dư dật, không có các thứ bệnh khổ.” Trong đời hiện tại, lúc người đó còn sống, thì áo quần, đồ ăn thức uống đều rất dồi dào, không hề thiếu ăn, cũng chẳng hề thiếu mặc, và cũng chẳng mắc phải bệnh tật đau đớn gì cảù.

Lại nữa, “cho đến các hoạnh sự còn không hề vào đến cửa, huống nữa là đến nơi thân!” “Hoạnh sự” tức là những việc rủi ro, không như ý mình mong muốn. Các tai họa, dù lớn dù nhỏ, thảy đều không vào đến cửa, không bao giờ xảy ra cho gia đình, huống chi là cho bản thân của người đó!

“Người đó rốt ráo sẽ được Bồ Tát xoa đảnh thọ ký cho, và bảo rằng: ‘Này Thiện nam tử! Ông đã phát tâm Bồ Đề rộng lớn, tương lai ắt sẽ kết thành quả Bồ Đề đấy!’”

Kinh văn:
“Lại nữa, này Bồ Tát Quán Thế Âm! Vào đời vị lai, nếu có kẻ thiện nam người thiện nữ nào muốn phát lòng từ rộng lớn để cứu độ tất cả chúng sanh, muốn tu Đạo Bồ Đề Vô Thượng, muốn ra khỏi Tam Giới; những người đó thấy hình tượng Bồ Tát Địa Tạng cùng nghe danh hiệu, rồi chí tâm quy y, hoặc đem hương hoa, y phục, vật báu, đồ ăn thức uống để cúng dường chiêm lễ, thì điều nguyện cầu của các thiện nam thiện nữ đó sẽ chóng được thành tựu, vĩnh viễn không bị chướng ngại.”

Lược giảng:
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói tiếp: “Lại nữa, này Bồ Tát Quán Thế Âm! Bây giờ Ta sẽ giảng tỉ mỉ hơn cho ông rõ. Vào đời vị lai, nếu có kẻ thiện nam người thiện nữ nào muốn phát lòng từ rộng lớn ...” Phát tâm từ bi là đã quý hóa lắm rồi, thế mà nếu có thể phát được thứ tâm từ bi bao la quảng đại thì lại càng tuyệt diệu hơn nữa.

Thế thì, trong đời vị lai, những người nam và người nữ chăm tu Ngũ Giới, hành trì Thập Thiện, muốn phát thứ tâm từ bi quảng đại ấy để làm gì? Chính là “để cứu độ tất cả chúng sanh.”

Ngoài ra, có những thiện nam tín nữ thì lại “muốn tu Đạo Bồ Đề Vô Thượng, muốn ra khỏi Tam Giới, xa lìa ngôi nhà lửa trong ba cõi--Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới.”

“Những người đó—không phải chỉ có một hoặc hai người mà là rất nhiều người đều mong muốn như thế, nhiều đến nỗi chẳng thể biết được là bao nhiêu, cho nên nói là “những người đó”—thấy hình tượng Bồ Tát Địa Tạng cùng nghe danh hiệu, rồi chí tâm quy y, hoặc đem hương hoa, y phục, vật báu, đồ ăn thức uống để cúng dường chiêm lễ ...”

Giả sử hết thảy những thiện nam tín nữ đó sau khi được trông thấy hình tượng và được nghe đến danh hiệu của Bồ Tát Địa Tạng, liền sanh lòng chí thành khẩn thiết đến quy y Bồ Tát Địa Tạng, hoặc đem các loại hương, các loại hoa, vô số y phục, vô số bảo vật, cùng vô số đồ ăn thức uống đến cúng dường Bồ Tát Địa Tạng, chiêm ngưỡng đảnh lễ Bồ Tát Địa Tạng, “thì điều nguyện cầu của các thiện nam thiện nữ đó sẽ chóng được thành tựu, vĩnh viễn không bị chướng ngại.”

Kinh văn:
“Lại nữa, này Bồ Tát Quán Thế Âm! Vào đời vị lai, nếu có kẻ thiện nam người thiện nữ nào muốn cầu trăm ngàn vạn ức điều nguyện, trăm ngàn vạn ức sự việc về hiện tại cùng vị lai, thì nên chỉ quy y, chiêm lễ, cúng dường, ngợi khen hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng; thì các điều sở nguyện sở cầu như thế tất đều thành tựu cả.

Nếu lại cầu mong Bồ Tát Địa Tạng, đấng đầy đủ lòng đại từ bi, mãi mãi ủng hộ cho mình, thì người đó trong giấc chiêm bao liền được Bồ Tát xoa đảnh thọ ký cho.”
Lược giảng:
“Lại nữa, này Bồ Tát Quán Thế Âm! Vào đời vị lai, nếu có kẻ thiện nam người thiện nữ nào muốn cầu trăm ngàn vạn ức điều nguyện, trăm ngàn vạn ức sự việc—chứ chẳng phải vỏn vẹn một điều hay một việc mà thôi đâu—về hiện tại cùng vị lai, thì nên chỉ quy y, chiêm lễ, cúng dường, ngợi khen hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng; thì các điều sở nguyện sở cầu như thế tất đều thành tựu cả.”

“Điều nguyện” tức là điều mà quý vị ao ước, mong muốn đạt được. Quý vị mong ước cái gì, muốn xin việc gì, đều có thể được toại nguyện cả, song quý vị phải làm một việc; đó là việc gì? Đó là quý vị phải quy y Bồ Tát Địa Tạng, chiêm ngưỡng đảnh lễ Bồ Tát Địa Tạng, cúng dường Bồ Tát Địa Tạng và khen ngợi hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng. Nếu quý vị làm được như thế thì mọi nguyện vọng, mọi mong cầu của quý vị đều được tùy tâm mãn nguyện, đều được thành tựu.

“Nếu lại cầu mong Bồ Tát Địa Tạng, đấng đầy đủ lòng đại từ bi, mãi mãi ủng hộ cho mình, thì người đó trong giấc chiêm bao liền được Bồ Tát xoa đảnh thọ ký cho.” Nếu quý vị muốn cầu xin Bồ Tát Địa Tạng rũ lòng từ bi bao la mà phù hộ cho quý vị mãi mãi, thì khi quý vị đang say ngủ, Ngài sẽ thị hiện trong giấc mộng mà xoa đảnh thọ ký cho quý vị.

Kinh văn:
“Lại nữa, này Bồ Tát Quán Thế Âm! Vào đời vị lai, nếu có người thiện nam kẻ thiện nữ nào đối với kinh điển Đại Thừa sanh lòng trân trọng thâm sâu, phát tâm không nghĩ bàn muốn đọc, muốn tụng, dầu gặp được bậc minh sư dạy bảo cho thành thục, song đọc rồi lại quên, trải đến cả tháng, cả năm vẫn không đọc tụng được; những kẻ thiện nam này vì có nghiệp chướng đời trước chưa trừ sạch, cho nên đối với kinh điển Đại Thừa không có tánh đọc tụng.”
Lược giảng:
“Lại nữa, này Bồ Tát Quán Thế Âm! Vào đời vị lai, nếu có người thiện nam kẻ thiện nữ nào đối với kinh điển Đại Thừa—các sách kinh Phật và điển chương—sanh lòng trân trọng thâm sâu, phát tâm không nghĩ bàn muốn đọc, muốn tụng ...” “Đọc” tức là nhìn vào sách mà đọc; còn “tụng” là đọc mà không cần nhìn vào sách bởi đã thuộc nằm lòng.

Những người đó vừa nhìn thấy các kinh điển Đại Thừa thì nâng niu, trân quý hơn bất kỳ báu vật nào khác, và liền phát tâm Đại Thừa không thể nghĩ bàn mà lập nguyện rằng: “Tôi nhất quyết phải đọc tụng bộ kinh này. Bất luận thế nào tôi cũng phải học thuộc bộ kinh này!” Thế nhưng, “dầu gặp được bậc minh sư dạy bảo cho thành thục, song đọc rồi lại quên, trải đến cả tháng, cả năm vẫn không đọc tụng được.” Những người đó phát tâm bất khả tư nghì, có chí nguyện muốn đọc tụng các kinh điển Đại Thừa, và còn gặp được bậc minh sư tận tâm dạy cho cách đọc kinh, xem kinh nữa. Tuy nhiên, họ cứ học thuộc rồi lại quên. Mặc dù họ chăm chỉ cần cù học tập trong suốt một thời gian dài—có thể là trong vài tháng mà cũng có thể là trong một năm hoặc nhiều năm—họ vẫn không thể nào đọc cho trôi chảy, tụng cho nhuần nhuyễn được! Vì sao họ cứ học rồi lại quên, phải học đi học lại mãi như thế?

“Những kẻ thiện nam này vì có nghiệp chướng đời trước chưa trừ sạch ...” Đó là do bị nghiệp chướng từ đời trước ngăn che, khiến họ không thể nào thuộc được kinh điển. Vì nghiệp chướng, mà họ cảm thấy lười biếng, không muốn tụng kinh. Vì nghiệp chướng, mà lúc họ học kinh thì cơn buồn ngủ ập đến. Vì nghiệp chướng, mà lúc họ muốn đọc tụng thì đầu óc lại hôn trầm. Tuy nhiên, cũng thật là kỳ lạ, khi không tụng kinh thì họ thấy đầu óc rất tỉnh táo, nhưng hễ tụng kinh thì họ lại cảm thấy buồn ngủ—cứ đặt quyển kinh xuống, không tụng nữa, thì con ma ngủ bỏ đi; mà hễ cầm quyển kinh lên để tụng thì con ma ngủ lại kéo tới!

Tôi tin rằng vài người trong quý vị đã có kinh nghiệm về việc này. Quý vị muốn nghe kinh ư? Ngay tức khắc cơn buồn ngủ xâm chiếm quý vị! Ngược lại, nếu quý vị nói chuyện thị phi, nói những chuyện vô ích, thì càng nói càng hăng say, càng nói càng hào hứng, nói đến nỗi nước miếng văng tới tấp như mưa vậy mà cũng chẳng thấy mệt mỏi hoặc buồn ngủ chút nào!

“Cho nên đối với kinh điển Đại Thừa không có tánh đọc tụng.” Do vì nghiệp chướng chưa được tiêu trừ nên họ không có khả năng đọc tụng, không có được sức nhớ dai, không thể học thuộc kinh điển Đại Thừa.
Kinh văn:
“Những hạng người này, khi nghe danh hiệu của Địa Tạng Bồ Tát cùng thấy hình tượng của Địa Tạng Bồ Tát, thì nên đem hết bổn tâm mà cung kính bày tỏ; rồi dùng hương hoa, y phục, đồ ăn thức uống, cùng tất cả đồ chơi cúng dường Bồ Tát. Lại đem một chén nước trong đặt trước Bồ Tát một ngày một đêm, sau đó chắp tay thỉnh để uống, mặt day về hướng Nam; khi nước sắp vào miệng phải chí tâm trịnh trọng. Uống nước xong, phải kiêng cữ ngũ tân, rượu, thịt, tà dâm, vọng ngữ và các việc giết hại trong bảy ngày hoặc hai mươi mốt ngày. Những người thiện nam thiện nữ này, trong giấc chiêm bao sẽ thấy Bồ Tát Địa Tạng hiện thân vô biên đến chỗ họ ở mà rưới nước quán đảnh cho. Những người này thức dậy liền được thông minh, các kinh điển một phen lọt vào nhĩ căn thì liền nhớ mãi, không còn quên một câu kinh hay một bài kệ nữa!”
Lược giảng:
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói tiếp: “Những hạng người này, khi nghe danh hiệu của Địa Tạng Bồ Tát cùng thấy hình tượng của Địa Tạng Bồ Tát, thì nên đem hết bổn tâm mà cung kính bày tỏ ...” “Bày tỏ” tức là trình bày, nói rõ ý kiến của mình. Bày tỏ ý kiến gì?

Những người đó chớ nên buồn bã ưu sầu vì sự kém nhớ dễ quên, học đâu quên đó của mình, chỉ cần khi họ nghe được danh hiệu của Bồ Tát Địa Tạng, trông thấy hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng, họ nên dốc trọn vẹn bổn tâm—tức là “diệu minh chân tâm,” cái tâm chân thật, vi diệu, sáng suốt của chính mình chứ không phải cái tâm gian dối xảo trá— mà cung kính thưa trình với Địa Tạng Vương Bồ Tát, khấn nguyện rằng: “Nam mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát! Xin Ngài từ bi giúp con dẹp trừ con ma ngủ, xua tan mọi ma chướng đang ngăn che trí nhớ của con, để cho đầu óc con được sáng suốt minh mẫn, có khả năng ghi nhớ thật tốt!”

“Rồi dùng hương hoa, y phục, đồ ăn thức uống, cùng tất cả đồ chơi cúng dường Bồ Tát.” “Thức uống” ở đây không phải là rượu, mà là nước lọc, nước đã đun sôi để uống. Quý vị chớ lầm “thức uống” này là rượu; không phải vậy đâu! Nếu quý vị uống rượu thì trí nhớ của quý vị sẽ càng tệ hại hơn nữa đấy!

Quý vị đem các món đồ chơi cúng dường Bồ Tát để làm gì? Bồ Tát cũng cần đồ chơi sao? Bồ Tát cũng thích đồ chơi sao? Thật ra, ngay cả các đồ chơi, như trái banh của trẻ con, đều có thể đem cúng dường cho Bồ Tát Địa Tạng được cả. Địa Tạng Vương Bồ Tát không nhất thiết là sẽ chơi đá banh, nhưng nếu quý vị đem những đồ vật mà mình yêu thích đến cúng dường Ngài, thì Ngài rất hoan hỷ.

“Lại đem một chén nước trong—phải là thứ nước thật tinh khiết, không được dùng nước dơ—đặt trước Bồ Tát một ngày một đêm. Những người đó nên lấy một chén nước trong đặt trước mặt Địa Tạng Vương Bồ Tát để cúng dường suốt một ngày và một đêm. Sau đó chắp tay thỉnh để uống, mặt day về hướng Nam; khi nước sắp vào miệng phải chí tâm trịnh trọng.” Lúc uống chén nước này, họ phải ngoảnh mặt về hướng Nam và phải hết sức cung kính, trân trọng, phải đem lòng chí thành khẩn thiết mà quán tưởng rằng Địa Tạng Vương Bồ Tát đã gia trì chén nước này—tôi nhận thấy rằng điều này vô cùng quan trọng.

“Uống nước xong, phải cữ ngũ tân, rượu, thịt, tà dâm, vọng ngữ cùng các việc giết hại trong bảy ngày hoặc hai mươi mốt ngày.” Sau khi uống chén nước đó rồi, thì đừng ăn năm thứ có mùi vị hăng nồng gọi là “ngũ tân”—tỏi, hành, hẹ, kiệu, nén (hưng cừ). Năm thứ này đều làm gia tăng sự hôn trầm, khiến con người trở nên ngu si thêm và tâm dâm dục càng lớn mạnh hơn, cho nên chúng ta cần phải kiêng cữ. “Cữ” tức là kiêng cữ, không nên dùng—những người đó phải cẩn thận tránh dùng năm món hăng nồng này, đừng dùng rượu thịt, đừng có hành vi sắc dục, đừng nói dối, và đừng làm những việc giết hại.

Sau khi kiêng cữ, ngăn ngừa như thế trong một tuần lễ hoặc ba tuần lễ, “những người thiện nam thiện nữ này, trong giấc chiêm bao sẽ thấy Bồ Tát Địa Tạng hiện thân vô biên—Pháp thân vô biên—đến chỗ họ ở mà rưới nước quán đảnh cho.” “Rưới nước quán đảnh cho” tức là Bồ Tát Địa Tạng rưới nước cam lồ trên đỉnh đầu của các thiện nam tín nữ đó.

Trong Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn có một ấn pháp gọi là “Tay Cam Lồ” (Cam Lồ Thủ)—đây chính là ấn pháp Bồ Tát dùng để quán đảnh cho quý vị. Tay Cam Lồ này hễ duỗi ra thì quý vị sẽ cảm thấy như được tắm mát, có nước xối xuống đầu mình gột rửa mọi cấu trược, trừ sạch hết thảy nghiệp chướng. Nếu quý vị tu tập ấn pháp Tay Cam Lồ đến chỗ thành tựu, thì trong tương lai quý vị cũng có thể quán đảnh cho người khác. Người tu tập theo pháp môn này quyết không được lười biếng—một ngày cũng không được gián đoạn, một ngày cũng không được trễ nãi việc tu tập; nếu bỏ sót một ngày không tu, thì phải lập lại lần nữa.

“Những người này thức dậy liền được thông minh.” Quý vị thấy có kỳ lạ không? Họ ngủ một giấc, nằm mộng thấy mình được quán đảnh, và khi thức dậy thì trở nên thông minh mẫn tiệp; quý vị nói có tuyệt diệu hay không chứ? Quý vị có muốn mình cũng được như thế không? Nếu muốn được như thế thì quý vị hãy làm thử xem sao!

“Các kinh điển một phen lọt vào nhĩ căn thì liền nhớ mãi, không còn quên một câu kinh hay một bài kệ nữa!” Trước kia thì họ hay quên, song bây giờ thì không còn quên nữa; cho dù họ muốn quên cũng chẳng thể nào quên được! Những người này ngay cả một câu kinh, một bài kệ tụng cũng không hề quên. Quý vị xem đấy, thật là mầu nhiệm không thể nói được!

Cũng như có người tìm cách để đừng đến Phật Giáo Giảng Đường nữa, song không nghĩ ra cách nào cả, nên vẫn cứ đến đều đặn—kỳ lạ như thế đấy!

Kinh văn:
“Lại nữa, này Bồ Tát Quán Thế Âm! Vào đời vị lai, nếu có những người nào ăn mặc không đủ, cầu gì cũng trái nguyện, hoặc nhiều bệnh tật, hoặc nhiều sự hung suy, nhà cửa không yên ổn, quyến thuộc bị phân tán, hoặc các hoạnh sự cứ xảy đến làm thiệt thân, khi ngủ thường mộng thấy điều kinh sợ; những người như thế, khi nghe danh hiệu của Bồ Tát Địa Tạng, thấy hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng, mà chí tâm cung kính niệm đủ một vạn biến, thì những sự không như ý sẽ tiêu sạch lần lần, liền được an vui, đồ ăn mặc dư dật, cho đến trong giấc mộng thảy đều an vui.”

Lược giảng:
“Lại nữa, này Bồ Tát Quán Thế Âm! Vào đời vị lai, nếu có những người nào ăn mặc không đủ ...” Có nhiều người thích mặc áo quần mới nhưng không có tiền để mua sắm. Cũng có ngườiụ chịu mặc đồ cũ song tất cả lại đều rách rưới, muốn tìm một bộ đồ cũ không vá mà chẳng thể nào tìm ra được. Đã vậy, họ ăn bữa nay lo bữa mai, không biết bao nhiêu ngày mới được một bữa no—thường xuyên bị thiếu ăn thiếu mặc.

Lại có những người “cầu gì cũng trái nguyện.” “Trái nguyện” tức là trái ngược với nguyện vọng. Họ cầu xin bất cứ điều gì cũng không được toại nguyện. Ngay cả áo quần, các thức ăn uống đều không có, thì quý vị nghĩ xem, những việc khác càng không thể nào toại ý được!

“Hoặc nhiều bệnh tật.” Có nhiều người thì cứ bị ốm đau bệnh hoạn liên miên. Họ đi làm công, buôn bán, hoặc bằng cách nào đó đã kiếm được một ít tiền, tính ra thì cũng đủ sống trong vài tháng; nhưng không may lại bị ngã bệnh bất ngờ. Thế là phải tốn tiền đi khám bác sĩ, rồi tiền mua thuốc, và cả tiền nằm bệnh viện nữa. Vì không có tiền để mua bảo hiểm, cho nên họ không có bảo hiểm về sức khỏe; do đó, hễ có bệnh thì bao nhiêu tiền bạc dành dụm được đều phải đem ra để trang trải. May mắn lắm thì vừa hết tiền thì bệnh cũng vừa khỏi; khỏi bệnh rồi thì lại phải tìm cách kiếm tiền. Kiếm được tiền rồi thì lại ngã bệnh nữa; đó gọi là “nhiều bệnh tật.” Vì sao lại như thế ư? Đó chính là nghiệp chướng!

“Hoặc nhiều sự hung suy.” “Hung” là hung tướng, không tốt lành; “suy” cũng là không tốt lành. “Hung suy” tức là việc dữ, không tốt đẹp gì cả.

“Nhà cửa không yên ổn.” Trong nhà cũng không được êm ấm. Không phải là ngôi nhà không an ổn, mà là những người sống trong nhà không được an ổn.

“Quyến thuộc bị phân tán.” Bà con ruột thịt trong gia đình bị chia lìa, không thể thường xuyên gặp gỡ.

“Hoặc các hoạnh sự cứ xảy đến làm thiệt thân.” Có nhiều người thường gặp phải những chuyện rủi ro bất ngờ, không tốt cho thân thể. Nhiều việc trái nghịch xảy đến nơi thân thể, không thuận cho thân thể; thí dụ như quý vị muốn không bị bệnh, thì cơ thể lại cứ ốm đau quặt quẹo.

“Khi ngủ thường mộng thấy điều kinh sợ.” Có người trong lúc ngủ thường mộng mị thấy những việc đáng sợ—chẳng hạn nằm mơ thấy có người đến giết mình, có người cầm súng bắn mình; hoặc thấy mình đang đi dưới chân một ngọn núi thì bỗng dưng có những tảng đá lớn, nặng đến cả mấy ngàn tấn từ trên đỉnh núi ào ào lăn xuống, tưởng chừng như sắp đè chết mình; hoặc thấy mình đang đứng dưới một bức tường, bỗng dưng tường đổ sụp xuống, suýt bị đè chết. Bấy giờ, trong giấc mộng, người ấy sợ hãi, khiếp đảm đến nỗi toàn thân đều toát mồ hôi.

“Những người như thế—những người thiếu ăn thiếu mặc, cầu gì cũng không được toại nguyện, lại thường đau ốm, gặp nhiều sự không may, gia đình không êm ấm thuận hòa, thân thuộc bị chia cách, luôn bị ác mộng—khi nghe danh hiệu của Bồ Tát Địa Tạng, thấy hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng, mà chí tâm cung kính niệm đủ một vạn biến, thiết tha thành khẩn trì niệm danh hiệu của Địa Tạng Vương Bồ Tát cho được một vạn lần, thì những sự không như ý sẽ tiêu sạch lần lần, liền được an vui.” Trước kia thì họ không được an vui, bây giờ niệm danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng đủ một vạn lần, trong lòng cảm thấy an vui, thư thái.

“Đồ ăn mặc dư dật.” Lúc trước thì không đủ cơm ăn áo mặc, không có áo quần cũng không có gì để ăn, song nay thì cái ăn cái mặc đều sung túc, dư dả, cái gì cũng có cả, nên họ cảm thấy rất an vui, “cho đến trong giấc mộng thảy đều an vui.”

Kinh văn:
“Lại nữa, này Bồ Tát Quán Thế Âm! Vào đời vị lai, nếu có người thiện nam thiện nữ nào, hoặc vì việc làm ăn sinh sống, hoặc vì việc công chuyện tư, hoặc vì sự sanh sự tử, hoặc vì việc khẩn cấp, mà phải vào rừng lên núi, qua sông vượt biển, cho đến gặp nước lớn hoặc đi ngang hiểm đạo; người đó trước tiên nên niệm danh hiệu của Địa Tạng Bồ Tát một vạn biến, thì đi qua nơi nào cũng có các vị quỷ thần hộ vệ, đi đứng nằm ngồi mãi mãi được an lạc, cho đến dẫu gặp cọp, sói, sư tử... cùng tất cả mọi thứ độc hại, cũng đều không thể làm thương tổn đến được.”

Lược giảng:

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói tiếp: “Lại nữa, này Bồ Tát Quán Thế Âm! Vào đời vị lai, nếu có người thiện nam thiện nữ nào, hoặc vì việc làm ăn sinh sống, hoặc vì việc công chuyện tư, hoặc vì sự sanh sự tử—như có kẻ gặp phải vấn đề sống chết, cần phải báo tin cho một ai đó—hoặc vì việc khẩn cấp, mà phải vào rừng lên núi, qua sông vượt biển, cho đến gặp nước lớn hoặc đi ngang hiểm đạo ...” “Hiểm đạo” tức là nơi vô cùng nguy hiểm, thường có các thú dữ như chó sói, cọp, beo... rình rập, hoặc bọn thổ phỉ chực sẵn để cướp bóc.

“Người đó trước tiên nên niệm danh hiệu của Địa Tạng Bồ Tát một vạn biến.” Những người vì công việc phải dấn thân vào những chốn hiểm nguy như thế, thì trước khi lên đường, họ nên thành tâm trì niệm danh hiệu của Địa Tạng Vương Bồ Tát đủ số mười ngàn lần; vì sao? Bởi nếu họ làm được như thế “thì đi qua nơi nào cũng có các vị quỷ thần hộ vệ, đi đứng nằm ngồi mãi mãi được an lạc.”

“Cho đến dẫu gặp cọp, sói, sư tử..., các mãnh thú có thể ăn thịt người, cùng tất cả mọi thứ độc hại, cũng đều không thể làm thương tổn đến được.” Ngay cả những mãnh thú hay ăn thịt người cũng như các thứ độc hại khác, thảy dều không thể nào gây tổn hại cho người đó được.

Nay những người sắp sang Đài Loan (thọ Cụ Túc Giới, 1969) cũng chớ nên lo lắng thái quá, đi bằng máy bay cũng không có việc gì đâu! Chỉ cần quý vị dụng công tu tập Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn và trì niệm danh hiệu của Bồ Tát Địa Tạng, thì tôi có thể bảo đảm cho sự an toàn của quý vị.

Kinh văn:
Đức Phật bảo Bồ Tát Quán Thế Âm: “Bồ Tát Địa Tạng có đại nhân duyên với cõi Diêm Phù Đề. Nếu nói về những việc lợi ích nhờ được thấy, được nghe của chư chúng sanh, thì trong cả trăm ngàn kiếp cũng không thể nói hết được.

Vì thế, này Quán Thế Âm! Ông hãy dùng thần lực mà lưu bố kinh này, làm cho chúng sanh ở thế giới Ta Bà trong trăm ngàn vạn kiếp luôn được hưởng sự an lạc.”

Lược giảng:
Đức Phật bảo Bồ Tát Quán Thế Âm: “Bồ Tát Địa Tạng có đại nhân duyên với cõi Diêm Phù Đề. Nếu nói về những việc lợi ích nhờ được thấy, được nghe của chư chúng sanh, thì trong cả trăm ngàn kiếp cũng không thể nói hết được.”

Địa Tạng Vương Bồ Tát vốn có nhân duyên rất lớn với tất cả chúng sanh ở cõi Nam Diêm Phù Đề. Giả sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni kể lể tỉ mỉ về những lợi ích có được nhờ trông thấy hình tượng và nghe đến danh hiệu của Bồ Tát Địa Tạng, thì cho dù trải qua cả trăm kiếp, ngàn kiếp, vạn kiếp, thậm chí cả trăm ngàn vạn kiếp, cũng không thể nào nói hết được.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói tiếp: “Vì thế, này Quán Thế Âm! Ông hãy dùng thần lực mà lưu bố kinh này, làm cho chúng sanh ở thế giới Ta Bà trong trăm ngàn vạn kiếp luôn được hưởng sự an lạc. Ông hãy dùng sức thần thông của mình mà lưu thông phổ biến Kinh Địa Tạng, khiến cho hết thảy chúng sanh ở thế giới ‘kham nhẫn’ này, trong trăm kiếp, ngàn kiếp, vạn kiếp, trăm ngàn vạn kiếp, mãi mãi được yên ổn, vui vẻ.”

Kinh văn:

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói kệ rằng:

“Ta xem Địa Tạng sức oai thần,

Hằng hà sa kiếp nói chẳng cùng.

Thấy, nghe, một niệm chiêm ngưỡng lễ,

Lợi ích trời, người vô lượng sự.

Hoặc nam, hoặc nữ, hoặc rồng, thần,

Báo tận sẽ sa vào đường ác,

Chí tâm quy y thân Đại Sĩ,

Thọ mạng chuyển tăng, tội chướng trừ.”

Lược giảng:
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói kệ rằng: ... Lúc bấy giờ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lại e rằng có những hạng chúng sanh nghe chưa được rõ, hiểu chưa được thấu đáo, cho nên Ngài dùng lối kệ tụng để trùng tuyên một lần nữa.

Vậy, Đức Phật bảo Bồ Tát Quán Thế Âm rằng: “Ta xem Địa Tạng sức oai thần,/ Hằng hà sa kiếp nói chẳng cùng. Ta, Phật Thích Ca Mâu Ni, quán sát sức thần thông cùng oai đức của Địa Tạng Vương Bồ Tát, và nhận thấy rằng cho dù có dùng khoảng thời gian dài, trải qua số kiếp nhiều như số cát sông Hằng để nói về sức oai thần này, thì cũng khó mà nói cho hết được.”

“Thấy, nghe một niệm chiêm ngưỡng lễ,/ Lợi ích trời, người vô lượng sự.” Nếu người nào trông thấy hình tượng của Địa Tạng Vương Bồ Tát và nghe được danh hiệu của Ngài mà liền sanh lòng cung kính đảnh lễ, dù chỉ trong một niệm ngắn ngủi, thì trong tương lai người đó sẽ được hưởng vô lượng vô biên sự lợi ích như được sanh lên cõi trời, hoặc sanh ở cõi người.

“Hoặc nam, hoặc nữ, hoặc rồng, thần,/ Báo tận sẽ sa vào đường ác,/ Chí tâm quy y thân Đại Sĩ,/ Thọ mạng chuyển tăng, tội chướng trừ.” Giả sử có người nam, người nữ, hoặc có vị trời, rồng, quỷ, thần... nào mà thân chánh báo đã hết, thọ mạng đã mãn, sắp phải bị đọa vào ba đường ác, nếu kẻ ấy có thể thành tâm khẩn thiết quy y Bồ Tát Địa Tạng, thì tuổi thọ của kẻ ấy sẽ được gia tăng và hết thảy tội chướng sẽ được tiêu trừ.

Kinh văn:

“Trẻ thơ sớm mất tình phụ mẫu,

Chẳng rõ thần hồn lạc nơi đâu,

Anh em chị em cùng thân thuộc,

Sanh trưởng đến nay chẳng biết nhau.

Hoặc nặn hoặc vẽ hình Đại Sĩ,

Cảm thương chiêm lễ chẳng muốn rời,

Hăm mốt ngày luôn niệm danh hiệu,

Bồ Tát tất hiện thân vô biên,

Chỉ rành quyến thuộc ở nơi nao,

Dầu sa ác thú cũng ra mau;

Nếu được sơ tâm chẳng thối thất,

Liền đặng xoa đảnh, thọ Thánh ký.”

Lược giảng:

“Trẻ thơ sớm mất tình phụ mẫu,/ Chẳng rõ thần hồn lạc nơi đâu.” Có nhiều người lúc còn thơ ấu đã bị lâm vào tình cảnh thiếu thốn tình gia đình do bị mất cha, mất mẹ, hoặc mất anh chị em quá sớm. Thế nên, đến khi khôn lớn trưởng thành, những kẻ mồ côi đó thường ưu tư khắc khoải, không biết thân nhân của mình thác sanh ở chốn nào, hồn phách phiêu bạt nơi đâu.

“Anh em, chị em, cùng thân thuộc,/ Sanh trưởng đến nay chẳng biết nhau.” Lại có những kẻ từ lúc sanh ra cho đến nay chưa hề gặp, chưa hề biết mặt anh em, chị em cùng những người bà con ruột thịt của họ.

“Hoặc nặn hoặc vẽ hình Đại Sĩ,/ Cảm thương chiêm lễ chẳng muốn rời.” Những người ấy hoặc dùng đất sét, gỗ, đá, đồng, sắt, vàng, bạc, ... để tạo tượng Bồ Tát Địa Tạng, hoặc tô vẽ hình Bồ Tát Địa Tạng trên giấy. Bấy giờ, trong lòng họ nảy sanh cảm giác buồn rầu, đau xót, cứ lưu luyến ngắm nhìn và thường xuyên thành tâm đảnh lễ hình tượng Bồ Tát Địa Tạng, không muốn xa rời.

“Hăm mốt ngày luôn niệm danh hiệu,/ Bồ Tát tất hiện thân vô biên,/ Chỉ rành quyến thuộc ở nơi nao,/ Dầu sa ác thú cũng ra mau.” Trong suốt thời gian ba tuần lễ, nếu những người đó có thể lúc nào cũng một lòng trì niệm danh hiệu của Địa Tạng Vương Bồ Tát, thì Ngài sẽ thị hiện Pháp thân vô biên mà báo cho biết nơi thác sanh của cha, mẹ, hoặc anh em, chị em của họ; trong trường hợp thân nhân của họ đang bị đọa lạc trong bốn đường ác, thì cũng sẽ mau chóng được thoát ra.

“Nếu được sơ tâm chẳng thối thất,/ Liền đặng xoa đảnh, thọ Thánh ký.” Giả sử những người đó có thể kiên trì, không thối chuyển, không quên mất cái tâm niệm ban đầu, thì bấy giờ sẽ được Bồ Tát Địa Tạng xoa đảnh, thọ ký cho.

Kinh văn:

“Bồ Đề vô thượng muốn tu hành,

Thậm chí lìa xa khổ Tam Giới,

Người này đã phát đại bi tâm,

Trước nên chiêm lễ tượng Đại Sĩ,

Hết thảy nguyện ước chóng thành tựu,

Nghiệp chướng vĩnh viễn chẳng ngăn đặng.

Có người phát tâm tụng kinh điển,

Muốn độ quần mê vượt bỉ ngạn,

Dầu lập thệ nguyện chẳng nghĩ bàn,

Đọc rồi liền quên, luôn sót mất.

Người này nghiệp chướng khiến u mê,

Học Đại Thừa kinh chẳng nhớ được.

Cúng dường Địa Tạng với hương hoa,

Y phục, uống ăn, cùng ngoạn cụ,

Bày chén nước trong trước Đại Sĩ,

Cách một ngày sau bưng lấy uống.

Sanh lòng trân trọng, cữ ngũ tân,

Rượu, thịt, tà dâm, cùng vọng ngữ.

Hăm mốt ngày liền chớ sát sanh,

Chí tâm nhớ tưởng Đại Sĩ danh.

Trong mộng tất thấy thân vô biên,

Thức giấc nhĩ căn liền lanh lợi,

Đại Thừa kinh giáo nghe qua tai,

Suốt ngàn vạn đời mãi chẳng quên.

Chính nhờ Đại Sĩ bất tư nghì,

Thầm giúp người kia được huệ tài.”



Lược giảng:

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói tiếp: “Bồ Đề vô thượng muốn tu hành,/ Thậm chí lìa xa khổ Tam Giới,/ Người này đã phát đại bi tâm,/ Trước nên chiêm lễ tượng Đại Sĩ,/ Hết thảy nguyện ước chóng thành tựu,/ Nghiệp chướng vĩnh viễn chẳng ngăn đặng.” Giả sử có những người thiết tha muốn tu tập đạo giác ngộ cao tột, cho đến phát tâm cầu thoát khỏi mọi khổ não trong ba cõi Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới. Những kẻ đã phát tâm từ bi rộng lớn dường ấy, thì trước tiên nên đối trước tượng của Địa Tạng Vương Bồ Tát mà chí thành cung kính chiêm ngưỡng và đảnh lễ. Được như thế thì tất cả các nguyện ước mong cầu của họ đều thành tựu một cách mau chóng, và mãi mãi không có nghiệp chướng nào có thể cản trở sự tu đạo của họ.

“Có người phát tâm tụng kinh điển,/ Muốn độ quần mê vượt bỉ ngạn,/ Dầu lập thệ nguyện chẳng nghĩ bàn,/ Đọc rồi liền quên, luôn sót mất.” Giả sử có những người phát tâm Bồ Tát Đại Thừa, muốn học thuộc, tụng niệm các kinh điển Đại Thừa. Vì sao chúng ta học kinh điển? Chính là vì muốn cứu vớt tất cả chúng sanh, những kẻ còn trầm luân mê muội, ra khỏi Tam Giới, đến được bờ giác ngộ ở bên kia.

Tuy lập thệ nguyện không thể nghĩ bàn như thế, nhưng đối với kinh điển Đại Thừa, họ đọc qua một lần cũng không nhớ được, đọc lại lần thứ hai cũng vẫn quên, cứ đọc rồi lại quên. “Đọc rồi liền quên, luôn sót mất” có nghĩa là học đâu quên đó, không thể nào nhớ được những chữ, những câu trong kinh điển; thậm chí nhìn vào kinh để đọc cũng đọc sai nữa, cho nên càng không thể nào học thuộc được.

“Người này nghiệp chướng khiến u mê,/ Học Đại Thừa kinh chẳng nhớ được.” Vì sao những người này gặp phải tình trạng như vậy? Bởi vì họ bị nghiệp chướng rất nặng nề ngăn che, khiến họ không thể nhớ được kinh điển. Đối với kinh điển Đại Thừa, họ làm cách nào cũng không thể học thuộc được. Vậy thì phải làm thế nào?

“Cúng dường Địa Tạng với hương hoa,/ Y phục, uống ăn, cùng ngoạn cụ.” Những người này nên dùng hương, hoa, đèn dầu, đèn cầy, trái cây, hoặc y phục còn mới, thực phẩm tươi tốt, cũng như các món đồ chơi để cúng dường Địa Tạng Vương Bồ Tát.

Ngoài ra, họ cũng nên “bày chén nước trong trước Đại Sĩ,/ Cách một ngày sau bưng lấy uống.” Lại đem một chén nước sạch đặt trước tượng của Bồ Tát Địa Tạng, rồi trong suốt một ngày một đêm, quỳ trước tượng mà dập đầu đảnh lễ, sau đó mới bưng chén nước và quay mặt về hướng Nam mà uống cạn.

“Sanh lòng trân trọng, cữ ngũ tân.” Phải phát lòng ân cần, trân trọng, hết sức thiết tha thành khẩn, không được thờ ơ lơ đãng, và tuyệt đối không được ăn năm thứ hăng nồng là tỏi, hành, hẹ, kiệu, nén (hưng cừ). Ăn năm loại này thì trong miệng có mùi rất hôi hám, nên đối với việc tụng kinh và đối với Đức Phật đều là một sự bất kính, vì thế mà phải ngăn cấm.

“Rượu, thịt, tà dâm, cùng vọng ngữ.” Ngoài ra, cũng phải tuyệt đối cấm dùng rượu, thịt, cấm tà dâm và cấm nói dối; đó cũng chính là tuân thủ năm giới cấm—không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, và không uống rượu.

“Hăm mốt ngày liền chớ sát sanh.” Trong ba tuần lễ, tức là hai mươi mốt ngày phải không được sát sanh, không được trộm cắp, không được tà dâm, không được nói dối, không được uống rượu.

“Chí tâm nhớ tưởng Đại Sĩ danh.” “Chí tâm” tức là không xen tạp niệm nào khác, chỉ thuần thành một lòng trì niệm danh hiệu Địa Tạng Vương Bồ Tát, cùng nhớ nghĩ về nguyện lực và việc làm của Ngài mà thôi.

“Trong mộng tất thấy thân vô biên.” Nếu có thể chí tâm thuần thành đến cực điểm thì trong giấc ngủ sẽ chiêm bao thấy được hình tượng, Pháp thân vô biên của Bồ Tát Địa Tạng.

“Thức giấc nhĩ căn liền lanh lợi,/ Đại Thừa kinh giáo nghe qua tai,/ Suốt ngàn vạn đời mãi chẳng quên.” Và đến lúc thức dậy thì sẽ được nhĩ căn lanh lợi, nhạy bén, điều gì cũng chỉ nghe một lần là nhớ mãi, vĩnh viễn không bao giờ quên. Các kinh giáo, kinh điển Đại Thừa, họ chỉ cần nghe qua một lần thì trong ngàn vạn đời còn không quên nghĩa lý hàm chứa trong kinh, huống chi là một đời?

“Chính nhờ Đại Sĩ bất tư nghì,/ Thầm giúp người kia được huệ tài.” Những nhân duyên đã nói ở trước là do thần thông không thể nghĩ bàn, cảnh giới không thể nghĩ bàn của Bồ Tát Địa Tạng mà có được. Ngài Địa Tạng có thần lực “cảm ứng Đạo giao”—có thể khiến cho người kém trí nhớ có được trí nhớ tốt, kẻ ngu si kém cỏi được trở thành thông minh lanh lợi.

Kinh văn:

“Chúng sanh nghèo khổ lại bệnh tật,

Nhà cửa hung suy, quyến thuộc lìa,

Ngủ mê mộng mị không an giấc,

Cầu chi cũng hỏng, chẳng toại lòng,

Chí tâm chiêm lễ tượng Địa Tạng,

Tất cả việc ác thảy tiêu trừ,

Cho đến mộng mị đều an ổn,

Quỷ thần ủng hộ, dư ăn mặc.

Muốn vào núi rừng, qua sông biển,

Cầm thú độc dữ cùng người ác,

Ác thần, ác quỷ, với ác phong,

Hết thảy tai nạn, mọi khổ não,

Chỉ cần chiêm lễ cùng cúng dường,

Địa Tạng Bồ Tát Đại Sĩ tượng,

Núi rừng biển cả dẫu có vào,

Tất cả sự ác đều tiêu sạch.

Quán Âm hãy lắng nghe Ta nói,

Địa Tạng vô tận không nghĩ bàn,

Trăm ngàn muôn kiếp chẳng kể xiết,

Rộng tuyên Đại Sĩ sức như vậy!

Như người nghe đến Địa Tạng danh,

Thậm chí thấy hình cùng chiêm lễ,

Hương hoa, thực phẩm, và y phục,

Cúng dường trăm ngàn hưởng diệu lạc.

Nếu đem hồi hướng khắp Pháp Giới,

Rốt ráo thành Phật, thoát sanh tử.

Vì thế, Quán Âm, ông hãy nên,

Bảo khắp Hằng sa các cõi nước!”

Lược giảng:
“Chúng sanh nghèo khổ lại bệnh tật,/ Nhà cửa hung suy, quyến thuộc lìa,/ Ngủ mê mộng mị không an giấc.” Giả sử có những chúng sanh rất nghèo nàn khốn khổ, thường ốm đau bệnh hoạn, nhà cửa xảy ra nhiều tai họa, lắm việc không may, gia cảnh sa sút lụn bại, hoặc họ hàng thân thuộc bị chia lìa xa cách... khiến cho họ trong lúc ngủ cứ gặp toàn ác mộng, chiêm bao thấy những việc hung hiểm, đáng sợ.

“Cầu chi cũng hỏng, chẳng toại lòng.” “Toại lòng” tức là vừa lòng hợp ý, cầu chi được nấy. Có nhiều người bất luận phát thệ nguyện gì hoặc mong cầu điều gì, thì đều bị trái nghịch, không được toại nguyện, không được như ý mình mong đợi; thậm chí trong lúc nằm mộng mà cầu xin việc gì cũng bị trái với tâm nguyện của mình.

“Chí tâm chiêm lễ tượng Địa Tạng,/ Tất cả việc ác thảy tiêu trừ,/ Cho đến mộng mị đều an ổn.” Bất luận có vấn đề khó khăn nan giải gì, chỉ cần quý vị chí thành khẩn thiết, đến trước tượng Bồ Tát Địa Tạng mà cúi đầu đảnh lễ, thì mọi việc xấu, mọi điều ác, vô hình trung đều được tiêu tan; tất cả sẽ trở nên kiết tường, thuận lợi. Thậm chí trong giấc ngủ, mộng mị cũng đều bình an, tốt lành.

“Quỷ thần ủng hộ, dư ăn mặc.” Quý vị thường chiêm ngưỡng lễ lạy Bồ Tát Địa Tạng, thì hết thảy quỷ thần đều theo bảo vệ và khiến cho tất cả sự việc của quý vị đều được như ý tốt đẹp; y phục, vật thực đều được dồi dào, dư ăn dư mặc.

“Muốn vào núi rừng, qua sông biển,/ Cầm thú độc dữ cùng người ác.” Giả sử có những người phải dấn thân vào hiểm đạo như vào rừng sâu núi cao hoặc vượt qua biển cả gió to sóng lớn, nơi có người ác, giặc cướp hoặc rồng độc, thú dữ, hổ beo ... luôn rình rập.

“Ác thần, ác quỷ, với ác phong.” Đừng cho rằng các vị thần đều là thiện thần cả đâu! Thần cũng có thiện thần, ác thần, và quỷ cũng có thiện quỷ, ác quỷ. Ngay cả gió cũng có gió dữ—ác phong—tức là sóng gió do yêu ma quỷ quái gây nên.

“Hết thảy tai nạn, mọi khổ não,/ Chỉ cần chiêm lễ cùng cúng dường,/ Địa Tạng Bồ Tát Đại Sĩ tượng.” Trước khi phải đối diện với những tai nạn, những sự thống khổ như thế, quý vị nên chiêm lễ Bồ Tát Địa Tạng và cúng dường thánh tượng của Bồ Tát Địa Tạng, thì “núi rừng biển cả dẫu có vào,/ Tất cả sự ác đều tiêu sạch.” Bấy giờ, các ác nhân, ác thú, ác cầm ở chốn núi rừng cùng các ác long, ác quỷ, ác thần nơi biển cả—hết thảy sự ác đều sẽ bị tiêu diệt, bặt tăm bặt tích.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy tiếp: “Quán Âm hãy lắng nghe Ta nói,/ Địa Tạng vô tận không nghĩ bàn,/ Trăm ngàn muôn kiếp chẳng kể xiết,/ Rộng tuyên Đại Sĩ sức như vậy! Này Bồ Tát Quán Thế Âm! Ông hãy chí tâm lắng nghe Ta nói đây: Oai thần nguyện lực và hết thảy mọi thứ của Bồ Tát Địa Tạng đều là bất khả tư nghị—không thể suy lường, không thể bàn luận. Chớ bảo rằng Ta tuyên nói trong một thời gian ngắn ngủi như thế, cho dù có nói suốt cả thời gian dài bằng cả trăm ngàn vạn ức kiếp đi chăng nữa, cũng chẳng thể nào nói cho xiết được.”

“Như người nghe đến Địa Tạng danh,/ Thậm chí thấy hình cùng chiêm lễ,/ Hương hoa, thực phẩm, và y phục.” Nếu có người nghe đến danh hiệu của Bồ Tát Địa Tạng, hoặc không chỉ nghe danh mà còn thấy tượng của Bồ Tát Địa Tạng nữa, họăc là đối trước tượng của Bồ Tát Địa Tạng mà chiêm ngưỡng lễ bái, dùng đủ thứ hương, hoa, y phục, đồ ăn thức uống, để cúng dường, thì “cúng dường trăm ngàn hưởng diệu lạc.” Bởi cúng dường Bồ Tát Địa Tạng thì thù thắng hơn cúng dường các Bồ Tát khác gấp trăm ngàn vạn ức lần, cho nên trong tương lai nhất định sẽ được hưởng sự diệu lạc thù thắng.

“Nếu đem hồi hướng khắp Pháp Giới,/ Rốt ráo thành Phật, thoát sanh tử.” Nếu quý vị có thể đem công đức có được từ sự cúng dường Bồ Tát Địa Tạng, lễ bái Bồ Tát Địa Tạng, hoặc xưng niệm danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng, mà hồi hướng cho tất cả chúng sanh trong Pháp Giới, thì tương lai quý vị nhất định sẽ thành Phật, liễu sanh thoát tử.

“Vì thế, Quán Âm, ông hãy nên,/ Bảo khắp Hằng sa các cõi nước! Thế nên, này Bồ Tát Quán Thế Âm! Ông cần phải biết rằng ông nên đi tuyên nói công đức thần thông diệu dụng của Bồ Tát Địa Tạng, phổ cáo cho khắp chúng sanh trong hằng hà sa số cõi nước được biết rõ. Thay thế Bồ Tát Địa Tạng hoằng dương nguyện lực của ông ấy, đó chính là việc mà ông cần phải làm vậy!”


Picture

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét